Đoàn kết xây dựng quê hương Hưng Thông giàu đẹp

Vùng đất Hưng Thông được hình thành khá lâu đời và trải qua nhiều lần chia tách, thay đổi về địa giới hành chính, tên gọi. Vào đầu thế kỷ XX, xã Hưng Thông ngày nay thuộc 2 làng Láng Thôn và Đông Thôn của xã Thông Lạng, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Năm 1945, sau khi giành chính quyền, 2 làng Láng Thôn, Đông Thôn (xã Thông Lạng) và làng Yên Nậu (xã Do Lễ xưa, xã Hưng Đạo nay) được sáp nhập, thành xã Thông Yên. Năm 1947, xã Thông Yên tiếp tục được sáp nhập với các xã Trung Mưu, Minh Tân, thành xã Hưng Thông. Đến ngày 18/12/1953, xã Hưng Thông được tách thành 4 xã: Hưng Thông, Hưng Thắng, Hưng Tiến, Hưng Tân.

Vị trí xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: google.maps
Vị trí xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: google.maps

Vùng đất Hưng Thông xưa có truyền thống hiếu học và cách mạng. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã có người đỗ Cử nhân, Tú tài, làm thầy đồ dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ. Nơi đây, người dân cũng sớm giác ngộ cách mạng; một số nhà dân, nhà thờ họ đã trở thành nơi hội họp của các cơ sở cách mạng, nơi in sao tài liệu, truyền đơn; nhiều người dân đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình đi vào lịch sử, ngày 12/9/1930 tại Hưng Nguyên.

Trong phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh, nhiều người con Hưng Thông giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đảng viên, cán bộ cách mạng, tiêu biểu có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Chi bộ Đảng cũng được thành lập sớm, từ chi bộ ghép, đến cuối năm 1930, Chi bộ Thông Lạng được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương phát triển mạnh mẽ.

Ngôi nhà xưa của gia đình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Duy
Ngôi nhà xưa của gia đình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Duy

Hơn 70 năm chia tách, xã Hưng Thông có sự ổn định về địa giới hành chính. Đảng bộ và Nhân dân trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong luôn phát huy truyền thống cách mạng và hiếu học, đoàn kết, gắn bó, cần cù, sáng tạo trong lao động; kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống thực dân phong kiến và đế quốc, bảo vệ quê hương, đất nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Hưng Thông là hậu cứ quan trọng của nhiều cơ quan Liên khu IV, Tỉnh ủy, các cơ quan, xí nghiệp của huyện và các đơn vị bộ đội hành quân đi qua mảnh đất quê hương; là địa bàn vững chắc cho chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của huyện và tỉnh. Quê hương Hưng Thông cũng đóng góp nhiều sức người, vật chất chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với 530 thanh niên lên đường nhập ngũ; 150 thanh niên xung phong; 100 thanh niên tham gia công an vũ trang…Toàn xã có 144 liệt sĩ; 300 thương binh, bệnh binh; 12 mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Quá trình phát triển, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Thông có nhiều giải pháp sát đúng, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh và thực hiện công cuộc đổi mới đạt nhiều kết quả tích cực. Dấu ấn xây dựng nông thôn mới và nay là nông thôn mới nâng cao đã khẳng định sức vươn, tinh thần vượt khó, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hưng Thông.

Từ sản xuất độc canh cây lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, đến nay, xã Hưng Thông có hệ thống thủy lợi khá đồng bộ, đảm bảo chủ động tưới tiêu trong sản xuất; gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo xã Hưng Thông họp triển khai công việc. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Hưng Thông họp triển khai công việc. Ảnh: Mai Hoa

Đặc biệt, với lợi thế về hệ thống giao thông, như đường 542C, 539C chạy qua địa bàn, đường du lịch nối Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn) với Khu Lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đường Lê Xuân Đào, đường kết nối liên xã; Hưng Thông đẩy mạnh phát triển và tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, ngành nghề trong cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Toàn xã có tổng số 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại; trong đó, có một số đại lý lớn về tạp hóa, kinh doanh xe đạp, xe đạp điện, 5 đại lý vật liệu xây dựng, 7 doanh nghiệp, 2 cơ sở may công nghiệp…  Trên địa bàn cũng hình thành nhiều tổ nghề, như: nề, mộc, sơn, sắt, dịch vụ nấu ăn…, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động. Ở xã Hưng Thông, một lực lượng lao động lớn tham gia vào các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động với hơn 700 người đi làm việc ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…, mỗi năm gửi về địa phương hàng chục tỷ đồng.

