Doanh nhân Thái Hương: Tôi có khát vọng đưa Việt Nam trở lại trên bản đồ dược liệu thế giới

Trên những đỉnh núi cao của miền Tây xứ Nghệ có những con người âm thầm lặng lẽ ngày đêm bám trụ, nghiên cứu bảo vệ và nhân lên cả trăm loại dược liệu quý của Việt Nam. Khát vọng làm cho miền Tây xứ Nghệ thoát nghèo, rừng được bảo vệ và đẻ ra vàng, ngành dược liệu Việt Nam vươn ra thế giới đã thôi thúc doanh nhân Thái Hương Chủ tịch Tập đoàn TH ấp ủ dự án lớn…

Đỉnh Puxailaileng nằm cách mặt nước biển 2.720m – đỉnh núi cao nhất phía Bắc đỉnh Trường Sơn thuộc xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An. Nơi đây chứa bao điều bí ẩn của mẹ thiên nhiên với những rừng cây cổ thụ còn sót lại trên đỉnh núi quanh năm mây phủ. Cách đỉnh Puxailaileng khoảng 15km đường xe chạy là Trạm Biên phòng Buộc Mú thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi. Nơi đây các chiến sỹ biên phòng không quản ngày đêm canh giữ biên cương trong làn mây mù giá buốt của mùa Đông khi nhiệt độ xuống cả hàng chục độ C.

Phía bên kia trạm biên phòng là nước bạn Lào xinh đẹp. Bên cạnh Trạm Biên phòng Buộc Mú, ít ai biết mấy năm trước, khi đường còn đất đá lổn nhổn, đá tảng có thể rớt từ đỉnh núi xuống đường bất cứ khi nào có mưa lớn, bàn chân của những người trồng và ươm trồng dược liệu quý của tỉnh Nghệ An đã đến đây, bám trụ nơi vùng biên này. Một khu rừng phòng hộ nơi đỉnh núi là trạm dừng chân để bắt đầu hành trình chinh phục Puxailaileng, “làm cho Puxailaileng lộng lẫy lên” như cách chị Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH, một nữ doanh nhân quyền lực của châu Á trăn trở.

Đỉnh Puxailaileng chứa bao điều bí ẩn của mẹ thiên nhiên với những rừng cây cổ thụ còn sót lại trên đỉnh núi quanh năm mây phủ. Ảnh: Công Kiên
Đỉnh Puxailaileng chứa bao điều bí ẩn của mẹ thiên nhiên với những rừng cây cổ thụ còn sót lại trên đỉnh núi quanh năm mây phủ. Ảnh: Công Kiên

Doanh nhân Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH với hàng chục dự án lớn luôn tiên phong trong ngành nông nghiệp Việt Nam, người dẫn đầu xu hướng về nông nghiệp sạch, sữa sạch kể: Bấm chân nhích từng mét một xuống từng lớp bùn trên con đường lên núi, đã biết bao lần tôi đến kiểm tra đôn đốc và nắm bắt tình hình trồng và phát triển dược liệu ở đây. Từ Hà Nội đi thẳng ô tô vào Nghệ An rồi lên Mường Lống, Na Ngoi… Ngày đó từ Vinh đi cả ngày đường mới tới Na Ngoi vì đường sá vô cùng khó khăn, đi mãi chỉ thấy mây, núi, nhưng rồi khi thấy anh em trong công ty say mê nghiên cứu, bám trụ, tâm huyết, khi thấy hàng chục hecta dược liệu quý nở hoa, phát triển tốt dưới tán rừng, tôi vui mừng tìm được một lối đi mới cho miền Tây. Từ đó tôi không nản chí, động viên anh em ở lại, tiếp tục đầu tư, nhân lên nguồn kho báu này. Tôi mong ước từ những khu rừng dược liệu này, núi rừng sẽ nở hoa. Đó cũng là hướng đi thiết thực nhất của dược liệu dưới tán rừng – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”.

Theo tay chị chỉ, chúng tôi thấy những hecta rừng dược liệu mở rộng mãi ra dưới tán rừng. Nào là sâm Puxailaileng, ba kích, chè hoa vàng, đẳng sâm, sâm bảy lá một hoa, sâm đương quy, tam thất bắc, bạc hà, giảo cổ lam, cúc hoa, chùa dù, xá xị, cúc gai, bụp giấm, bồ bồ, sâm bố chính, lan thạch hộc tía…

Đặc biệt lan thạch hộc tía là dược liệu quý giá. Theo ghi chép, loại thảo dược này từng được Từ Hi Thái Hậu của Trung Hoa coi là đầu bảng trong dược liệu quý, đã được nhân lên hàng chục ngàn cây dưới tán rừng trên núi Puxailaileng.

Tháng 7 trời xứ Nghệ nắng gắt nhưng ở Na Ngoi, mưa nhỏ và mát lạnh, những cây lan thạch hộc tía được các kỹ sư ở đây cài lên cây to sinh trưởng khỏe mạnh, bình yên hút khí trời tự nhiên và cho hoa lá không phải tưới chăm, chiều dài khoảng 20 -30cm khi trưởng thành. Loại lan thạch hộc tía này khi thu hái toàn bộ để sao chế thành các vị thuốc hoặc dùng tươi bổ cho sức khỏe.

