Doanh nghiệp Nghệ An trước thách thức gia nhập TPP

(Baonghean) - Nghệ An hiện có khoảng 15.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít, tiềm lực khoa học công nghệ còn yếu, thị phần hạn hẹp... Do đó cần có sự bứt phá mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Để phát triển hơn nữa việc hợp tác kinh tế quốc tế giữa các quốc gia trên thế giới, ngoài các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam chính thức đàm phán vào tháng 11/2010, tạo nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Bên cạnh những triển vọng cũng như cơ hội mà TPP có thể mang lại như mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho tất cả các nước tham gia, tạo việc làm, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ đòi hỏi phải có những bước đi thận trọng và đúng hướng. 

Dây chuyền may xuất khẩu tại Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên (KCN Bắc Vinh). 	Ảnh: hoàng vĩnh
Dây chuyền may xuất khẩu tại Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên (KCN Bắc Vinh). Ảnh: hoàng vĩnh

Doanh nghiệp Nghệ An phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 32,19%, xây dựng 24%, công nghiệp khai thác, chế biến chiếm 12,64%, còn lại các ngành nghề khác. Song, nhìn chung tiềm lực của đội ngũ doanh nghiệp tỉnh nhà vẫn còn yếu. Những sản phẩm và thương hiệu nổi tiếng chưa có nhiều; ở lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, mặc dù đã có nhiều dự án FDI khá lớn, nhưng chủ yếu các doanh nghiệp còn làm gia công, nên phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào; chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người lao động qua đào tạo thấp... Do đó, để hội nhập, doanh nghiệp phải tự đổi mới, sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh, đây là vấn đề sống còn. Bên cạnh đó, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người lao động. 

Dù kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có tăng trưởng hàng năm, nhưng chưa mang tính hiệu quả cao, chủ yếu là các mặt hàng may mặc, dệt may (như Công ty Prex Vinh, Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên, Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan...), linh kiện điện tử (như Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam) và nguyên liệu thô như dăm gỗ (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt)... Lĩnh vực này, việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa còn yếu và thiếu bền vững. Ông Phan Duy Hùng - Phụ trách công tác Truyền thông và Đối ngoại, chi nhánh VCCI Nghệ An cho biết: Để duy trì và phát triển trong thời kỳ hội nhập, các DN Nghệ An cần phải nỗ lực vượt bậc.

Trong hội nhập, DN không còn bó hẹp ở trong địa phương hay quốc gia nữa nên phải xây dựng chiến lược thị trường, chiến lược kinh doanh phù hợp với từng đơn vị, có sức cạnh tranh thị trường tốt để đưa sản phẩm của DN tiếp cận thị trường quốc tế. Như điển hình về sức vươn chiếm lĩnh thị trường nước ngoài của Công ty CP Sữa TH và Công ty CP Nafoods với các sản phẩm sữa và nước ép trái cây đông lạnh. Vấn đề đặt ra là DN phải nhanh chóng đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để sản phẩm đáp ứng được những thị trường khó tính. Cùng đó, phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và thu hút lao động giỏi...

Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan. 	Ảnh: Phan Minh
Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Phan Minh

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cho rằng: TPP với sự tham gia của 12 quốc gia trở thành khu vực kinh tế với trên 800 triệu dân, chiếm 40% GDP của toàn thế giới; 30% thương mại toàn cầu. Do đó, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt với các thương hiệu, doanh nghiệp lớn có uy tín lâu năm trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp Nghệ An sẽ mất khả năng cạnh tranh ngay trên thị trường của mình, nếu không chủ động đổi mới toàn diện cả về công nghệ và trình độ quản trị. Đặc biệt với nhóm hàng nông sản cũng là thế mạnh của doanh nghiệp Nghệ An, nhưng đang thiếu sự liên kết chặt chẽ.

Khi vươn ra biển lớn việc cạnh tranh càng khó khăn vì đòi hỏi cao về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, trong khi đó cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta còn kém về công nghệ, trình độ tay nghề, chất lượng lao động, ý thức lao động chưa tốt và cả việc xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, ... Trong khi đó, TPP đòi hỏi cao về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, về tiêu chuẩn quốc tế lao động. 

Khó khăn nữa là thách thức về chứng minh xuất xứ của nguyên liệu đầu vào. Theo TPP, một ngành chỉ hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu nếu chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ các nước tham gia TPP. Trong khi đó nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp Nghệ An như dệt may,... chủ yếu nhập từ Trung Quốc, mà Trung Quốc không tham gia TPP chắc chắn sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bởi vậy, khi gia nhập TPP cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng sẽ có sự thay đổi lớn, chuyển dịch nguồn cung sang các nước trong TPP, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan. 

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới