Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: Doanh nghiệp Việt phải giữ hồn cốt Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ông Murthy - người sáng lập, cựu Chủ tịch của Infosys, một công ty phần mềm Ấn Độ hùng mạnh, đã nói với anh Nguyễn Thành Nam (FPT) như sau: “Một công ty muốn được thế giới kính trọng phải bắt nguồn từ gốc rễ văn hóa dân tộc mình. Công ty Mỹ phải rất Mỹ. Công ty Nhật phải rất Nhật. Công ty Ấn phải rất Ấn. Công ty Việt phải rất Việt”.
Doanh nghiệp Việt phải giữ được hồn cốt Việt, văn hóa Việt. Ảnh minh họa: Internet

Doanh nghiệp Việt phải giữ được hồn cốt Việt, văn hóa Việt. Ảnh minh họa: Internet

Infosys là Công ty dịch vụ phần mềm Ấn Độ có doanh thu 16 tỷ USD, vốn hóa 71.4 tỷ USD (top 5 công ty dịch vụ phần mềm vốn hóa lớn nhất thế giới), có 82 văn phòng và 123 trung tâm phát triển phần mềm trên khắp các châu lục: Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông. Doanh số của Infosys có đến 97% đến từ thị trường nước ngoài (chỉ có 3% doanh số từ thị trường nội địa), trong đó, riêng thị trường Âu Mỹ đã chiếm đến 84%.

Trong những năm qua, Infosys đã bỏ ra hơn 1,2 tỷ USD để mua lại 16 công ty IT của Mỹ, châu Âu và Israel. Một công ty rất quốc tế như Infosys, 97% doanh số là thị trường quốc tế, trên 90% là khách hàng Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc, đã mua lại và tất nhiên là đang quản trị và điều hành 16 công ty Mỹ, châu Âu, Israel, thế mà vị lãnh đạo cao nhất vẫn khẳng định “công ty ông phải rất Ấn Độ nếu muốn thế giới kính trọng mình”. Điều đó nói lên rằng, văn hóa dân tộc có vai trò và ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển của một công ty, ngay cả công ty ấy Go Global tiến ra toàn cầu.

Thỉnh thoảng tôi có nghe được một số bạn thắc mắc rằng: “Tại sao ở Việt Nam tỷ lệ những người Tây học về (du học từ Mỹ, Anh, Úc, Canada và Tây Âu) lại không thành công bằng những người du học từ Đông Âu về (ý bạn ấy là du học từ các nước kinh tế phát triển hơn, thể chế tốt hơn lại không thành công bằng du học từ những nước kinh tế và thể chế thấp hơn và đặt câu hỏi phải chăng nguyên nhân là do thể chế)?

Cá nhân tôi cho rằng, thế hệ doanh nhân Việt Nam đầu tiên hầu hết là Đông Âu học (Tây học rất ít), thế nên, những doanh nhân thành công nhất đều thuộc nhóm Đông Âu là điều dễ hiểu. Thế nhưng, thế hệ doanh nhân thứ 2, thứ 3, thứ 4 thì hầu hết là Tây học và Việt Nam học và chắc chắn thế hệ doanh nhân thành công kế tiếp hầu hết sẽ là Tây học và Việt Nam học, không thể khác.

Quan sát của cá nhân tôi, những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nhân Việt Nam thành công nhất đều có chung một công thức: Công nghệ và quản trị học phương Tây, nhưng văn hóa thì lại rất Việt Nam; còn những doanh nghiệp nào mang cả văn hóa Tây (người sáng lập mang từ Tây khi du học về), cố gắng hoặc tỏ ra mình “rất Tây” thì hoặc không thành công hoặc chỉ thành công ở mức trung bình.

Những doanh nhân Việt thế hệ 2, 3, 4 Tây học thành công đến thời điểm hiện tại có thể kể đến Lê Hồng Minh - Chủ tịch, CEO VinaGame (du học Úc), Nguyễn Hoàng Minh - CEO FPT IS (du học Pháp), Lê Hồng Việt - cựu CTO FPT, CEO FPT Smart Cloud (du học Úc), Trần Văn Minh - CEO Hybrid Technologies (du học Nhật Bản, Hybrid là công ty Việt Nam đầu tiên lên sàn chứng khoán Tokyo), Tạ Sơn Tùng và Phan Thế Dũng - nhà sáng lập, Chủ tịch và CEO của RikkeiSoft (du học Nhật Bản, RikkeiSoft là công ty phần mềm có 1.250 nhân viên, 100% doanh số từ thị trường Nhật Bản). Điểm chung của những doanh nhân này là họ vẫn rất Việt Nam, vẫn giữ được văn hóa, gốc rễ cội nguồn Việt.

Từ ngày mạng xã hội trở nên phổ biến, chúng ta thấy có quá nhiều bạn Tây học (bao gồm cả học ở Tây và học ở Việt Nam) thể hiện công khai quá cuồng Tây, họ cho rằng, Tây cái gì cũng hay, cái gì cũng đúng, ta cái gì cũng dở, không chỉ về công nghệ và quản trị mà cả văn hóa, ứng xử. Rất may là trong số những doanh nhân thành công lớn mà tôi quen biết không có ai quá cuồng Tây như vậy cả.

Dẫn lại câu nói của ông Murthy với anh Nguyễn Thành Nam và câu chuyện thành công của Infosys trên thị trường quốc tế, tôi muốn đưa ra thông điệp rằng: Muốn thành công lớn, muốn được người ta kính trọng thì trong bất luận hoàn cảnh nào chúng ta phải giữ được văn hóa Việt, hồn cốt Việt, gốc rễ Việt, dù có đi đâu, ở đâu, làm gì mình vẫn phải là một người rất Việt Nam, công ty mình vẫn phải là một công ty rất Việt Nam.

Tin mới