Dọa rời bỏ EU: 'Đòn gió' của Thổ Nhĩ Kỳ?

(Baonghean) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 29/11 vừa khẳng định, nước này chưa từ bỏ tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU), song vẫn “có nhiều sự lựa chọn khác” nếu như tiến trình này không đạt kết quả. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, Thổ Nhĩ Kỳ đã 2 lần cảnh báo EU về khả năng từ bỏ quá trình gia nhập EU và có thể ngả sang Trung Quốc và Nga. Đây chỉ là “đòn gió” nhằm gây sức ép lên EU hay là tính toán thực tâm của Thổ Nhĩ Kỳ?

Căng thẳng gia tăng

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế ở thành phố Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh, nếu con đường gia nhập EU bị chặn lại thì "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục con đường của mình bằng cách xem xét một trong số các lựa chọn khác". Dù ông Erdogan không nêu đích danh những sự lựa chọn này, song dư luận đều hiểu rằng ông muốn ám chỉ tới Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với 2 đối trọng mà EU rất kiêng dè là Nga và Trung Quốc. 

Trung Quốc sẵn sàng chào đón Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO.Ảnh:Reuters
Trung Quốc sẵn sàng chào đón Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO. Ảnh:Reuters

Động thái của ông Erdogan được cho là đòn trả đũa đối với tuyên bố trước đó của EU về việc “đóng băng” tiến trình đàm phán quy chế thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước. Không những vậy, với lý do Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm quyền cơ bản con người trong chiến dịch trấn áp hậu đảo chính, EU còn cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra không phải là “tay vừa” khi úp mở về khả năng gia nhập SCO, đồng thời đe dọa cắt đứt thỏa thuận với EU hồi tháng 3 năm nay về việc hạn chế làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ tới châu Âu. Ông Erdogan tuyên bố, chính quyền của ông chịu trách nhiệm điều hành đất nước và EU không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Như một sự thách thức với châu Âu, ông Erdogan còn để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Việc ông Erdogan tỏ thái độ nóng giận trước động thái của EU là điều dễ hiểu, bởi đã 11 năm trôi qua, quá trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU vẫn không tiến triển được bao nhiêu. Châu Âu luôn đặt ra rất nhiều rào cản cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trong những vấn đề liên quan đến nhân quyền.

Cho đến nay giữa Ankara và Brussels mới chỉ thống nhất được 1 trong số 35 điểm mà Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện để trở thành thành viên chính thức của EU. Tới tháng 3/2016, khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận giúp EU chặn dòng người di cư đổ về châu Âu, “cửa” cho Thổ Nhĩ Kỳ bước chân vào EU được đánh giá là rất “sáng”. Thế nhưng rào cản lại ngay lập tức được dựng lên sau sự kiện đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7, đẩy mọi nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ về điểm xuất phát. 

Ankara ở thế “thượng phong”

Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dọa suông với tuyên bố “có thể có lựa chọn khác ngoài EU”. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị câu lạc bộ năng lượng của SCO, trở thành quốc gia đầu tiên không phải thành viên đăng cai sự kiện này.

Với vị trí cửa ngõ giữa châu Á và châu Âu, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự ngả theo Nga và Trung Quốc - 2 thành viên chủ chốt trong SCO, đây sẽ là mối lo ngại lớn với châu Âu về an ninh ở sườn Đông. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hợp tác trong nội bộ NATO vẫn chưa định hình khi ông Donald Trump tiếp quản vị trí Tổng thống Mỹ. 

Các hoạt động trấn áp hậu đảo chính là một trong những nguyên nhân EU từ chối Thổ Nhĩ Kỳ. 	Ảnh:PressTV
Các hoạt động trấn áp hậu đảo chính là một trong những nguyên nhân EU từ chối Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: PressTV

Chưa nói tới những vấn đề an ninh phức tạp trong tương lai, chỉ riêng trong tình thế hiện nay, EU đang hoàn toàn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Syria tràn sang châu Âu. Vì vậy có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ đang là bên nắm thế chủ động hoàn toàn. Các nước châu Âu cần dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ hơn là ngược lại và Ankara thậm chí còn đủ quyền lực để ra các yêu sách buộc EU phải đáp ứng nếu không muốn làn sóng tị nạn lại tràn vào EU một cách không kiểm soát. 

Dù đang thực sự muốn gây sức ép lên EU thông qua những cảnh báo liên tiếp về việc từ bỏ nỗ lực gia nhập khối, song những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư nếu trở thành thành viên của EU vẫn là yếu tố níu kéo Thổ Nhĩ Kỳ - tất nhiên với điều kiện EU không tiếp tục “lên nước”.

Đang được coi là “người giữ bóng”, vấn đề của EU hiện nay là xác định rõ những được - mất giữa 2 phương án thúc đẩy kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ hay đẩy nước này vào tay Nga, Trung Quốc. Không thể phủ nhận có nhiều giá trị mà châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ không cùng chia sẻ, và đó là cản trở lớn nhất trong việc Ankara xin gia nhập EU.

Từ trước đến nay, châu Âu chưa có bất cứ thời điểm nào hài lòng với tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nhân quyền, tự do ngôn luận hay các quyền tự do cá nhân. Nhưng EU cũng cần nhận rõ chưa bao giờ tiếng nói của EU có đủ sức nặng để ép buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi.

Ngoài ra, sức hấp dẫn của EU với những cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công rồi khủng hoảng người tị nạn hay câu chuyện Brexit… chắc chắn cũng làm giảm hào hứng của Ankara trong việc tham gia ngôi nhà chung châu Âu. Xét đến tình hình hiện tại, khi việc từ bỏ EU để gia nhập SCO hoàn toàn nằm trong tầm tay Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ chính châu Âu mới là bên cần phải thay đổi nếu không muốn đặt ra những mối lo ngại mới với an ninh của khối./.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới