Dò sóng lướt web ở cổng trời cao 1500 mét

(Baonghean.vn) - Nằm ở độ cao gần 1.500m, cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh bản làng, núi đồi dưới làn mây mờ ảo mà còn là “nơi hẹn hò” đúng nghĩa của người dân nhiều bản làng. Bởi chỉ có nơi đây mới dò được sóng 3G, lướt web.

Cổng trời Mường Lống là điểm duy nhất có thể vào Internet
Cổng trời Mường Lống là điểm duy nhất có thể vào Internet

Ngược thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) chừng 60 km, vượt qua đường đèo, đồi núi, chúng tôi có mặt tại cổng trời Mường Lống. Cổng trời có độ cao 1485km, bên dưới thung lũng là các bản làng xã Mường Lống.

Vài năm gần đây, các xã vùng sâu vùng xa thuộc địa bàn miền núi huyện Kỳ Sơn như: Mỹ Lý, Keng Đu, Mường Ải, Mường Típ, Mường Lống, Huồi Tụ… đã được quan tâm đầu tư. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng. Tuy vậy việc phủ sóng viễn thông vẫn còn hạn chế. Và duy nhất chỉ có cổng trời Mường Lống mới có thể dò bắt được sóng 3G.

Các cô giáo cắm bản khi cần liên lạc với người thân hoặc đọc báo đều phải lên cổng trời  Mường Lống
Các cô giáo cắm bản khi cần liên lạc với người thân hoặc đọc báo đều phải lên cổng trời  Mường Lống

Xã hội càng phát triển, nhu cầu người dân càng cao, hầu hết người dân trong bản đều biết sử dụng smartphone hoặc laptop. Sáng, trưa, chiều, tối, mỗi lần cần lướt Web để đọc báo, tra google, xem phim, chơi game, làm việc, chat Facebook, zalo… người dân trong bản lại tụ tập ở cổng trời. Mỗi người một góc, chẳng ai để ý đến ai, họ mải mê với cái thú của riêng mình. Chỉ cần rời khỏi cổng trời khoảng chừng 500m, sóng 3G lập tức biến mất.

Giờ đây việc sử dụng điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến trên vùng núi cao biên giới, tuy vậy vì hệ thống hạ tầng viễn thông chưa đảm bảo nên phải vượt chặng đường khá xa nếu muốn vào mạng, lướt Web.
Giờ đây việc sử dụng điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến trên vùng núi cao biên giới, tuy vậy vì hệ thống hạ tầng viễn thông chưa đảm bảo nên phải vượt chặng đường khá xa nếu muốn vào mạng, lướt Web.
Những thiếu niên Mường Lống cũng lên cổng trời để lướt Web, chơi games 
Những thiếu niên Mường Lống cũng lên cổng trời để lướt Web, chơi games 

Ông Lầu Song Dở (54 tuổi), Trưởng bản Sa Lầy, xã Mường Lống cho biết, lướt Web giờ đây đã là chuyện thường ngày nơi cổng trời. Tuy vậy để có thể 'tóm được cái sóng' 3G cũng phải đi hơn chục cây số. Trước có đoàn khách từ dưới xuôi lên, đi qua các cung đường, dừng chân ở các bản làng đều không thể vào internet nhưng khi đến cổng trời Mường lống thì các tin nhắn của mạng thông báo liên tục. Từ đó, điểm cao nhất Mường Lống này thu hút hàng trăm người dân ở các bản đến lướt Web mỗi khi rảnh rỗi. Trong đó nhiều nhất là các thầy cô giáo, cán bộ xã và các thanh thiếu niên.

Mỗi người một góc, bên cạnh là cột thu sóng của nhà mạng Viettel
Cổng trời Mường Lống trở thành 'nơi hò hẹn' của người dân nhiều bản làng 
Mỗi người tìm cho mình một 'khoảng trời riêng'
Mỗi người tìm cho mình một 'khoảng trời riêng'

Anh Nguyễn Thanh Nhàn, làm việc tại Viện nghiên cứu dân tộc kể: “Từ khi biết khu vực cổng trời có thể bắt được sóng 3G để vào internet, người dân phấn khởi hơn. Nhiều người muốn học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi hay cách phòng dịch, chống rét cho trâu bò chỉ cần vào mạng là có thể làm tốt. Nhiều người có con cái,vợ chồng đi làm ăn xa đều có thể lên mạng để nói chuyện và nhìn ảnh của người thân của mình. Thậm chí, những người từ xa tới, khi cần mạng để làm việc đều mang máy tính ra cổng trời để ngồi”.

Để tra cứu tài liệu,
Để tra cứu tài liệu, giải quyết công việc người dân trong vùng chỉ còn cách lên cổng trời

Một cán bộ xã Mường Lống cho rằng, cổng trời Mường Lống là điểm cao nhất trong khu vực nên dễ dàng trong việc dò sóng viễn thông, 3G. Hơn nữa, ngay tại cổng trời cũng được lắp một cột thu sóng của mạng Viettel, nên việc phủ sóng và truy cập Internet trở nên dễ dàng đối với người dân.

Vương Vân – Lan Thái

TIN LIÊN QUAN

Tin mới