Kinh doanh dịch vụ, thương mại đang được ưu tiên phát triển trên đia bàn xã Hưng Thông. Ảnh: Mai Hoa
Kinh doanh dịch vụ, thương mại đang được ưu tiên phát triển trên đia bàn xã Hưng Thông. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Hữu Phúc – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: Quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ và Nhân dân luôn chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đạt gần 52 triệu đồng/người /năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở xã Hưng Thông tập trung thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp phát huy dân chủ, huy động sức mạnh nội lực trong nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh. Hiện cả 3 trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, 2 trường đạt chuẩn mức độ 2; trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế mức độ 2.

Đặc biệt, trong 4 năm xây dựng nông thôn mới nâng cao (2020 – 2023), địa phương đã huy động gần 260 tỷ đồng; trong đó, nguồn từ dân và xã hội hóa hơn 220 tỷ đồng để nâng cấp, chỉnh trang nhà ở dân cư, đường giao thông gắn với chỉnh trang cảnh quan nông thôn “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, xây dựng nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa – thể thao, vui chơi đồng bộ ở các xóm…

ĐVTN xã Hưng Thông làm vệ sinh, chỉnh trang Đài tưởng niệm liệt sĩ xã; Cán bộ, nhân dân xã Hưng Thông dọn vệ sinh đường làng; Xây dựng cầu dân sinh, tạo thuận lợi đi lại cho người dân và tăng cường kết nối để phát triển. Ảnh: Mai Hoa
ĐVTN xã Hưng Thông làm vệ sinh, chỉnh trang Đài tưởng niệm liệt sĩ xã; Cán bộ, nhân dân xã Hưng Thông dọn vệ sinh đường làng; Xây dựng cầu dân sinh, tạo thuận lợi đi lại cho người dân và tăng cường kết nối để phát triển. Ảnh: Mai Hoa

Về xã Hưng Thông hôm nay, chúng ta đi trên những con đường nhựa, bê tông được mở rộng, đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng, đường cờ, bồn hoa, cây cảnh, tạo cho bộ mặt nông thôn đẹp, văn minh, hiện đại hơn. Ông Lê Sỹ Nam, ở xóm Hồng Thái có 26 năm làm cán bộ địa phương cho rằng: Đội ngũ cán bộ, công chức đương chức hiện nay có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm với địa phương, với nhân dân.

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đích thân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, công chức các ngành, đoàn thể xã về cùng các xóm tuyên truyền, vận động và làm cùng dân. Đặc biệt, đến từng hộ dân chưa thông suốt về chủ trương để giải thích, thuyết phục họ đồng thuận góp sức, góp của mở đường, làm bê tông, đường cờ, mương thoát nước, trồng hoa và mở rộng, nâng cấp các nhà văn hóa xóm gắn với đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa – thể thao. Ở xã Hưng Thông hôm nay, phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra rất sôi nổi ở các khu dân cư, trở thành sinh hoạt bổ ích hàng ngày của người dân.

Trụ sở làm việc của xã Hưng Thông; Công chức xã Hưng Thông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; Trường Tiểu học xã Hưng Thông đạt chuẩn quốc gia; Xã Hưng Thông tổ chức giải bóng chuyền chào mừng 70 năm thành lập xã và đón quyết định xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa
Trụ sở làm việc của xã Hưng Thông; Công chức xã Hưng Thông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; Trường Tiểu học xã Hưng Thông đạt chuẩn quốc gia; Xã Hưng Thông tổ chức giải bóng chuyền chào mừng 70 năm thành lập xã và đón quyết định xã nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa

Trong những ngày tháng Năm của lịch sử, hòa chung với niềm vui của cả dân tộc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; mỗi cán bộ, đảng viên và người dân xã Hưng Thông thêm hân hoan, phấn khởi tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập xã và đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Lãnh đạo xã Hưng Thông trao đổi với đảng viên về vai huy vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ,đảng viên trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Hưng Thông trao đổi với đảng viên về vai huy vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ,đảng viên trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa

Nhìn về quá khứ và hiện tại để thêm thấy tự hào, tạo động lực vươn lên trong chặng đường đi tới, như chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hữu Tráng – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông: “Địa phương tiếp tục đặt ra quyết tâm xây dựng quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trở thành xã kiểu mẫu”.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng chí Nguyễn Hữu Tráng – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông cho rằng: “Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tiếp tục xây dựng khối đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, đoàn kết trong quần chúng nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các phong trào, nhiệm vụ, đề cao vai trò đầu tàu gương mẫu, “nói đi đôi với làm” của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự lan tỏa trong Nhân dân”.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thông cũng chia sẻ quyết tâm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc tích cực, thiết thực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; tạo sự cộng hưởng sức mạnh trí tuệ, đưa quê hương phát triển hơn nữa.


Diện mạo nông thôn mới Hưng Thông được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Mai Hoa
Diện mạo nông thôn mới Hưng Thông được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Mai Hoa