Doanh nghiệp có thể nhập ôtô, giá xe liệu có giảm?

Chính phủ Thái Lan đã cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu sang VN. Đây được coi là cơ sở để những chiếc xe nhập khẩu sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong suốt tháng 1 chỉ có khoảng 17 ôtô con dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu vào Việt Nam. Sang tháng 2, số lượng xe du lịch nhập về Việt Nam cũng chỉ khoảng 10 chiếc, số lượng giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này lý giải vì sao thị trường vắng bóng những mẫu xe nhập khẩu ăn khách như Toyota Fortuner hay Honda CR-V.

Tuy nhiên, cơn khát này sẽ được giải quyết thời gian tới, khi các hãng xe đáp ứng đủ các giấy tờ theo quy định của Nghị định 116, đáng chú là giấy chứng nhận kiểu loại chất lượng do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.

Doanh nghiệp có thể nhập ôtô, giá xe liệu có giảm? ảnh 1
Lô xe CR-V mới sẽ cập cảng Việt Nam trong thời gian tới sau thời gian không thể nhập.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam xác nhận việc chính phủ Thái Lan đã đồng ý cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho các dòng xe xuất khẩu sang Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng vụ khoa học - công nghệ, Bộ GTVT cho biết giấy chứng nhận chất lượng nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc một cơ quan được ủy quyền bởi các hiệp hội có chức trách cấp sẽ được chấp nhận đúng như tinh thần của Nghị định 116.

Đối với giấy chứng nhận được cấp nếu như có tiêu chuẩn bằng hoặc cao hơn tại Việt Nam, nhất là về vấn đề môi trường đều được chấp nhận.

Đây có thể coi là tín hiệu tích cực với những doanh nghiệp nhập khẩu xe từ Thái Lan và đáng mừng đối với người tiêu dùng. Lượng xe nhập khẩu đang khan hiếm, trong khi Thái Lan lại là quốc gia có số lượng ôtô du lịch xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất.

Doanh nghiệp có thể nhập ôtô, giá xe liệu có giảm? ảnh 2
Xe nhập khẩu từ Thái Lan sẽ phần nào giải tỏa cơn khát xe nhập trên thị trường.

Hiện tại, cả Ford, GM, Honda, Toyota... đều có xe nhập khẩu từ Thái. Theo nguồn tin từ Honda Việt Nam, những chiếc CR-V thế hệ mới sẽ về Việt Nam trong tháng 3. Ngoài ra, với giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, các dòng xe khác như Honda Accord, Honda Civic, Honda Jazz, Chevrolet Colorado, Ford Ranger hay Toyota Yaris... đều có thể nhập về Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý khác là việc những chiếc xe khi nhập về đều phải chờ kiểm định theo từng lô, với thời gian có thể lên đến 2 tháng. Trong 2 tháng chờ đợi, phía doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chịu chi phí lưu kho, tiền vốn do chưa thể đưa ngay ra thị trường bán quay vòng tiền.

Điều này sẽ khiến giá xe đến tay người tiêu dùng không giảm là bao dù những chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan có đủ điều kiện hưởng chích sách thuế nhập khẩu 0%.

Doanh nghiệp có thể nhập ôtô, giá xe liệu có giảm? ảnh 3
Mẫu SUV ăn khách Toyota Fortuner vẫn chưa có cửa về Việt Nam.

Trong khi đó, với những doanh nghiệp nhập khẩu xe từ các nước khác như Indonesia hay Nhật Bản hiện vẫn chưa có được loại giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết hiện tại chưa có tín hiệu nào từ Indonesia, Nhật Bản về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Indonesia là nơi sản xuất Fortuner, dòng xe bán chạy hàng đầu của Toyota Việt Nam và một số dòng xe khác trong kế hoạch kinh doanh 2018 như Wigo. Toàn bộ xe Lexus do Toyota bán tại Việt Nam đều nhập khẩu từ Nhật Bản hiện cũng chưa thể nhập về như trước.

Cơn khát xe nhập khẩu sẽ phần nào được giải tỏa trong thời gian tới với lượng xe nhập khẩu xuất xứ Thái Lan. Tuy nhiên, giá có giảm như kỳ vọng hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp ôtô, các hiệp hội mới đây của Văn phòng chính phủ liên quan đến Nghị định 116, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí, ví dụ việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề.

Tin mới