Đoạn tuyệt ma túy, trở thành ông chủ trang trại thu nhập tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - “Bập” vào ma túy, rồi từng bị “nhúng chàm”, tưởng chừng như người đàn ông ấy sẽ mất tất cả, thế nhưng, bằng sự quyết tâm của bản thân, sự động viên của gia đình và quan tâm từ chính quyền đã tiếp thêm sức mạnh, giúp Lê Văn Long vượt ra khỏi sự mặc cảm, tự ti, làm lại cuộc đời.

Quá khứ “vang bóng”

Chúng tôi ghé thăm trang trại cam của vợ chồng anh Lê Văn Long và chị Nguyễn Thị Phượng, nằm giáp ranh giữa xã Thanh Sơn và xã Hạnh Lâm thuộc huyện Thanh Chương đúng vào ngày đầu Đông lạnh giá. Đang vào mùa thu hoạch nên hai vợ chồng anh chị cùng với hàng chục công nhân tất bật cắt chọn những quả cam chín vàng, mọng nước để đóng thùng gửi cho khách làm quà phương xa. Nhìn vào cơ ngơi mà anh chị xây dựng ít ai biết được rằng, anh Long từng có quá khứ “vang bóng”.

Anh Lê Văn Long trong trang trại cam của gia đình mình. Ảnh: Phan Tuyết - Minh Khôi

Anh Lê Văn Long trong trang trại cam của gia đình mình. Ảnh: Phan Tuyết - Minh Khôi

Sinh năm 1975, tại xóm Sướn, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, tuổi thơ Lê Văn Long không được may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Năm Long tròn 3 tháng tuổi thì bố mẹ ly hôn. Long ở với mẹ và bà ngoại tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. Gia đình khó khăn, không đủ điều kiện cho con đến trường, nên học xong lớp 7, Lê Văn Long nghỉ học, theo bạn bè phiêu dạt khắp nơi. Thời điểm ấy, Long làm đủ nghề để kiếm sống, khi thì dạt ra các tỉnh phía Bắc, khi theo người quen đi buôn gỗ tận nước bạn Lào.

Có tiền trong tay, Long tụ tập bạn bè ăn chơi, trác táng. Năm Long tròn 22 tuổi, đúng vào đêm sinh nhật của mình, nghe lời bạn bè xấu rủ rê Long đã “thử” ma túy. Từ phút “thăng hoa” ấy, Long triền miên trong những cơn say và rồi nghiện nặng. Cưới vợ chưa được bao lâu thì năm 2002, trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn, khi đã nhấm nháp vài chén rượu, nghe mấy lời đả kích, Long nổi khùng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” và cái kết Lê Văn Long lĩnh án 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Mãn hạn tù trở về, Long vẫn không thoát khỏi được nàng “nàng tiên nâu”. Nhất là khi anh bắt gặp những ánh mắt dò la, xét nét, thái độ xa lánh của bạn bè, hàng xóm. Long mặc cảm, tự ti, phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Chỉ đến khi hai đứa con lần lượt ra đời, được sự động viên tinh thần của người vợ, sự quan tâm của lực lượng Công an Nghệ An đã tiếp thêm sức mạnh giúp anh cai nghiện thành công, hòa nhập với cộng đồng.

Lê Văn Long nhớ lại, đã bao đêm anh vật vã vì thèm thuốc, có những lần anh gục đầu vào tường đầy bất lực. Trong khi đó, nhóm bạn xấu luôn tìm cách rủ rê, lôi kéo, dụ dỗ anh quay lại con đường cũ. Chị Phượng - người vợ “đầu gối tay ấp”, lúc đầu chưa biết hết tác hại của ma túy. Sau này, mỗi lần lên cơn, thấy chồng đau đớn, giằng xé, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong khích lệ động viên anh đi trung tâm cai nghiện.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Quế Thái - Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết: “Vào thời điểm năm 2007-2008, trong quá trình xuống địa bàn tiếp cận công việc, tổ công tác có cơ hội tiếp xúc với anh Long. Lúc này, Long là một người nghiện ma túy nặng. Tuy nhiên, anh lại rất nhanh nhạy trong việc làm ăn. Thu nhập kiếm được, chủ yếu Long “nướng” vào ma túy. Tôi và tổ công tác đã động viên anh cùng gia đình tập trung tổ chức đi cai nghiện. Đồng thời, luôn ở bên cạnh khi anh lên cơn vật vã. Thực tế, việc cắt được cơn nghiện thì rất dễ dàng nhưng không quay lại con đường cũ, phụ thuộc rất nhiều ở tinh thần, nghị lực, ý chí của Long. Với sự quyết tâm của bản thân, cùng với sự khích lệ, động viên từ chị Phượng - vợ anh, Long đã cai nghiện thành công và đến nay đã xây dựng được trang trại cho bản thân mình, tạo việc làm cho hàng chục lao động, trong đó có những người cũng từng có hoàn cảnh như anh”.

