Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững

(Baonghean.vn) - Ngày 5/4, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra diễn đàn Thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững Cộng đồng Doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Chương trình mội trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phối hợp tổ chức.

Doanh nghiệp thảo luận bên lề hội thảo
Doanh nghiệp thảo luận bên lề hội thảo.

Tham dự có gần 100 Doanh nghiệp. Đây là một sự kiện nhằm hỗ trợ các Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội Doanh nghiệp sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trọng tâm của chương trình Nghị sự là 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu liên quan nhằm giải quyết các thách thức quan trọng nhất của thời đại về kinh tế, xã hội, môi trương và quản trị.

Các mục tiêu phát triển bền vững xác định rõ hợp tác vì con người, hành tinh, thịnh vượng và hòa bình. Trong đó Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn và đề ra kế hoạch triển khai quốc gia, đồng thời chuẩn bị môi trường thuận lợi và tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân nhận thức được tầm quan trọng của chương trình.

Bên cạnh đó vai trò của doanh nghiệp vô cùng quan trọng, hành động của doanh nghiệp là chìa khóa dẫn đến sự thành công thông qua hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, áp dụng mô hình kinh doanh mới, đầu tư sáng tạo và đổi mới công nghệ và hợp tác kinh doanh cùng có lợi. Việc triển khai thành công mục tiêu phát triển bền vững sẽ củng cố mội trường thuận lợi cho kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường trên toàn thế giới.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI, đại diện Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam: "Tổ chức Hiệp ước toàn cầu Liên Hợp Quốc là cách tiếp cận thiết thực để doanh nghiệp có thể thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là cơ hội tuyệt vời, đồng thời cũng là trách nhiệm của chúng ta tham gia đóng góp. Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu Việt Nam hỗ trợ xác định những thách thức và giải pháp liên quan đến sự tương tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng, môi trường,Chính phủ và người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và đóng góp cho chương trình nghị sự 2030 của các mục tiêu phát triển bền vững".

Tổ chức Hiệp ước toàn cầu Liên Hợp Quốc là sáng kiến lớn nhất và mang tính toàn cầu gắn kết doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững, tôn trọng 10 nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh và cung ứng. Đó là Doanh nghiệp phải ủng hộ và tôn trọng các Quyền con người được Quốc tế công bố; Cam kết không đồng lõa với việc lạm dụng nhân quyền; Doanh nghiệp phải ủng hộ việc tự do thành lập hiệp hội và thừa nhận quyền thương lượng tập thể; Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Thật sự xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em; Loại bỏ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động vào việc làm; Doanh nghiệp phải ủng hộ các phương án phòng ngừa đứng trước thách thức về mội trường; Thực hiện các sáng kiến để nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với môi trường; Khuyến khích phát triển và phổ biến công nghệ thân thiện với mội trường; Doanh nghiệp phải chống lại nạn tham nhũng dưới mọi hình thức, kể cả hối lộ và nhận hối lộ. Đây là nền tảng cho các công ty khi tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cho giai đoạn 2015 – 2030 cũng chính là những việc chúng ta cần làm để đạt được khát vọng Việt Nam 2035 - hướng tới thịnh vượng, sáng tạo công bằng và dân chủ. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội đều có trách nhiệm và lợi ích của mình trong việc thực hiện những mục tiêu đó và thành công chỉ có thể đạt được khi tất cả chúng ta cùng làm hết sức mình.

Nguyễn Hữu Thống

TIN LIÊN QUAN

Tin mới