Doanh nghiệp Nghệ An và tín hiệu mở từ kết nối cung - cầu

(Baonghean) - Kết nối cung - cầu là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương tăng cường triển khai nhằm đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển. Thông qua hoạt động này, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội mở rộng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, đòi hỏi rất lớn vào sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp.

Sự vào cuộc của ngành Công thương

3 năm nay, các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu. Các hội nghị này được ngành Công Thương các tỉnh, thành kết nối với các doanh nghiệp tạo nên những hoạt động đa dạng như: Trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. 

Đối với Sở Công Thương Nghệ An tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu. Riêng trong năm 2016, ngành Công Thương đã tổ chức cho nhiều doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Cùng đó vào tháng 6/2016, Sở Công Thương Nghệ An kết nối với các doanh nghiệp và Sở Công Thương An Giang lần đầu tiên tổ chức cuộc giao thương giữa các doanh nghiệp của 2 địa phương tại thành phố Vinh.

Casc gian hàng tại Hội nghị kết nối cung cầu ở Đà Nẵng 2016. Ảnh: Nguyên Sơn
Các gian hàng tại Hội nghị kết nối cung cầu ở Đà Nẵng 2016. Ảnh: Nguyên Sơn

Qua hoạt động này, doanh nghiệp hai địa phương trực tiếp trao đổi thông tin, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ gia đình; tạo sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp, định hướng sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng bền vững, hiệu quả.

Với thành công của sự kiện này, Sở Công Thương Nghệ An đặt mục tiêu mỗi năm ít nhất tổ chức được 1 cuộc giao thương với các tỉnh, thành trên cả nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng giao thương, kết nối phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi của bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm: Trong các hoạt động như vậy, ngành Công Thương đóng vai trò cầu nối với việc mời các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia kết nối cung - cầu.

Nhưng hiệu quả như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng “đàm đạo”, ký kết hợp tác của các doanh nghiệp.

Cần nỗ lực lớn của doanh nghiệp

Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần là người tham gia hoạt động kết nối cung - cầu nhiều nhất trong số các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nghệ An. Hầu hết các hoạt động hội nghị doanh nghiệp, hội chợ thương mại ở các tỉnh phía Bắc ông Đại đều tham gia để giới thiệu sản phẩm, ký kết mở rộng hợp tác sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Mỗi chuyến đi như vậy, để tiết kiệm chi phí, ông vừa là giám đốc làm việc với các đối tác, vừa kiêm luôn nhân viên vận chuyển, giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu thị trường... Theo ông Đại, ít nhất mỗi đợt như vậy, doanh nghiệp phải chi phí khoảng 10 triệu đồng, trong đó tiền chi phí thuê gian hàng ở nhiều tỉnh từ 5 - 7 triệu đồng ngoài ra chi phí đi lại, ăn ở... 

Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Nghệ An thu hút các doanh nghiệp ngoại tỉnh quan tâm. Ảnh: Nguyên Sơn
Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Nghệ An thu hút các doanh nghiệp ngoại tỉnh quan tâm. Ảnh: Nguyên Sơn

Do đặc thù doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nghệ An quy mô sản xuất chưa lớn, chủ yếu còn là mô hình doanh nghiệp thuộc hộ gia đình và các mặt hàng còn mang nặng đặc trưng địa phương, phục vụ nội tỉnh hoặc nguồn hàng sản xuất ít, theo mùa nên chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu ở ngoại tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Sơn là giám đốc một doanh nghiệp ở thành phố Vinh chuyên sản xuất tinh bột nghệ. Công ty của ông chỉ 2 vợ chồng và 2 người cháu, nguyên liệu nghệ còn phụ thuộc vào mùa vụ nên sản phẩm của doanh nghiệp chưa lớn.

Để tiết kiệm chi phí, ông thường chọn những chuyến kết nối cung - cầu do ngành Công Thương làm cầu nối với trường hợp được miễn phí tiền thuê gian hàng. Ông Sơn giải thích: “Mình sản xuất nhỏ và phụ thuộc theo mùa, nhiều lúc sản phẩm không đủ cho khách đã đặt hàng nên cũng chưa đẩy mạnh giới thiệu quảng bá đến các tỉnh thành khác. Với lại chi phí cho các hoạt động kết nối cung - cầu, hội chợ ngoại tỉnh cũng tốn kém...”.

Theo phân tích của bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh ta quy mô đang chủ yếu sản xuất để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, rất nhiều mặt hàng mang đặc trưng truyền thống địa phương như: tương, nước mắm, nhút... lâu nay chưa quảng bá mạnh mẽ nên đối tượng sử dụng ngoại tỉnh chỉ tập trung là người Nghệ xa quê.

Những năm gần đây, tín hiệu vui là có nhiều người ngoại tỉnh đã ưu tiên dùng các sản phẩm của Nghệ An, đó là cơ hội nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng cũng như cách bảo quản sản phẩm lâu dài...

Cùng đó, việc tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu theo từng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có tính chuyên sâu hơn sẽ góp phần xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước liên kết sản xuất, phân phối sản phẩm...

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới