Doanh nghiệp xuất nhập khẩu ảnh hưởng vì giá USD tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn)- Đồng USD đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

"Nửa mừng nửa lo"

Ông Trần Đức Long – Kế toán trưởng Công ty TNHH Kido Vinh cho biết, việc nâng giá bán USD sẽ có lợi nhiều hơn cho đơn vị bởi đối với doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi, bán hàng ra thu về tiền đô, quy đổi tiền VND sẽ hưởng lợi hơn.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá từ sản phẩm công nghiệp chế biến sử dụng nguyên vật liệu trong nước như đá trắng, gỗ viên nén,… cũng đang hưởng lợi. Ví như các doanh nghiệp sản xuất gỗ viên nén sang thị trường châu Âu đang khá thuận lợi vì một mặt thị trường chất đốt đang nóng lên từng ngày, giá viên nén sinh khối tại châu Âu từ 800-900 USD/tấn đã tăng gần gấp đôi với gần 1.800 USD/tấn; mặt khác các doanh nghiệp này còn hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá USD hiện nay.

Tỷ giá USD tăng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Trong ảnh: sản phẩm Tôn Hoa Sen tại KCN Đông Hồi, Hoàng Mai. Ảnh: Thu Huyền

Tỷ giá USD tăng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Trong ảnh: sản phẩm Tôn Hoa Sen tại KCN Đông Hồi, Hoàng Mai. Ảnh: Thu Huyền

Ông Hoàng Minh Tuấn – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công Thương cho rằng, việc đồng USD đang tăng giá trong thời gian qua khiến doanh nghiệp “nửa mừng nửa lo”. Với tỷ giá như hiện nay thì hoạt động xuất, nhập khẩu của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nhưng mức độ như thế nào phải tính toán cụ thể với từng thị trường, từng nhóm mặt hàng.

Đối với xuất khẩu nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... sử dụng nguyên liệu trong nước rõ ràng là được hưởng lợi. Còn doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá gia công nhưng lại nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này thì vừa thuận vừa khó. Chẳng hạn, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh (trung bình khoảng 75,6%) đang chủ yếu là gia công lắp ráp, phải nhập phần lớn linh kiện, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu tăng lên.

Tỷ giá USD tăng sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông sản, thuỷ sản,... Lo ngại đặt ra đối với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng để tiêu thụ trong nước; các đơn vị nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến phí nhập khẩu, phí vận tải tăng. Hơn nữa, tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… tăng cao khiến sức mua giảm sút, tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Minh Tuấn – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công Thương

Nhóm doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng xấu khi tỷ giá USD tăng là doanh nghiệp nhập khẩu, chủ yếu các doanh nghiệp FDI. Tại các Khu công nghiệp VSIP, WHA, nhiều doanh nghiệp mới thu hút đầu tư đang trong giai đoạn nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện cho sản xuất sẽ gặp khó khăn bởi biến động tỷ giá.

Công ty TNHH may mặc Nakano Việt Nam tại Khu công nghiệp WHA lắp đặt dây chuyền thiết bị chuẩn bị sản xuất. Ảnh: Thu Huyền
Công ty TNHH may mặc Nakano Việt Nam tại Khu công nghiệp WHA lắp đặt dây chuyền thiết bị chuẩn bị sản xuất. Ảnh: Thu Huyền

Tại Khu công nghiệp WHA, Công ty TNHH may mặc Nakano Việt Nam có 100% vốn Nhật Bản đang đầu tư nhà máy may công suất 6 triệu sản phẩm/năm. Công ty đang tập trung lắp đặt dây chuyền thiết bị để chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng gặp biến động ngoại tệ. Chị Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kế toán – Xuất nhập khẩu công ty cho biết: Máy móc thiết bị được nhập về đầu năm khi giá USD, đồng Yen chưa biến động. Hiện tất cả chi phí đầu tư, thuế VAT, thuế nhập khẩu liên quan đến ngoại tệ khiến chi phí đội lên.

Chủ động điều chỉnh và thích ứng

Ngày 1/11, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ nhưng thị trường tự do lên cao sát 25.400 đồng. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.697 đồng, tăng 2 đồng so với ngày 31/10. Ngân hàng Vietcombank cũng tăng thêm 2 đồng so với hôm qua, lên giá là 24.569 đồng/USD và bán ra 24.879 đồng/USD. Còn Ngân hàng Eximbank vẫn giữ nguyên giá USD khi tiếp tục mua vào 24.680 đồng/USD và bán ra 24.875 đồng/USD...

Ngày 2/11, đồng USD giảm nhẹ khi các nhà giao dịch cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu một lộ trình thắt chặt lãi suất ít tích cực hơn. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.466 đồng (giảm 2 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 22.710 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.120 đồng (giảm 2 đồng).

Đầu giờ sáng 2/11, đa số các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay đứng giá so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.675 đồng (mua) và 22.745 đồng (bán).

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hiện nay, dư nợ bằng ngoại tệ trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 2% trong tổng dư nợ, với 5.067 tỷ đồng. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Biến động tỷ giá đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Thu Huyền
Biến động tỷ giá đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Thu Huyền

Để đối phó với biến động tỷ giá bất lợi hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh và thích ứng.

Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trước việc FED tăng lãi suất dẫn đến giá đồng USD tăng so với VND, về mặt vĩ mô Chính phủ đã có chỉ đạo bộ tài chính và các bộ ngành có liên quan. Trước tình hình khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên đa dạng hoá thị trường kể cả xuất khẩu và nhập khẩu, đa dạng hoá đồng tiền thanh toán trong hợp đồng ngoại thương. Khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn cung nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

“Các công ty nhập khẩu cần tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu để giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay”- lãnh đạo Sở Công Thương cho hay.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lợi nhuận tăng nhờ giá USD tăng. Ảnh: Thu Huyền

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lợi nhuận tăng nhờ giá USD tăng. Ảnh: Thu Huyền

Cùng với việc đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với biến động tỷ giá, để đạt chỉ tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD trong năm 2022, ngành Công Thương đưa ra 5 nhóm giải pháp gồm tạo nguồn hàng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các ngành liên quan như Thuế, Hải quan, Giao thông vận tải… phối hợp, tạo điều kiện để việc sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa trong tỉnh, trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài thuận lợi. Ngành Thuế hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu các hình thức thanh toán cũng như có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng. Nhờ đó, hạn chế phần nào ảnh hưởng của biến động tỷ giá USD, ổn định hoạt động xuất nhập khẩu.

Tin mới