Doanh nghiệp nhiều nhưng tham gia BHXH ít: Đâu là nguyên nhân?

(Baonghean.vn) - Tính đến ngày 30/6/2018, có khoảng 18.769 đơn vị đăng ký kinh doanh, trong đó số đơn vị có mã số thuế đang hoạt động là 15.239. Tuy nhiên, số đơn vị tham gia BHXH bắt buộc tại thời điểm nêu trên chỉ 10.263 đơn vị! Có nhiều lý do dẫn đến con số thống kê “bất thường” này, trong đó, không loại trừ nguyên nhân nhiều đơn vị doanh nghiệp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Việt - Nga đăng ký giấy phép kinh doanh vào năm 2008 với ngành nghề dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Khách sạn Việt - Nga ở TP. Vinh là địa chỉ kinh doanh của công ty, hiện có 8 lao động đang làm việc, trong đó có 3 lao động thuộc diện tham gia BHXH nhưng công ty chưa thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Khách sạn Việt - Nga hiện có 3/8 lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Ảnh: P.A
Khách sạn Việt - Nga hiện có 3/8 lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia. Ảnh: P.A
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Giám đốc Công ty, 3 lao động này đều thuộc diện lao động thời vụ, thường làm việc ngắn hạn khoảng 3 tháng, 6 tháng hoặc hơn 1 năm. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà Chung đã biết về quy định lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng theo vị Phó Giám đốc này, nguyên nhân công ty không chấp hành là do người lao động không muốn tham gia!

“Lao động ở khách sạn đều là người thân, người quen trong gia đình. Công ty cũng nhắc nhở rất nhiều lần về quyền lợi khi tham gia BHXH nhưng họ không nghe” - bà Chung nói.

Chủ doanh nghiệp ghi biên bản làm việc với tổ công tác BHXH tỉnh. Ảnh: P.A
Chủ doanh nghiệp ghi biên bản làm việc với tổ công tác BHXH tỉnh. Ảnh: P.A
Tương tự như vậy, ở Công ty TNHH Thương mại Bình Phương có số lao động đang làm việc thực tế là 42 người nhưng mới tham gia BHXH cho 10 người, còn 32 người còn lại chưa tham gia. Chủ doanh nghiệp lý giải, đây là số lao động thời vụ, người lao động không muốn tham gia BHXH mặc dù đơn vị cũng đã tuyên truyền vận động.

Cũng cùng lý do nêu trên, Công ty TNHH Du lịch Thương mại Hải Châu có số lao động thực tế tại đơn vị là 10 người nhưng mới tham gia BHXH cho 2 người, 8 người còn lại chưa tham gia.

Không ít doanh nghiệp lấy lý do người lao động từ chối tham gia BHXH, tuy nhiên, khi được hỏi rằng doanh nghiệp có thông tin đến người lao động về quy định doanh nghiệp sẽ đóng 21,5%, người lao động chỉ đóng 10,5% trong tổng số 32% mức đóng bảo hiểm hay không thì nhiều chủ doanh nghiệp không trả lời! Có doanh nghiệp lại đáp lời bằng cách nêu những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, doanh thu giảm…

Nhằm đi tìm nguyên nhân của thực trạng chênh lệch giữa số doanh nghiệp tham gia BHXH với thực tế số doanh nghiệp có đăng ký mã số thuế, BHXH tỉnh vừa triển khai đợt cao điểm phát triển đối tượng tham gia BHXH trong các doanh nghiệp. Theo đó, nhiều tổ công tác cấp tỉnh và các địa phương đã được thành lập, phân công đến trực tiếp từng doanh nghiệp theo danh sách có đăng ký mã số thuế do Cục Thuế cung cấp nhưng chưa tham gia BHXH.
Cán bộ thanh tra BHXH tỉnh thanh tra chuyên ngành tại doanh nghiệp. Ảnh: P.A
Cán bộ thanh tra BHXH tỉnh thanh tra chuyên ngành tại doanh nghiệp. Ảnh: P.A
Tính đến ngày 17/8/2018, cán bộ BHXH đã đến làm việc tại 1.363/2.302 doanh nghiệp; số còn lại khoảng 939 doanh nghiệp không làm việc được. Bà Hoàng Thị Quỳnh Châu - Phó Chánh Văn phòng BHXH tỉnh cho biết, thực tế khi đến địa chỉ trên giấy phép kinh doanh (chủ yếu các doanh nghiệp này lấy địa chỉ nhà riêng, thuê nhà…) thì không thấy gắn biển công ty; hoặc địa chỉ công ty theo đăng ký một nơi nhưng trụ sở hoạt động thực tế lại ở nơi khác; một số đơn vị địa chỉ không rõ ràng, đi tìm trực tiếp cũng không thấy; hoặc một số đơn vị tìm thấy địa chỉ nhưng không phải là công ty cần tìm mà lại là công ty khác...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có biểu hiện trốn tránh, không hợp tác. Như Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính Bảo Tín Nghệ An ở phường Trung Đô, TP. Vinh, khi tổ công tác BHXH tỉnh đến làm việc thì chủ doanh nghiệp không ở nhà, xin số điện thoại để liên lạc, hẹn lần này đến lần khác vẫn không hợp tác để làm việc. Hoặc Công ty CP TM Hồng Quang, cán bộ BHXH tỉnh cho biết đã làm việc và ký biên bản rồi nhưng chưa đóng được dấu công ty vì chủ công ty nói là không biết để dấu ở đâu!

Ông Ngô Ngọc Thanh - Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh cho biết, theo thống kê sơ bộ, trong tổng số 939 doanh nghiệp có mã số thuế nhưng chưa tham gia BHXH mà cán bộ BHXH không thể tiếp xúc gặp gỡ, làm việc, thì có đến 449 doanh nghiệp không tìm thấy địa chỉ/ mất tích; 82 doanh nghiệp trốn tránh, không hợp tác; 376 doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động; 21 đơn vị đăng ký với cơ quan thuế nhưng thực tế hoạt động ở địa bàn khác… Ông Thanh cho rằng, đây là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng số doanh nghiệp có mã số thuế đông, nhưng tham gia BHXH lại hạn chế.

Về giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH trong thời gian tới, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp và người lao động về các nội dung của Luật BHXH.

Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ, BHXH sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành, phối hợp với Công an tỉnh để điều tra, khởi tố hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự sửa đổi. Được biết, BHXH tỉnh vừa hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan công an về trường hợp 1 doanh nghiệp nợ đọng, không đóng BHXH cho người lao động kéo dài nhiều năm và có thái độ dây dưa, không phối hợp làm việc./

Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định:

1. Người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây (đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm:

- Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng.

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

- Phạm tội 2 lần trở lên;

- Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người;

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đến một tỷ đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

- Trốn đóng bảo hiểm một tỷ đồng trở lên.

- Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.

- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt tiền từ một tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Tin mới