Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

(Baonghean.vn) - Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 20/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Tổ đại biểu gồm 3 đoàn: Nghệ An, Trà Vinh và Lào Cai đã tiến hành làm việc tại tổ.
Ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đại biểu đoàn Nghệ An) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thanh Loan
Ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đại biểu đoàn Nghệ An) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thanh Loan
Các đại biểu đã tham gia thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Tờ trình số 146/TTr-CP về dự án luật, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ theo hình thức “một luật sửa nhiều luật". Các đại biểu được yêu cầu thảo luận, bổ sung 7 điều thuộc 5 chương của Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 11 điều thuộc 8 chương của Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi các cam kết trong 8 điều của Hiệp định CPTPP theo 4 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, ông Lê Quang Huy, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn tỉnh Nghệ An tỏ ra băn khoăn về phụ lục phụ trợ bảo hiểm. Theo đại biểu Huy, hiện có rất nhiều các dịch vụ bên trong của lĩnh vực kinh doanh bản hiểm, từ tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất… Bất cập ở đây là, nếu gộp các dịch vụ bảo hiểm nhưng nội hàm của nó lại chứa rất nhiều dịch vụ khác và để thực hiện các “dịch vụ khác” này thì điều kiện không giống nhau. Chính vì vậy, đại biểu Lê Quang Huy đề nghị cần làm rõ, nếu gộp lại có đồng bộ hay không, để tránh trường hợp nếu lồng vào luật chỉ với mục đích sửa danh mục mà không theo quy trình thì sẽ phá vỡ Điều 7 đã quy định trong Luật Đầu tư.

Bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (đoàn đại biểu Nghệ An) thảo luận về Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Thanh Loan
Bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (đoàn đại biểu Nghệ An) thảo luận về Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Thanh Loan
Cho ý kiến vào Luật Sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Vân Chi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực vào tháng 11/2019 thì cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này đã đáp ứng được chưa. Cơ quan quản lý  nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đủ điều kiện để cho phép nộp đơn đăng ký và duy trì hiệu lực nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử hay chưa?

Bên cạnh đó đối với quy định, bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện “chi phí hợp lý” để thuê luật sư, bồi thường thiệt hại do hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 của dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ “phí hợp lý” là bao nhiêu...

Tin mới