Đo độ mặn, giữ nước ngọt tưới lúa xuân ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dù đang trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các công nhân vận hành hệ thống cống bara Nghi Quang (Nghi Lộc), bara Bến Thuỷ vẫn miệt mài quan trắc nguồn nước (đo độ mặn), giám sát đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ tưới tiêu và dân sinh.
Hệ thống cống bara Nghi Quang đóng chặt để ngăn mặn. Ảnh: Văn Trường

Hệ thống cống bara Nghi Quang đóng chặt để ngăn mặn. Ảnh: Văn Trường

Canh cống, giữ nước ngọt

Tại cống bara Nghi Quang, huyện Nghi Lộc thời điểm này, các công nhân vận hành thuỷ lợi đang triển khai các thiết bị để đo độ mặn.

Một công nhân cho biết: Hàng ngày, chúng tôi dùng các thiết bị đo độ mặn ở nhiều vị trí khác nhau để có kết quả chính xác. Sau khi lấy mẫu nước ở lớp mặt, lớp giữa và lớp đáy sông thì dùng máy đo để phân tích, cập nhật số liệu theo từng giờ, nhằm kiểm tra đảm bảo chất lượng nguồn nước. Từ đó, cảnh báo kịp thời cho chính quyền địa phương và hệ thống thuỷ lợi Nam, khuyến cáo bà con sử dụng nước hợp lý, hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của mặn xâm nhập.

Khi phát hiện mặn xâm nhập, chờ thời điểm triều xuống, bộ phận vận hành phải khẩn trương mở cửa cung (cửa cống) rộng 1,5 mét để xả đáy (xả mặn) với lưu lượng khoảng 10m3/s.

Ông Hoàng Văn Hương - Trạm trưởng Trạm bara Nghi Quang cho biết: Hệ thống cống bara Nghi Quang nằm địa bàn các xã Nghi Quang và Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có vị trí trọng yếu trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất tưới tiêu cho vùng Nam Nghệ An với 23.000 ha lúa khu công nghiệp, dân sinh của các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP. Vinh.

Công nhân Hệ thống cống bara Nghi Quang lấy mẫu nước để đo độ mặn trên sông Cấm. Ảnh: Văn Trường

Công nhân Hệ thống cống bara Nghi Quang lấy mẫu nước để đo độ mặn trên sông Cấm. Ảnh: Văn Trường

Thời gian qua, do mực nước sông Lam xuống quá thấp, nước ngọt về vùng đuôi sông Cấm ít, nên từ cuối vụ xuân, năm nào cũng bị mặn xâm nhập, nhất là từ khu vực cống Nghi Quang đến cầu Phương Tích, xã Nghi Phương, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Khó khăn đặt ra hiện nay là hệ thống cống bara Nghi Quang xuống cấp trầm trọng, toàn bộ hệ thống 13 cửa tự động, cửa van phẳng, cửa cung, khóa cửa tự động đều đã hỏng, cầu giao thông xuống cấp, các dầm cầu bị hỏng. Mặn xâm nhập vào qua chỗ rò của cửa; vào mùa tiêu, hệ thống khóa bị hỏng nên không thể chủ động tiêu thoát lũ.

"Hiện nay để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn do hệ thống cống rò rỉ, chúng tôi phải dùng chăn cũ cuốn tròn, thuê thợ lặn xuống để “chèn” vào, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài hệ thống bara Nghi Quang cần được quan tâm nâng cấp, nếu không tình trạng xâm nhập mặn sẽ gia tăng, làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước và các loại cây trồng" - ông Hoàng Văn Hương chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam, nhờ thực hiện khá tốt khâu quan trắc nguồn nước, nên khoảng trên 3.000ha lúa ở dọc sông Cấm thuộc các xã Nghi Tiến, Nghi Hưng, Nghi Phương... huyện Nghi Lộc và một số xã của huyện Hưng Nguyên, đến thời điểm này nguồn nước tưới vẫn đảm bảo an toàn, không bị xâm nhập mặn.

Nghệ An chưa có trạm quan trắc đo độ mặn

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi cho biết: Những năm qua, Nghệ An là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa nắng nóng khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới.

Công nhân phải mượn thuyền của dân để ra giữa dòng sông Cấm lấy mẫu nước đo độ mặn. Ảnh: Văn Trường

Công nhân phải mượn thuyền của dân để ra giữa dòng sông Cấm lấy mẫu nước đo độ mặn. Ảnh: Văn Trường

Để bảo vệ diện tích cây trồng và giảm thiệt hại đến mức thấp nhất bởi hạn hán xâm nhập mặn, Chi cục Thuỷ lợi chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi trên hệ thống Nam các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn phân công công nhân túc trực tại các cống đầu mối trên địa bàn. Tăng cường công tác quan trắc nguồn nước trên các sông, tại vị trí các cống đầu mối và trong nội đồng, các trạm bơm có nguy cơ nhiễm mặn, tiến hành đóng triệt các cống đầu mối khi độ mặn xâm nhập. Đồng thời, thông báo cho địa phương về chất lượng nguồn nước, tuyệt đối không được bơm khi nồng độ mặn >= 1‰.

Đơn vị chức năng cập nhật đường mực nước lên xuống của từng con triều và đo chất lượng nguồn nước, ép mặn và xả mặn một cách phù hợp. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát; trong giai đoạn hạn mặn diễn biến gay gắt ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc…

Đồng thời, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiến hành biện pháp duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống hạn mặn để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa nắng nóng như công trình nâng cấp tuyến đê sông Mơ, đoạn qua các xã ven biển gồm Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu)...

Máy đo báo số liệu đo độ mặn. Ảnh: Văn Trường

Máy đo báo số liệu đo độ mặn. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Đài khí tượng thuỷ văn Bắc Trung bộ cho biết: Nghệ An có hệ thống sông Lam, sông Cấm vào mùa nắng nóng thường bị xâm lấn độ mặn, tuy nhiên khó khăn là Nghệ An chưa có các trạm quan trắc độ mặn. Hiện nay cơ quan khí tượng thuỷ văn chỉ mới có 1 điểm quan trắc độ mặn duy nhất trên sông Lam (gần cầu Bến Thuỷ - TP. Vinh).

Điểm quan trắc độ mặn này chủ yếu thao tác thủ công, chủ yếu hoạt động vào mùa nắng nóng để quan trắc một số đợt xâm nhập mặn. Do chưa có các trạm quan trắc đo độ mặn, chủ yếu là hoạt động thủ công nên công tác giám sát độ mặn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đánh giá chi tiết được tình trạng xâm nhập mặn trên toàn vùng.

Về lâu dài, rất cần được Nhà nước, các chương trình dự án đầu tư hệ thống trạm đo mặn có tính hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đánh giá hiện trạng diễn biến mặn, cũng như dự báo xâm nhập mặn chính xác, nhanh chóng để đảm bảo tưới lúa hiệu quả.

Tin mới