Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An làm rõ nhiều vấn đề

(Baonghean.vn) - Đoàn giám sát đề nghị bệnh viện làm rõ một số vấn đề: danh mục cần xã hội hóa trong thời gian tới; công tác đào tạo nguồn nhân lực; băn khoăn về tỷ lệ bác sỹ/giường bệnh đáp ứng nhu cầu; tiếp nhận, sử dụng nguồn xã hội hóa từ các tổ chức trong và ngoài nước; tiến độ xây dựng khu B; các giải pháp về y đức, trách nhiệm của cán bộ, y sỹ, bác sỹ; thực hiện cơ chế tự chủ; tổ chức bộ máy…

Chiều 1/8, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (Nghị quyết số 18) của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

a

Dự cuộc làm việc có các Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền; Trần Văn Mão, cùng đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Vướng mắc quy định của luật và văn bản dưới luật

Phản ánh với đoàn giám sát, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh kiến nghị khó khăn, bất cập trong các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định 151/2017/NĐ-CP và đặc biệt là Điều 7 Nghị định 167/2017/NĐ-CP chưa quy định rõ ràng, đầy đủ, toàn diện và chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong quy định liên quan đến vấn đề xử lý tài sản công.

Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong khung pháp lý quy định về Đề án hoạt động bệnh viện xã hội hóa, Quy chế phối hợp hoạt động giữa cơ sở y tế và đơn vị sự nghiệp công lập với Bệnh viện xã hội hóa, hoạt động dưới sự điều hành quản lý của doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp có phần góp vốn của Nhà nước (do cơ sở y tế là đơn vị sự nghiệp công lập đại diện phần vốn Nhà nước) và nhà đầu tư.

Giám đốc Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An Nguyễn Văn Hương báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 18. Ảnh: Thanh Lê
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An Nguyễn Văn Hương báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 18. Ảnh: Thanh Lê

Lãnh đạo bệnh viện nêu rõ bất cập trong việc xếp hạng của bệnh viện xã hội hóa hoạt động dưới sự điều hành, quản lý của doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp có phần góp vốn Nhà nước.

Nhà nước chưa có hướng dẫn đồng bộ và rõ ràng cho việc thực hiện công tác xã hội hóa trang thiết bị y tế trong đơn vị công lập sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực nên các sở sở khám, chữa bệnh khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cần làm rõ một số vấn đề

 Trao đổi với Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, ý kiến các thành viên trong đoàn giám sát đề nghị bệnh viện làm rõ một số vấn đề: danh mục cần xã hội hóa trong thời gian tới; công tác đào tạo nguồn nhân lực; băn khoăn về tỷ lệ bác sỹ/giường bệnh đáp ứng nhu cầu; tiếp nhận, sử dụng nguồn xã hội hóa từ các tổ chức trong và ngoài nước; tiến độ xây dựng khu B; các giải pháp về y đức, trách nhiệm của cán bộ, y sỹ, bác sỹ; thực hiện cơ chế tự chủ; tổ chức bộ máy;…

Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết 18 tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Liên quan đến kiến nghị của bệnh viện về việc thực hiện Nghị quyết 18, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền thông tin: Sắp tới Quốc hội sẽ bổ sung, sửa đổi Luật khám chữa bệnh, Luật BHYT trong thực hiện khám chữa bệnh để phù hợp với thực tiễn. Đối với trách nhiệm của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có văn bản gửi đến hai đơn vị, đồng thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt đề án tự chủ nhóm 2 của bệnh viện.

Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An
Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Ảnh Tư liệu

Đại diện đoàn giám sát cũng mong muốn Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh cần vạch ra lộ trình với những giải pháp đồng bộ để xây dựng thành bệnh viện khu vực Bắc Trung bộ; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển giao khoa học kỹ thuật chuyên môn sâu; làm tốt vấn đề y đức,… giữ vững và phát triển thương hiệu của bệnh viện.

Tin mới