'Đỗ thì tao chết với mi'

(Baonghean.vn) - Câu nói nửa hài hước, nửa lại hàm chứa một thực tế của thanh niên miền núi sau khi rời ghế nhà trường phổ thông...

Mười lăm năm trước tôi đi thi đại học.

Trước ngày lên đường, cha mẹ chuẩn bị đầy đủ nào xôi, gà, quần áo, lại bán con lợn nửa tạ cho tôi làm lộ phí từ miền núi xuống tỉnh lị rồi còn bắt xe vào Huế để thi.

Năm đó tôi thi rớt. Cha mẹ và cả họ hàng động viên đừng bỏ cuộc. Năm sau thi tiếp. Thi để mà vào đại học thì tương lai mới sáng sủa. Ngày ấy tôi là một cậu trai ngoan, chỉ biết học và nghe lời cha mẹ. Ngày ấy cả lũ bạn bè và tôi đều nghĩ rằng, vào đại học là con đường tươi sáng nhất cho giới trẻ vùng cao.

15 năm sau đến lượt cô em họ tôi đi thi.

Trước ngày lên đường, ông chú họ tôi bảo với cô con gái rằng: “Đỗ thì tao chết với mi, không đỗ mi chết với tao”.

Cái câu ông chú nói tôi nghe đã quen trong những mùa thi gần đây khi việc vào đại học không còn là chuyện “trọng đại” như thời chúng tôi nữa. Câu nói nửa hài hước, nửa lại hàm chứa một thực tế của thanh niên miền núi sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Nhất là với con gái.

Một lớp học ghép tại xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An
Một lớp học ghép tại Trường Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An

Từ lâu, ở miền núi quê tôi, thanh niên rời ghế trường phổ thông chỉ có hai suy nghĩ là đỗ đại học thì tương lai vững vàng hơn. Hay ít ra cũng phải lựa chọn một ngành nghề nào đó chứ bất đắc dĩ mới làm nông. Thường thì người lớn vẫn muốn con cháu học làm bác sỹ, giáo viên, công an, bộ đội, biên phòng. Nếu không cũng phải là anh vên chức xã. Tóm lại là làm việc nhà nước.

Cánh trẻ bây giờ đã nghĩ thoáng hơn đôi chút nhưng khi con cái lên đường đi thi thì cha mẹ lại ngay ngáy lo. Lo làm sao để đủ tiền cho con đi thi và nếu con có thi đỗ thì cũng “chết dở”. Chắc chắn khi xoay xở xong một khóa học, mỗi phụ huynh đều trở thành con nợ của ngân hàng Chính sách xã hội và thậm chí là phải vay từ anh em, họ hàng nữa.

Thế nhưng sinh viên miền núi thất nghiệp cũng nhan nhản. Thậm chí là sinh viên cử tuyển, thuộc diện nhà nước đào tạo cán bộ nguồn cho địa phương ra trường cũng nằm nhà chờ việc.

Nếu không đỗ thì tương lai của cánh thanh niên có vẻ rõ ràng hơn. Những người làm bố như ông chú tôi đã vẽ ra cho các cô gái trẻ một viễn cảnh rõ ràng và có phần trần trụi. Thi không đỗ thì cho ở nhà một vài năm, cấy ruộng, trồng rừng, có đám nào ưng thì gả. Thế là xong. Cô nào còn chưa muốn yên bề gia thất thì ra xã làm hồ sơ vào các khu công nghiệp ở Bình Dương hay Thái Nguyên, Bắc Ninh làm công nhân. Con trai cũng vậy, cứ sau mùa thi là đàn đàn, lũ lũ kéo nhau vào các khu công nghiệp.

Cũng như bạn cùng trang lứa ở miền xuôi, sau mỗi mùa thi, cánh trẻ vùng cao thực sự vào đời. Mỗi người đều buộc phải chọn một “hành trang” cho riêng mình. Nhiều khi cánh cổng trường đại học chỉ là một niềm mơ ước một tương lai có vẻ như nhàn hạ sau này. Nhưng giới trẻ vùng cao và cả những người làm cha làm mẹ ở bản cũng đã nhận ra một thực tế rằng: Sinh viên ra trường bây giờ thất nghiệp nhiều vô kể.

Dẫu vậy thi cũng như ông chú tôi, nhiều bậc làm cha làm mẹ vùng cao vẫn phải “vui lòng” cho con đi thi, đi học dẫu chưa biết tương lai thế nào . Họ chiều theo mơ ước của con. Họ sợ rằng nếu không lo cho con cái học hành đến chốn, đến nơi về sao chúng nó trách mình. Dù rằng con cái có đỗ đạt cũng “chết dở”. Nuôi con ăn học đã cực thân rồi ra trường lại không không xin được việc, nó lại ôm hồ sơ vào các khu công nghiệp thì đúng là hoài phí cả công lẫn của.

Với người vùng cao bây giờ cổng trường đại học không còn “cao vợi vợi” như câu thơ tuổi học trò của chúng tôi nữa. Khi việc đào tạo đại học đã được xã hội hóa thì vào học cũng đã dễ hơn xưa. Song nỗi nhọc nhằn của cả sỹ tử lẫn những người làm cha làm mẹ vẫn vậy. Dẫu rằng cơ chế thi cử thay đổi theo hàng năm.

Cổng trường đại học đã rộng mở, nhưng những bước chân xuống núi đi thi ngày nay cũng đã dè dặt hơn. Trai gái núi bây giờ không mấy ai hăm hở với cánh cổng trường đại học như chúng tôi 15 năm về trước nữa.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN