Doanh nghiệp Nghệ An và vấn đề hội nhập quốc tế

(Baonghean) - Việc Việt Nam tham gia các FTA, nhất là các FTAs góp phần quan trọng giúp vị thế quốc tế của đất nước được nâng lên rõ rệt; nhất là trong hội nhập, phát triển kinh tế, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng cần phải chuẩn bị những tâm thế để đón nhận những khó khăn, thách thức khi các FTAs có hiệu lực thi hành.
Hiện tại, Việt Nam đã ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang triển khai đàm phán 3 FTA. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 - 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Đây là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp. 
Việc Việt Nam tham gia các FTA, nhất là các FTAs (Khu vực mậu dịch tự do), CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Liên minh EU) là hết sức kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển và chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ với các đối tác, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên rõ rệt.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An làm việc với tỉnh Tuyên Quang về phát triển du lịch và khởi nghiệp.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An làm việc với tỉnh Tuyên Quang về phát triển du lịch và khởi nghiệp. Ảnh: P.V

Việc tham gia, thực hiện FTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, đời sống của nhân dân được nâng cao. Dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao của các nước đối tác. Tạo động lực nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệ cao. Văn hóa hội nhập kinh tế quốc tế cũng có phát triển. Góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng cần phải chuẩn bị những tâm thế để đón nhận những khó khăn, thách thức khi các FTAs có hiệu lực thi hành, bao gồm:
Cần sẵn sàng ứng phó, đặt ra các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp về kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế có thể xảy ra…
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng một hệ thống chính sách và pháp luật đồng bộ, tương thích với các điều ước quốc tế, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển và trở thành một quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, một điểm đến an toàn cho mọi công dân toàn cầu. 
Cần nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đây là một trong những yêu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước. Trong định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần khẳng định rằng, đến thời điểm này, nước ta có quyền lựa chọn, ưu tiên những dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ hiện đại. 
Dây chuyển sản xuất cá hộp hiện đại tại nhà máy Royal Foods (KCN Nam Cấm). Ảnh: Lâm Tùng
Dây chuyển sản xuất cá hộp hiện đại tại Nhà máy Royal Foods (KCN Nam Cấm). Ảnh: Lâm Tùng

Ngay trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức. Công bằng mà nói, các yêu cầu về cam kết môi trường được đưa ra trong Hiệp định CPTPP là rất cao so với khả năng đáp ứng của Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong vấn đề tuân thủ, thực thi các cam kết. Cụ thể, hệ thống pháp luật về môi trường của Việt Nam chưa đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chưa thật sự thích ứng với các cam kết môi trường trong CPTPP. 

Đến cuối năm 2020, Nghệ An có 13.220 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 10 cả nước. Tuy vậy, 98% doanh nghiệp Nghệ An là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thiếu nhân sự quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động kỹ thuật, sức cạnh tranh thấp và chưa có các thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, làm đầu tàu để dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất còn chiếm tỷ lệ thấp, 
Doanh nghiệp ngoài nhà nước ở Nghệ An có 13.107 doanh nghiệp, chiếm 99,14%. Doanh nghiệp nhà nước có 63 doanh nghiệp, chiếm 0,48%. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 50 doanh nghiệp, chiếm 0,38%.  
Đồ họa: Lâm Tùng
Biểu đồ quy mô vốn hóa của doanh nghiệp. Đồ họa: Lâm Tùng

Về ngành nghề: Dịch vụ là lĩnh vực có số doanh nghiệp hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 60,25% tổng số doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 35,99%. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 3,76%.

Về đóng góp, năm 2016, thu từ khu vực doanh nghiệp đạt 7.431 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 67,2% tổng thu trên địa bàn; năm 2020 số liệu tương ứng là 10.501 tỷ đồng. Tạo việc làm mới hàng năm từ khu vực doanh nghiệp tăng từ 7.846 lao động năm 2016 đến năm 2020 là 10.412 lao động.
Thị trường xuất khẩu được mở rộng, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng. Từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu: Từ 129 doanh nghiệp năm 2016 lên 200 doanh nghiệp năm 2020.

Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 30.000 doanh nghiệp, trong đó có 20.000 doanh nghiệp hoạt động. Trung bình giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động đạt khoảng 8% - 9%/năm; tăng tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chiếm khoảng 4% - 6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025. Nghệ An định hướng phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế du lịch, thương mại, logistics, giáo dục đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm số; các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn.

Xuất khẩu hàng hóa ở cảng Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu
Xuất khẩu hàng hóa ở cảng Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu

Để phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, nên thực hiện tốt các giải pháp như: 

Thứ nhất: Có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Thu hút các doanh nghiệp công nghệ, phát triển sàn giao dịch công nghệ, xây dựng các tổ chức tư vấn về công nghệ... Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ thông tin. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: 
Thứ hai: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nâng cao năng lực, phát triển thị trường; thu hút các nguồn lực, chuyên gia, nhà đầu tư. Hình thành mạng lưới chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục triển khai đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho đội ngũ doanh nhân theo từng chuyên đề, tạo điều kiện hình thành những doanh nhân có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Thứ ba: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành; đồng thời rà soát, kịp thời tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách không còn phù hợp, xây dựng các cơ chế chính sách hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo lao động tay nghề cao, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, phát triển mở rộng thị trường... 
Thứ tư: Hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; dự báo thị trường nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường trong nước, nước ngoài. Tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo thị trường cho doanh nghiệp, tổ chức các dịch vụ tư vấn tiếp thị để giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, khảo sát, tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường trong và ngoài nước để liên kết có hiệu quả, có khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Tin mới