Theo tài liệu chúng tôi đọc được, lan thạch hộc tía là loài được đánh giá cao nhất và cũng có giá trị kinh tế lớn nhất đang được Tập đoàn TH nuôi dưỡng, nhân rộng. Loại cây này thu hoạch cả cây, có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng kiện gân cốt, dưỡng khí bổ huyết, chữa đau dạ dày…, có thể dùng để nấu cháo, ngâm rượu cả cây hoặc chế biến thành các bài thuốc kết hợp khác.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm, kiểm tra dược liệu của Tập đoàn TH tại Mường Lống, Kỳ Sơn.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm, kiểm tra dược liệu của Tập đoàn TH tại Mường Lống, Kỳ Sơn.

6h sáng, núi đồi Kỳ Sơn còn mù sương, chúng tôi đã được đánh thức bởi không khí làm việc khẩn trương của công nhân và người dân địa phương tới trại làm cỏ, cuốc đất, chăm sóc các loại dược liệu. Hàng chục công nhân là người Mông làm việc từ sáng sớm, họ cuốc đất trồng tía tô, đẳng sâm, nhân trần, các loại dược liệu bình dân hơn. Đặc thù của dược liệu là không sử dụng thuốc sâu và phân bón hóa học nên phải trồng thủ công và dùng phân hữu cơ. Từng mầm dược liệu bé tí lẫn trong cỏ nên công nhân hàng tuần phải nhổ cỏ liên tục và gieo trồng những lớp mới sau khi đã thu hái.

Ở những vườn dược liệu quý như sâm bảy lá một hoa, sâm Puxailaileng, việc chăm sóc cần các kỹ sư có chuyên môn theo dõi tỉ mỉ để đảm bảo độ ẩm, không khí, ánh sáng và điều kiện dinh dưỡng phù hợp với tiết trời. Theo chân kỹ sư Nguyễn Trọng Cảnh, nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong 8 Huồi Tụ, Kỳ Sơn về đầu quân làm dược liệu cho Tập đoàn TH, hiện là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược liệu Mường Lống, chúng tôi được ngắm nhìn hàng trăm loại dược liệu quý đang sinh trưởng tươi tốt dưới tán rừng. Khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, cây trồng nơi đây xanh tươi và hoàn toàn sạch, thảm mục thực vật dày, độ ẩm cao, chất dinh dưỡng trong đất tốt nên cây lá đâm chồi.

Anh Nguyễn Trọng Cảnh cho biết, tại Na Ngoi hiện đã trồng được trên 200.000 khóm lan thạch hộc tía với phương thức gắn trên các cây rừng trên diện tích rừng 13,0ha, hiện nay lan phát triển tốt, 5ha cây tam thất Bắc, 1,3ha đẳng sâm, gần 1.000 cây chè hoa vàng được 1 năm tuổi dưới tán rừng thưa. Ngoài ra công ty còn triển khai trồng một số cây dược liệu quý như: Sâm Puxailaileng 1.000 cây, lan kim tuyến 5.000 cây, sâm bảy lá một hoa 500m2, đương quy nhật 500m2,… đây là những cây trồng bản địa nên phát triển rất tốt, ngoài ra công ty còn trồng thử nghiệm một số cây như sâm ngọc linh bằng hạt và bằng củ giống,…

Tại Mường Lống đã trồng 17,8ha dổi, 2.000m2 tam thất bắc, 2ha giảo cổ lam, 3 ha chè shan tuyết, 1 ha đương quy Nhật, 1,2 ha đẳng sâm, 0,5ha đan sâm, các loại tía tô, cúc hoa, chùa dù, nhân trần, nghệ đen, gừng đen, tam thất Bắc, hà thủ ô đỏ, huyền sâm, sa nhân, lan thạch hộc tía… Bên cạnh đó, công ty đang xây dựng một khu bảo tồn trồng các loại cây dược liệu, đến nay đã trồng được trên 40 loại dược liệu: Bạch quả, chùa dù, thìa canh lá to, sói rừng, khôi nhung, sì to, xạ đen, hoàng tinh đỏ… Hàng năm công ty thu mua từ 4,0 – 5,0 tấn nấm linh chi rừng, 8,0 -10 tấn giảo cổ lam, gần 10 tấn lạc tiên, 5-6 tấn khoai sọ, 5-6 tấn lá vông nem cho bà con.

Công nhân chăm sóc cây dược liệu tại Mường Lống.
Công nhân chăm sóc cây dược liệu tại Mường Lống.

Làm “chậm mà chắc” là phương châm mà Tập đoàn TH (TH Group) triển khai các dự án trong nhiều năm qua. Với sứ mệnh tiên phong, dẫn đầu xu hướng của thế giới trong sản xuất sạch, các dự án của tập đoàn luôn chú trọng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới. “Với tôi làm kinh doanh phải mang lại “hạnh phúc đích thực”, tôi không chạy theo lợi nhuận mà luôn đặt trong lợi ích quốc gia, tiên phong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tôi luôn mong mỗi một sản phẩm của TH đến với người tiêu dùng là “hạnh phúc đích thực” – doanh nhân Thái Hương chia sẻ.

