Độ tuổi nào phù hợp nhất để học ngoại ngữ?

Dựa trên một nghiên cứu gần đây thực hiện ở trẻ em gốc Ba Lan và Đức, người ta cho rằng việc học ngoại ngữ thuận lợi nhất trong giai đoạn đầu đời.

Nếu bạn muốn học ngoại ngữ, có nên bắt đầu ở một độ tuổi nhất định? Quan điểm phổ biến cho rằng trẻ nhỏ học dễ dàng hơn người lớn.

Rất khó khăn để chứng minh điều này, nhưng một nghiên cứu mới đây được thực hiện bằng cách sử dụng hình ảnh quét não và phương pháp thống kê tiên tiến bởi Monika Schmid, giáo sư ngôn ngữ học Đại học Essex và đồng nghiệp, thực sự cho thấy khả năng học ngôn ngữ của chúng ta giảm dần theo tuổi tác.

Câu thần chú quen thuộc “thấm hút bọt biển” - hàm ý việc học ngôn ngữ có hiệu quả cao với trẻ em và hiệu quả thấp với người lớn - minh chứng tầm quan trọng của thời điểm học. Trẻ em sẽ nhanh chóng và dễ dàng học ngôn ngữ thứ hai khi được nghe, giao tiếp cùng mọi người xung quanh bằng ngôn ngữ này.

Trẻ có thể dành nhiều thời gian và công sức vào việc học hơn người lớn - những người có nhiều việc phải làm. Với động lực học lớn hơn rất nhiều, thói quen phát âm và ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ chưa ăn sâu và dễ thay đổi, trẻ em là “thiên tài” học ngôn ngữ thứ hai so với người lớn.

 

Có một sự khác biệt, kể cả người lớn tuổi giỏi ngoại ngữ cũng có cách sử dụng ngữ pháp kém hơn so với trẻ em. Trong các bài kiểm tra do cô giáo Monika chấm, sinh viên trưởng thành xuất thân trong môi trường không nói tiếng Anh - cho dù học rất giỏi cách sử dụng từ vựng, cách diễn đạt và cấu trúc câu phức tạp - vẫn thường mắc những lỗi ngữ pháp cơ bản.

Ví dụ, nhiều học viên không bao giờ phân biệt đúng giữa “he walks” và “they walk”. Họ thường không hiểu đúng rằng “I have lived in Colchester for two years” có nghĩa là tôi vẫn sống ở đó, trong khi “I lived in Colchester for two years” có nghĩa là tôi không còn sống ở đó nữa. Tại sao họ không thể thành thạo những quy tắc đơn giản và sử dụng nhiều trong khi lại sử dụng dễ dàng những từ chỉ nhìn thấy vài lần?

Có vẻ như có một số “túi” ngữ pháp mà ngay cả người học lớn tuổi ở trình độ cao cũng liên tục sử dụng sai, trong khi trẻ em đã làm chủ một cách dễ dàng từ sớm. Quan sát này là trung tâm của ý tưởng về “giai đoạn quan trọng”, một “hạn chót” về thời gian, thường được cho là kéo dài đến tuổi dậy thì, khi bộ não con người đặc biệt nhạy cảm với đầu vào ngôn ngữ, bao gồm cả ngữ pháp. Sau khi cửa sổ này đóng lại, các quy tắc ngữ pháp trở nên khó hiểu và khó ghi nhớ hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số hạn chế, đó là tất cả những người được nghiên cứu đều nói tiếng Ba Lan hoặc tiếng Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ, và cả hai ngôn ngữ này đều có giới tính trong ngữ pháp, giống tiếng Đức. Việc học các quy tắc trong ngôn ngữ mẹ đẻ có thể đã kích hoạt điều này cho ngôn ngữ thứ hai.

Thứ hai, những người trẻ nhất được nghiên cứu là những người đến Đức khi 7 tuổi. Theo các quan điểm truyền thống, giai đoạn quan trọng để học ngôn ngữ là giai đoạn dậy thì. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng đó có thể là lứa tuổi lên 5. Vì vậy, có thể nghiên cứu không thể phát hiện ra giai đoạn quan trọng bởi ngay cả những người trẻ nhất tham gia cũng đã quá 5 tuổi khi bắt đầu học tiếng Đức.

Cần thêm bằng chứng cũng như các phương pháp thống kê mới lạ để trả lời câu hỏi liệu có một độ tuổi phù hợp nhất để học ngoại ngữ hay không./.

 Theo VNE 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới