Đô Lương khó đạt chỉ tiêu huyện nông thôn mới

(Baonghean) - Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đô Lương khóa XX đề ra, đó là đến năm 2020 huyện sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua...

LINH HOẠT TRONG TRIỂN KHAI

Đô Lương là huyện khá lớn với 32 xã, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.Tuy nhiên, thông qua tập trung tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều thể hiện quyết tâm tập trung cho xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp.

Huyện đã thành lập các tổ công tác rà soát, chỉ đạo cơ sở, gắn trách nhiệm của từng đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách vùng, từng đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách điểm trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tăng cường vai trò chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Huyện ủy thông qua các chuyến về cơ sở không báo trước, kể cả tăng cường cán bộ huyện về đảm nhận các chức danh chủ chốt ở những cơ sở có phong trào yếu hoặc khó khăn, vướng mắc…; hàng quý, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức nghe đánh giá, đốc thúc chỉ đạo.

Ở mỗi cơ sở cũng xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm trong xây dựng nông thôn mới, trước hết là trách nhiệm của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với từng phần việc để tham gia đóng góp trong từng tiêu chí cụ thể.

Trung tâm thị trấn Đô Lương. Ảnh tư liệu: Hữu Hoàn
Trung tâm thị trấn Đô Lương. Ảnh tư liệu: Hữu Hoàn

Đơn cử tại xã Trung Sơn, một xã được xếp vào diện khó khăn, tuy nhiên sau khi luân chuyển Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện về làm Bí thư Đảng ủy với sự nhiệt huyết, trách nhiệm của cán bộ luân chuyển đã thực sự khơi nguồn sức mạnh của cán bộ và nhân dân.

Hàng tuần vào ngày thứ Bảy, toàn thể cán bộ, công chức, người lao động xã Trung Sơn đều về các xóm để tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn từng hộ cách chỉnh trang, xây dựng vườn mẫu, sắp xếp đồ dùng trong nhà, hướng dẫn xử lý môi trường trong chăn nuôi, nước thải và kể cả tham gia lao động cùng với người dân phát quang, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa, làm bồn hoa, đường hoa…. Về phía MTTQ, các đoàn thể xã đều đăng ký một phần việc hoặc một công trình và đỡ đầu 2 xóm trong xây dựng nông thôn mới…

"Để triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài nghị quyết chung về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Lam Sơn cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện các tiêu chí khó đạt, như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí môi trường... trên cơ sở lồng ghép các chương trình dự án và vận động con em xa quê đóng góp hàng tỷ đồng".

Đồng chí Lê Văn Biểu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn

Xã Trung Sơn chú trọng thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân thông qua chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả như dưa đỏ, cà tím, bí xanh... Ảnh: Mai Hoa
Xã Trung Sơn chú trọng thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân thông qua chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả như dưa đỏ, cà tím, bí xanh... Ảnh: Mai Hoa

Đối với Lam Sơn, một xã miền núi, địa bàn rộng với hơn 1,9 km2, điều kiện kinh tế của địa phương và người dân đều khó khăn, trong khi đó nhu cầu về nguồn lực để xây dựng nông thôn mới là rất lớn, nhất là hệ thống đường giao thông với hơn 58 km; cơ sở vật chất văn hóa xuống cấp yêu cầu phải làm mới lại ở cả cấp xã và 14 xóm; hệ thống trường học cũng tương tự...  

Thời điểm bước vào xây dựng nông thôn mới, trong 19 tiêu chí, xã Hiến Sơn chưa có một tiêu chí nào đạt. Để đạt được mục tiêu về đích vào cuối năm 2020, hướng đi của địa phương là ưu tiên tập trung thực hiện các công trình thiết thực phục vụ dân sinh, như làm việc với ngành điện cải tạo hệ thống lưới điện và xen dắm thêm các trạm điện mới, đảm bảo an toàn lưới điện và nâng cao chất lượng điện sinh hoạt; đầu tư hoàn thiện hệ thống trường học, trạm y tế; đảm bảo đầy đủ các thiết chế thể thao từ xã đến các xóm.

Làm đường bê tông tại xã Hiến Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Làm đường bê tông tại xã Hiến Sơn. Ảnh: Mai Hoa

"Khi người dân có niềm tin vào cấp ủy, chính quyền, xây dựng nông thôn mới sau đó dễ dàng hơn nhiều và Hiến Sơn đã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018, sớm 2 năm so với mốc thời gian đề ra".

Đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn 

QUAN TÂM TÍNH BỀN VỮNG

Đến cuối năm 2018, Đô Lương có 17/32 xã đã về đích nông thôn mới. Như vậy, còn 7 xã phấn đấu về đích trong 2 năm (2019, 2020) để hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ, tức là có 24 xã đạt chuẩn (75%), tương đương với việc huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau này, tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh điều kiện để được công nhận huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn và có thêm 9 tiêu chí cấp huyện phải hoàn thành, nên Đô Lương đang gặp khó khăn cho mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2020.

Xây dựng vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới ở Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa
Xây dựng vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới ở Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng và tổ chức các mô hình kinh tế, tạo sinh kế và thu nhập cao, ổn định cho người dân chưa được nhiều. Mặc dù đây là một trong những tiêu chí cốt lõi, bởi mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững. Chính lãnh đạo các địa phương đã về đích nông thôn mới như Hiến Sơn, Lam Sơn cũng thừa nhận, các mô hình kinh tế có hiệu quả cao chưa được nhiều.

"Huyện Đô Lương phấn đấu trong 2 năm (2019, 2020) có thêm ít nhất 8 xã về đích nông thôn mới".

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Bí thư Huyện ủy Đô Lương

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết, trong tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy vừa tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến 2018. Theo đó, trong 2 năm (2019, 2020), huyện phấn đấu có thêm ít nhất 8 xã về đích nông thôn mới, để đến cuối năm 2020, huyện có ít nhất 25/32 xã đạt NTM.

Cán bộ Kiểm toán nhà nước trao 22 máy tính cho trường học tại xã Trung Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ Kiểm toán Nhà nước trao 22 máy tính cho trường học tại xã Trung Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Đối với các xã đã về đích sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; trong đó ưu tiên tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây, con, kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đô Lương cũng tiếp tục gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, thương mại; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch…

Để thực hiện được quyết tâm trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa kết quả việc thực hiện tiêu chí NTM để làm tiêu chí đánh giá, phân xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cơ sở hàng năm; có hình thức xử lý đối với cấp ủy Đảng, chính quyền những nơi thiếu tích cực trong chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới.

Một góc vùng nông thôn Đô Lương. Ảnh minh họa: Ngọc Phương
Một góc vùng nông thôn Đô Lương. Ảnh minh họa: Ngọc Phương
 

Tin mới