Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Tích cực tham gia công tác xây dựng pháp luật

(Baonghean.vn) - Tại mỗi kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An luôn có nhiều sáng kiến đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tích cực xây dựng luật pháp, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Đa dạng hình thức lấy ý kiến

Xác định công tác xây dựng pháp luật là việc trọng tâm nhằm góp phần cùng với Quốc hội thể chế hóa đường lối của Đảng và Nhà nước, theo đó, căn cứ Chương trình xây dựng pháp luật năm 2020 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật thông qua và cho ý kiến tại các kỳ họp thứ 9, thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thanh Lê
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thanh Lê

Trong năm 2020, do công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện các hình thức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật như: Lấy ý kiến bằng văn bản, đặt bài cho các chuyên gia, lãnh đạo một số sở, ngành, tổ chức hội thảo. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với 21 dự án luật, trong đó 13 dự án luật thông qua và 8 dự án luật cho ý kiến với nhiều hình thức khác nhau.

Công tác xây dựng pháp luật được Đoàn thực hiện trên cơ sở tăng cường công tác phối hợp với lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng; việc lấy ý kiến chú trọng hơn đến nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của các dự án luật đối với các dự án luật chuyên ngành... Cùng với đó, gửi văn bản lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh về những vướng mắc, bất cập trong thực thi các chính sách pháp luật hiện hành. Qua đó nghiên cứu, tổng hợp gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đề nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn.

Qua các ý kiến góp ý vào dự thảo luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý xây dựng luật gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham mưu kiện toàn và đổi mới hoạt động của đội ngũ cộng tác viên xây dựng pháp luật, lựa chọn những chuyên gia có chuyên môn sâu trên các lĩnh vực tư pháp, kinh tế - xã hội và có kinh nghiệm thực tiễn để tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội. Cùng với việc nghiên cứu tham gia các dự thảo luật tại Đoàn, ĐBQH là thành viên các Ủy ban của Quốc hội đã tham dự các phiên họp toàn thể của Ủy ban, các hội nghị, hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thẩm tra các dự thảo luật trình tại kỳ họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông (TP. Vinh). Ảnh: Thanh Lê

Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh thẳng thắn góp ý với ban soạn thảo về những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng luật cũng như đánh giá tác động của việc sửa luật đối với xã hội.

Đơn cử tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, cử tri tỉnh nhà tiếp tục chứng kiến sự tham gia thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH tỉnh vào các nội dung của kỳ họp, biểu quyết quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận trực tuyến và thảo luận tại hội trường đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật.

Cụ thể, trước những quan điểm liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Khoản 3, Điều 36, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An lựa chọn phương án 2 và cho rằng phương án này là hợp lý, không giao thêm chuyên ngành thẩm định cho các bộ quản lý công trình xây dựng (đơn vị chủ đầu tư), mà trong quá trình thẩm định có sự tham gia, phối hợp của bộ quản lý công trình xây dựng. Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình về việc bổ sung nội dung “kiểm toán môi trường”.

Đối với nội dung Luật Cư trú (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú đối với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh được mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Đồng thời đề nghị nên cân nhắc quy định trường hợp xóa đăng ký thường trú này để hạn chế trường hợp công dân Việt Nam bị kết án phạt tù có thời hạn sau khi chấp hành án xong tái hòa nhập cộng đồng không có nơi thường trú.

Đại biểu Trần Văn Mão tham gia thảo luận tại Hội trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh tư liệu
Đại biểu Trần Văn Mão tham gia thảo luận tại Hội trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh tư liệu

Tham gia thảo luận dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, luật cần có các quy định chặt chẽ về trách nhiệm cũng như bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, ý kiến thảo luận của các đại biểu trong Đoàn đã phản ánh làm rõ vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật. Các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp thiết thực vào các luật có liên quan đến những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước cũng như hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trước khi thông qua.

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền cho biết: Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuẩn bị kỹ các nội dung để tham gia có trách nhiệm vào chương trình nghị sự của kỳ họp. Trước kỳ họp, Đoàn đã lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan vào các dự thảo luật. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã phân công các ĐBQH trong đoàn nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia có chất lượng vào các dự thảo luật trình tại các kỳ họp Quốc hội. Sau các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các Luật được Quốc hội ban hành sớm đi vào cuộc sống.

Tin mới