Đồ lễ ngày cúng khai hạ phong phú, giá tăng nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mặt hàng đồ lễ cúng khai hạ năm nay phong phú, giá tăng nhẹ và sức mua tăng.
Người dân tấp nập đi mua sắm đồ lễ cúng khai hạ. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân tấp nập đi mua sắm đồ lễ cúng khai hạ. Ảnh: Thanh Phúc

C,hiều 27/1 (mồng 6 tháng Giêng) và sáng 28/1 (mồng Bảy tháng Giêng), tại các chợ dân sinh người dân mua đồ lễ cúng khai hạ khá đông. Nhất là tại các cửa hàng, quầy hàng bán vàng mã, hoa tươi, trái cây, trầu cau…, người dân chen chân mua sắm.

Theo ghi nhận, tại các chợ, các mặt hàng phục vụ người dân sắm đồ lễ phong phú, đa dạng, giá không biến động nhiều. Trong đó, trái cây là mặt hàng được nhiều người lựa chọn nhất. Các quầy hàng được tiểu thương nhập về đa dạng loại quả với số lượng lớn. So với thời điểm trước và trong tết, giá các loại trái cây vẫn ổn định: nhãn, cam bù, vú sữa 70.000 đồng/kg; cam, thanh long đỏ 60.000 đồng/kg; dưa hấu giá 30.000 đồng/kg, na giá 110.000 đồng/kg…

Trái cây, hoa tươi phong phú phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Trái cây, hoa tươi phong phú phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Trần Thị Phượng – tiểu thương bán hoa quả ở chợ Vinh cho hay: “Bắt đầu từ ngày mồng Ba Tết chúng tôi đã nhập các loại hoa quả về để phục vụ người dân cúng khai hạ. Theo đó, sức mua tăng dần từ mồng Ba đến nay, đặc biệt, đông nhất là vào ngày mồng Bảy, lượng hoa quả bán ra tăng mạnh, gấp 3-4 lần so với ngày thường. Giá cả nhìn chung tăng không đáng kể”.

Chuối xanh là loại quả bán rất chạy vào thời điểm này. Nhiều người kinh doanh thời vụ cũng tranh thủ lấy về số lượng lớn với những nải chuối to, đẹp để phục vụ khách hàng. Giá chuối cũng đã “hạ nhiệt” so với dịp Tết Nguyên đán. Mỗi nải dao động từ 50.000 đồng đến hơn 150.000 đồng.

Hàng mã cũng rất đông khách. Ảnh: Thanh Phúc

Hàng mã cũng rất đông khách. Ảnh: Thanh Phúc

Cùng với trái cây, hoa tươi như cúc vàng, cúc trắng… có sức tiêu thụ mạnh dịp này. Giá hoa cúc dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/cành, giảm 2.000-3.000 đồng/cành so với dịp Tết Nguyên đán. Giá cau trầu cũng có phần “hạ nhiệt” so với dịp Tết nhưng vẫn ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Mỗi đĩa cau trầu (1 quả cau và 1 lá trầu) từ 13.000 – 20.000 đồng, tùy vào độ đẹp của quả cau.

Mặt hàng bán khá chạy vào dịp này là bánh trôi, chè hoa cau. Kinh doanh mặt hàng ăn sáng tại chợ Hưng Dũng (TP.Vinh), vào ngày lễ cúng ông Công ông Táo, lễ khai hạ hay ngày Rằm, chị Trương Thị Mai làm thêm bánh trôi và chè hoa cau để bán. “Từ chiều qua đến sáng nay, tôi đã bán ra hơn 200 cốc bánh, chè cho người dân cúng lễ khai hạ. Giá mỗi cốc 10.000 đồng (10 chiếc bánh trôi) và 12.000 đồng (1 cốc chè hoa cau, bột lọc)”.

Chè hoa cau, bánh trôi nước đắt hàng. Ảnh: Thanh Phúc

Chè hoa cau, bánh trôi nước đắt hàng. Ảnh: Thanh Phúc

Bên cạnh đó, mặt hàng như giò chả, bánh chưng và gà trống cúng cũng khá đắt hàng. Bởi thế, những ngày này, gà sống là mặt hàng xuất hiện nhiều hơn ngày thường tại các chợ, dịch vụ làm gà cúng cũng tấp nập hơn ngày thường. Giá gà dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg, gà trống già, lông mượt, đuôi dài cong và mào đỏ được bán với giá 150.000 đồng/kg.

Dịch vụ đồ lễ trọn gói cũng sôi động từ nhiều ngày nay. Các cửa hàng thực phẩm sạch, các tiệm trái cây đều cung cấp dịch vụ soạn và giao lễ cúng tại nhà cho khách có nhu cầu.

Giò chả cũng được nhiều người lựa chọn làm món mặn trong lễ cúng khai hạ. Ảnh: Thanh Phúc

Giò chả cũng được nhiều người lựa chọn làm món mặn trong lễ cúng khai hạ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo đó, giá mỗi cỗ xôi gà dao động từ 350.000-500.000 đồng; mỗi lễ cúng hoàn chỉnh (gồm: trái cây, cau trầu, hoa tươi, chè, bánh chưng, giò, đồ mã) có giá từ 500.000-700.000 đồng. Dịch vụ này cũng khá hút khách bởi tính tiện lợi.

Chị Nguyễn Thị Hà Phương, nhân viên công ty cho biết: “Do đặc thù công việc đầu năm khá bận rộn nên tôi chọn dịch vụ sắm và giao lễ của một người quen. Họ sẽ giao đồ cúng cho mình theo đúng yêu cầu, tôi đặt riêng một lễ hoa quả và một cỗ xôi gà, tổng cộng hết 800.000 đồng”.

Lễ khai hạ (cúng hạ nêu) còn được biết đến với một số tên gọi khác như lễ hạ cây nêu, lễ tạ năm mới, lễ hóa vàng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán người ta tổ chức lễ khai hạ như một nghi thức tiễn gia tiên về trời sau những ngày ăn Tết cùng con cháu để mọi người quay trở lại công việc thường ngày.

Dịch vụ mâm cỗ trọn gói cúng khai hạ khá sôi động. Ảnh: Thanh Phúc

Dịch vụ mâm cỗ trọn gói cúng khai hạ khá sôi động. Ảnh: Thanh Phúc

Tùy vào điều kiện kinh tế cũng như phong tục, tập quán của từng gia đình mà mâm cúng, ngày cúng khai hạ sẽ khác nhau nhưng ai cũng cố gắng chuẩn bị thật chu đáo để có cỗ cúng tươm tất, đủ đầy, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm an lành, may mắn.

Tin mới