Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An sẽ đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri

(Baonghean.vn) - Sáng 15/6, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 5, khóa XIV. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão chia sẻ về điểm nổi bật của kỳ họp cũng như những hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ngay sau kỳ họp này.

PV: Ông có thể chia sẻ đôi điều về những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại kỳ họp này?

Ông Trần Văn Mão: Có thể nói, tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã hoạt động chất lượng, tham gia 100% ý kiến thảo luận tại tổ và có đến 60% đại biểu phát biểu tại hội trường tham gia vào các dự án luật. Các ý kiến tham gia của các ĐBQH có chiều sâu về mặt chuyên môn cũng như về mặt kỹ thuật lập pháp trong các dự án luật. 

Các ý kiến đó hầu như được Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, trên cơ sở đó chỉnh lý và thông qua tại kỳ họp. Đặc biệt, Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Công an Nhân dân (sửa đổi)… là những dự án luật được Đoàn cho ý kiến sâu sắc và thiết thực. 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão. Ảnh tư liệu
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão. Ảnh tư liệu

Về phiên chất vấn, lãnh đạo Đoàn đã chủ động phân công các đại biểu theo từng lĩnh vực, để các đại biểu lựa chọn câu hỏi súc tích, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, có chiều sâu, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri gửi đến Quốc hội. Có nhiều câu chất vấn được các Bộ trưởng đánh giá cao, thể hiện trách nhiệm của ĐBQH nói chung và ĐBQH trong Đoàn Nghệ An nói riêng.

Đồng thời, Đoàn cũng đã trực tiếp phân công theo dõi từng nhóm vấn đề có ý kiến thảo luận tại hội trường, tại tổ về các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, giám sát chuyên đề và các vấn đề phát sinh tại kỳ họp… Những ý kiến này của Đoàn được Quốc hội đánh giá cao, tiếp thu…

PV: Nhìn lại quãng thời gian diễn ra kỳ họp vừa qua, điều gì ông cảm thấy ấn tượng nhất?

Ông Trần Văn Mão: So với các kỳ họp trước, theo tôi có 2 điểm đã để lại ấn tượng đối với cử tri cả nước và dư luận nói chung. Đó là, việc các đại biểu chỉ có 1 phút để hỏi và bộ trưởng có 3 phút để trả lời trong phiên chất vấn. Đây là phép thử rất lớn, đòi hỏi các vị đứng đầu của các bộ, ngành Trung ương và tập thể Chính phủ phải nắm chắc các vấn đề đại biểu đưa ra, đi thẳng và trả lời trúng vấn đề. Trong đó, nêu được thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ nhất để giải quyết các vấn đề ĐBQH đã chất vấn… 

Với cách làm này, ưu việt là ĐBQH được hỏi nhiều; đòi hỏi người đứng đầu phải nắm được tổng thể, toàn diện, sâu sát của ngành quản lý và tham mưu quản lý để đưa ra được thực trạng tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề đang còn đặt ra trong thực tiễn đối với ngành và lĩnh vực mình. Có thể nói, cách làm này sẽ đánh giá được năng lực của Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, lĩnh vực đó. 

Tôi cho rằng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, các hồ sơ, tài liệu, dự án luật được chuẩn bị khá chu đáo…. Mặt khác, các ĐBQH trong từng lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, thể hiện đầy trách nhiệm. Thảo luận tại tổ hay hội trường đều thẳng thắn, dân chủ, công khai, minh bạch, đi vào chiều sâu, có tranh luận trở lại giữa các đại biểu, giữa đại biểu với cơ quan soạn thảo. Trên cơ sở đó, mổ xẻ làm rõ được cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực để dự án luật khi được bấm nút thông qua sẽ đi vào thực tiễn và bảo đảm được tính khả thi.

PV: Ngày càng công khai các hoạt động của Quốc hội có lẽ không ngoài mục đích giúp người dân, cử tri có điều kiện giám sát thuận lợi hơn với Quốc hội, ĐBQH… thưa ông?

Ông Trần Văn Mão: Một nguyên tắc hoạt động phổ quát của Quốc hội, nghị viện trên thế giới là phải công khai, trừ các phiên họp đặc biệt. Kỳ họp này so với các kỳ họp trước có đổi mới. Đó là việc truyền hình trực tiếp nhiều hơn, thể hiện tính công khai, minh bạch, rõ ràng và dân chủ; thể hiện văn hóa nghị trường; thông qua đó giúp cử tri, người dân dễ tiếp cận hơn.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri theo dõi được sát sao hoạt động trên diễn đàn của Quốc hội để có ý kiến tham gia đóng góp, trực tiếp giám sát và có những ý kiến gửi gắm đến kỳ họp…

Làm được như vậy, mối quan hệ giữa cơ quan dân cử, với cử tri ngày càng xích lại, gần gũi hơn. Trên cơ sở đó, nắm bắt được trực tiếp sự giám sát, phản ánh kiến nghị của cử tri để điều chỉnh kịp thời, sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp điều hành, bảo đảm được chất lượng của kỳ họp.

Hiện nay, cử tri và người dân có thêm công cụ để giám sát thường xuyên, nhanh chóng các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của Quốc hội. Điều này đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, và từng ĐBQH phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.

PV: Để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng và mong đợi của cử tri với Quốc hội, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH, xin ông chia sẻ nhiệm vụ tới đây của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An?

Ông Trần Văn Mão: Để góp phần cùng Quốc hội thực hiện thành công mục tiêu nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Quốc hội trong lòng cử tri và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An xác định tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, với phương châm “chủ động - đổi mới - chất lượng”. Cụ thể, Đoàn sẽ tập trung hơn trong đổi mới, cải tiến công tác tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Đoàn ĐBQH.

Sau kỳ họp này, Đoàn sẽ triển khai các nội dung như tại phiên bế mạc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt vấn đề, giao trách nhiệm. Đó là, tiếp xúc cử tri kịp thời để thông báo nội dung kết quả kỳ họp đến với cử tri; thu thập, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân để chuyển tới kỳ họp Quốc hội tới; tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề theo chương trình đã đề ra. 

Trong đó, có các hoạt động giám sát liên quan đến quy trình, trình tự, thủ tục về đầu tư các dự án trọng điểm ở trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và giám sát các kiến nghị tại các kỳ họp thứ 4, 5, xem các cấp các ngành đã triển khai như thế nào, cái gì làm được, cái gì chưa làm được để trả lời cho cử tri được biết.

Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh tăng cường mối quan hệ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề, triển khai lấy ý kiến các dự án luật sẽ được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới…

Tin mới