Đoàn đại biểu Nghệ An thảo luận sôi nổi Luật đường sắt, Chuyển giao công nghệ

(Baonghean.vn) - Sáng 11/11, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tổ 3, đại biểu Quốc hội 4 tỉnh gồm: Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu và Nghệ An thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên thảo luận tại tổ 3 sáng 11/11.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên thảo luận tại tổ 3 sáng 11/11.

Thảo luận về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), đa số ĐBQH đều thống nhất cho rằng việc sửa đổi Luật đường sắt năm 2005 là rất cần thiết, không thể chậm trễ. Trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đường sắt chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó so với các loại hình giao thông khác và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.

Đồng tình cao với việc cần phải sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành, đại biểu Hồ Đức Phớc (Nghệ An) hy vọng dự án Luật sửa đổi sẽ tạo nên cơ chế đột phá phát triển giao thông vận tải đường sắt, xứng với tiềm năng của ngành… Tại điểm c, khoản 1, Điều 14 về Phân loại đường sắt, đại biểu phân tích: Chủ đầu tư là người có tiền nhưng việc tổ chức, GPMB, giao đất… chính quyền địa phương phải làm, NSNN phải chi trả; mọi việc làm tốt hay xấu, đúng quy hoạch hay không đúng quy hoạch… để chủ đầu tư quyết định là lỏng lẻo và bất cập; do đó, nên đưa về UBND tỉnh quyết định.

Đại biểu Hồ Đức Phớc đồng tình cao với việc sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành.
Đại biểu Hồ Đức Phớc đồng tình cao với việc sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng nên thiết kế một chương quản lý về hoạt động đường sắt. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, theo đại biểu trong luật đã liệt kê, song chưa bao quát hết các điều khoản; càng liệt kê chi tiết càng thiếu, đặc biệt thiếu nội dung QLNN về hoạt động đường sắt dẫn đến mâu thuẫn bảo đảm tính thống nhất trong các đạo luật. Đồng thời, đề nghị cần bổ sung rõ và chi tiết hơn về vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt; cụ thể thêm về cơ chế hỗ trợ và ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và phát triển công nghiệp đường sắt; đồng thời tiếp tục rà soát để tránh sự chồng chéo với các luật khác…

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng nên thiết kế một chương quản lý về hoạt động đường sắt.
Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng nên thiết kế một chương quản lý về hoạt động đường sắt.

Liên quan đến kinh doanh vận tải đường sắt, đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) nhấn mạnh cần cố gắng tách bạch được cơ quan quản lý với cơ quan kinh doanh vận tải để thể hiện được tính cạnh tranh trong kinh doanh vận tải đường sắt; tập trung phát triển công nghệ đường sắt; ứng dụng khoa học, kỹ thuật; đồng thời để tạo đột phá đối với ngành đường sắt, dự thảo Luật cần phải rõ về tư duy, rõ về định hướng, từ đó mới kêu gọi đầu tư hiệu quả… 

Cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu thấy rằng rất cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.

Góp ý về quy định chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An) cho rằng cùng với việc quan tâm đến chất lượng công trình chuyển giao thì cần thiết quan tâm thêm đến hàm lượng công nghệ mới bởi đây là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Bài học thực tiễn cũng cho thấy cần quan tâm đến năng lực của tổ chức được giao quyền thẩm định, kiểm tra, giám sát chuyển giao các công nghệ... Tuy nhiên, quy định nội dung này trong dự thảo Luật chưa cụ thể.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ.

Việc ban hành luật là cần thiết, tuy nhiên theo đại biểu Hồ Đức Phớc cần phải có sự thông thoáng, khuyến khích được hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nước ngoài… Liên quan đến Danh mục thuộc diện cấp phép, theo đại biểu đây là linh hồn của luật mà chưa đưa vào; do đó cần phải có Danh mục cấp phép đi kèm với luật này.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị Nhà nước nên có chính sách miễn giảm thuế đối với hoạt động, sản phẩm chuyển giao công nghệ trong thời gian 1-2 năm đầu, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giới thiệu, khuyến mại sản phẩm; nên có chính sách miễn giảm thuế đặc biệt đối với các hoạt động CGCN tại vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn.

Diệp Anh - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới