Đoàn ĐBQH Nghệ An lấy ý kiến góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Luật là hành lang để phát triển chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Việc sửa đổi toàn diện Luật Giao dịch điện tử lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sáng 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Sáng 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 chương, 57 điều. Việc sửa đổi toàn diện Luật lần này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn.

Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, và sớm được thông qua, ban hành, nhằm tạo hành lang để vận hành các giao dịch một cách minh bạch, hiện đại, thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đại diện Cục Hải quan cho rằng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mang tính thực tiễn cao, và hy vọng sớm được ban hành, tạo hành lang pháp lý vững chắc để vận hành. Ảnh: Mỹ Nga

Đại diện Cục Hải quan cho rằng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mang tính thực tiễn cao, và hy vọng sớm được ban hành, tạo hành lang pháp lý vững chắc để vận hành. Ảnh: Mỹ Nga

Góp ý vào Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, Dự án Luật đang tập trung vào các đối tượng là công dân Việt Nam, song chưa đề cập đến các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài trong việc xác thực điện tử. Ngoài ra, về việc cung cấp dịch vụ tin cậy chưa quy định rõ về tổ chức, cơ quan nào có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý tin cậy này.

Ngoài ra, các ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ tính thống nhất của hệ thống pháp luật như Luật Giao dịch điện tử lần này liên quan đến những luật nào (Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự…), nếu có sự "không thống nhất" với các đạo luật khác thì giải quyết như thế nào và cân nhắc tính khả thi khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật…

Giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nền tảng chung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tăng khả năng liên kết, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin, thống nhất trong lưu trữ tài liệu điện tử.

Bổ sung một số quy định về thông tin đối với chữ ký số của công dân khi đang giao dịch điện tử bị vướng phải lỗi mạng, cũng như cách thức giải quyết việc kinh doanh, mua bán qua các sàn thương mại điện tử.

Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Đoàn sẽ tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về giao dịch điện tử.

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới đây.

Tin mới