“Người thầy” ân nhân

Năm 2014, sau khi đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, Long bàn với vợ thuê đất để làm trang trại vườn - ao - chuồng. Khi đó, vùng đất mấy chục héc-ta còn rất hoang vu, một vùng rừng cháy, chưa có đường vào. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, một vài hộ dân hiến đất, anh Long đã mở được con đường từ bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương vào đến trang trại, với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng.

Được sự giúp đỡ của các cấp, chính quyền từ một người lầm lỡ, anh Lê Văn Long (ngoài cùng, trái) trở thành tấm gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Phan Tuyết - Minh Khôi

Được sự giúp đỡ của các cấp, chính quyền từ một người lầm lỡ, anh Lê Văn Long (ngoài cùng, trái) trở thành tấm gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Phan Tuyết - Minh Khôi

Để có được trang trại như ngày hôm nay, vợ chồng anh Lê Văn Long đã phải dày công tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh nhiều lần nhắc đến “người thầy” của mình. Chính ông là người định hướng sản xuất, tìm cây giống, đầu tư vốn cũng như khoa học, kỹ thuật để anh phát triển mô hình trang trại này. Đó là ông Đỗ Chung - nguyên Tiến sĩ Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, chúng tôi đã may mắn được gặp ông ngay tại trang trại của anh Long.

Ông Đỗ Chung chia sẻ: “Trong một lần vào Nghệ An công tác, tôi có cơ duyên được gặp anh Long. Biết được hoàn cảnh và nguyện vọng của Long, tôi đã định hướng cho anh nên trồng cây cam. Bởi theo chuyên môn, ở đây có nguồn nước sạch và thổ nhưỡng sinh thái rất phù hợp để cây cam phát triển, kéo dài tuổi thọ. Trong canh tác, “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (tiêu chuẩn VietGAP), hướng tới sản phẩm sạch và an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và mong muốn tương lai sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (OCOP).

Đến nay, trang trại của anh Long đã mở rộng quy mô với gần 10 héc-ta cam, bưởi, quýt; 7 héc-ta chè và mấy chục héc-ta keo. Trừ các chi phí, mỗi năm, riêng trang trại cam của anh thu về 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40 lao động theo mùa vụ với thu nhập 250.000 đồng/ngày/người và lao động cố định với mức lương 6 triệu đồng/tháng/người. Đặc biệt, có những trường hợp từng dính vào ma túy, Long đã trực tiếp đến nhà động viên, vận động cai nghiện và giúp họ có một công việc ổn định, đem lại thu nhập, trang trải cho bản thân và gia đình.

Ông Lữ Xuân Bích - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương cho biết, sau khi cai nghiện thành công, trở về địa phương anh Long rất cởi mở, gần gũi với người dân. Anh tập trung xây dựng trang trại, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân trong bản nói riêng và khu vực tái định cư nói chung.

Có thể nói, anh Lê Văn Long là một tấm gương điển hình về tái hòa nhập cộng đồng ở xã Thanh Sơn. Hơn 10 năm vướng vào ma túy, nghị lực và thành công của Lê Văn Long không chỉ là câu chuyện của riêng anh mà nó sẽ còn được lan tỏa, truyền cảm hứng và động lực hoàn lương cho những ai lầm lỡ, trót sa chân vào ma túy.

Tin mới