Nói là làm, ngay tại Mường Lống nhà máy chiết xuất chế biến đã được lập nên để sản xuất ra các loại thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên. Trà linh chi, trà hoa cúc – lạc tiên, trà gừng, trà sâm và các loại dược liệu, tinh dầu khác đã dần được chế biến và đưa đến người tiêu dùng. Ít ai biết được nơi miền núi cao hẻo lánh này, ngày ngày vẫn có các kỹ sư nghiên cứu, chiết xuất, có bộ phận thu mua sản phẩm, chế biến, đóng gói và chở ra Hà Nội và các thành phố lớn để tiêu thụ. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nấm linh chi rừng được bà con gùi đến bán cho công ty hàng ngày. Các loại giảo cổ lam, lạc tiên… đều thu mua hoàn toàn từ rừng núi.

“Tôi chọn nông nghiệp – một lĩnh vực khó khăn nhất để đi lên và tôi đã thành công ở Việt Nam và trên thế giới. Hiện nay tập đoàn chúng tôi phát triển đa ngành, nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, du lịch… nhưng luôn lấy sức khỏe người dân chú trọng hàng đầu. Nắm bắt được chiến lược quốc gia về phát triển dược liệu dưới tán rừng, tôi tiên phong nhận nhiệm vụ như một sứ mệnh. Để làm được đầu tiên tôi phải xây dựng được nguồn nguyên liệu vững và rộng, đủ cung ứng cho các nhà máy. Thứ hai tôi đầu tư nhà máy chiết xuất áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới dưới sự giám sát của các chuyên gia. Sản phẩm của các tập đoàn được chế biến theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sức khỏe” – doanh nhân Thái Hương cho biết.

Sau khi có nhà máy chế biến, tập đoàn thành lập bệnh viện đa khoa 5 sao, khu spa nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp, trường đại học và trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư, thực hiện tư duy mới về chăm sóc sức khỏe, vừa thực hiện y tế dự phòng, điều trị bệnh, chẩn đoán sớm bệnh và chăm sóc sau điều trị tốt nhất. Tập đoàn phát triển ngành công nghiệp dược với các trụ cột bền vững, đảm bảo từ sản xuất đến tiêu dùng. Một mắt xích chặt chẽ từ sản xuất đến thị trường trong nước và quốc tế đã được hoạch định.

Chế biến dược liệu tại Mường Lống.
Chế biến dược liệu tại Mường Lống.

Sau dịch Covid-19, thế giới ngày càng nhận thấy rõ vai trò của sức khỏe và chăm sóc sức khỏe bằng các dược liệu nguồn gốc thiên nhiên. Và Trung tâm sinh thái y học công nghệ cao thực hiện các chức năng không chỉ là bệnh viện chất lượng quốc tế 5 sao, trung tâm điều dưỡng sức khỏe, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển dược liệu chất lượng cao. Nhiều người khi đến Na Ngoi, Mường Lống, Kỳ Sơn đều lo lắng khi nơi đây quá cao, quá xa để có thể duy trì được các hoạt động sản xuất. Nhưng với Tập đoàn TH, một dự án mang tầm chiến lược đã hình thành và thường xuyên được Chủ tịch Tập đoàn tới thăm, kiểm tra động viên. Bên cạnh đó còn có các bạn hàng, các đối tác đến để chứng kiến, trải nghiệm, hợp tác phát triển.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, tổng giá trị thị trường dược liệu trên thế giới hiện ước đạt 120 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm 10-12%, Ngân hàng Thế giới dự báo đến năm 2050 tổng giá trị thị trường dược liệu sẽ là 5.000 tỷ USD. Xu hướng của thế giới hiện nay là phòng bệnh hơn chữa bệnh và các sản phẩm chức năng có tiềm năng rất lớn để tiêu thụ. Chính vì vậy các thực phẩm chức năng có nguồn gốc rõ ràng, chiết xuất từ thiên nhiên rất có giá trị. Những dược liệu quý của Việt Nam đang được bảo tồn và phát triển như sâm ngọc linh, sâm Puxailaileng, đẳng sâm, lan thạch hộc tía… sẽ có giá trị kinh tế lớn.

Vườn tía tô tại Mường Lống.
Vườn tía tô tại Mường Lống.

Chia tay Kỳ Sơn với những núi đồi chập chùng quấn quýt, những rừng đào rừng mận đang say sưa cho một mùa hoa mới, một niềm vui rộn rã trong lòng về một hướng đi mới cho miền Tây đó là dược liệu dưới tán rừng và ở đó hãy còn nhiều gian khó nhưng cũng như những dự án do Tập đoàn TH dẫn dắt, hướng đi này luôn có tính sứ mệnh, bền vững, phụng sự cho nền kinh tế xanh và sức khỏe con người.