Độc đáo lễ truyền nghề của thầy mo người Thái Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những người làm nghề mo ở vùng cao cũng có “thầy” của mình. Sau một thời gian được hướng dẫn, người học trò sẽ được thầy làm lễ truyền nghề và trở thành thầy mo thực thụ.
Từ nhiều năm trở lại đây, thầy mo trở thành một thứ nghề, dù không hẳn là chỉ để kiếm sống của những người cao tuổi ở Nghệ An Ảnh : Hữu Vi
Thầy mo Vi Minh Châu làm lễ truyền nghề cho học trò. Ảnh: Hữu Vi

Đến xóm 1 xã Nghĩa Đức huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vào ngày 28/2/2019 chúng tôi chứng kiến một buổi lễ tâm linh khá lạ. Ông Lộc Văn Bành, cư dân của xóm người Thái này mời thầy học của mình để được làm lễ truyền nghề mo.

Trước đó một ngày, ông Bành đã cho đón thầy của mình để hầu hạ tiệc tùng. Gia đình còn mổ lợn, gà, biện gần chục mâm cỗ để mời họ hàng nội ngoại về ăn tiệc, chứng kiến thầy mo Bành hết thời gian học việc.

60 tuổi, ông Bành đã theo học nghề mo 3 năm nay. “Pó khù” (thầy – tiếng Thái) của ông là thầy mo Vi Minh Châu 73 tuổi, ở xã Nghĩa Hội, cùng huyện Nghĩa Đàn. Từ khi học nghề, ông thường xuyên theo các buổi hành lễ của thầy để học hỏi. Khi đã thông thuộc hết các bài cúng, cách làm lễ của một thầy mo thực thụ, ông Bành được làm lễ truyền nghề.

Ông Lộc Văn Bành (trái) là học trò thứ 14 của ông Châu Ảnh : Hữu Vi
Ông Lộc Văn Bành là học trò thứ 14 của ông Châu Ảnh: Hữu Vi

Vào sáng sớm, buổi lễ đã bắt đầu. Thầy mo Vi Minh Châu sửa soạn một mâm lễ gồm trầu, cau, gạo, trứng, sáp nến và 4 chén rượu. Trong đó một chén rượu để mời linh hồn người thầy của ông về uống. Những chén còn lại dành cho “pó khù” của người truyền dạy cho ông và các vị thầy trước đó. Ông Bành là thế hệ học trò thứ 6 và về sau mỗi khi hành nghề phải mang theo 5 chiếc chén cho những người thầy thuộc thế hệ trước của mình.

Những lễ vật thầy mo Châu mang
Những lễ vật thầy mo Châu mang "lên trời" xin các thần linh về nhận mặt học trò của mình. Ảnh: Xuân Thủy

Xong đâu đấy, ông Châu bắt đầu “chuyến đi lên trời” xin với các then (chỉ tên gọi các thần linh theo quan niệm của người Thái) công nhận cho ông Bành làm thầy mo. Theo quan niệm của người Thái ở Nghĩa Đàn thì sau khi được Then công nhận, thầy mo mới được phép làm lễ.

Cũng theo quan niệm này thì nếu mới chỉ thuộc bài mà chưa được “cấp bằng” mà người làm nghề vẫn hành lễ sẽ dễ dẫn đến những tai ách do các then giáng xuống.

Gọi là đi lên trời nhưng thật ra đó là một bài cúng vãn cảnh cõi nhân gian, qua các địa danh như đền Chín Gian, Tri Lễ (Quế Phong) rồi qua Mường Ca Da (thanh Hóa) và đi lên Mường trời và Mường then. Từ miêu tả qua bài cúng của thầy mo, người xem có thể có được một bức tranh giàu tính ước lệ về nhân gian cũng như cõi tâm linh.

Sau khi đến Mường then, thầy mo gặp Pò Then (Ông Trời) và thưa chuyện. Sau khi tung đồng xu để hỏi xem các then đã đồng ý hay chưa, ông cùng với 9 vị then khác xuống ăn mừng và nhận mặt thầy mo mới. Từ đó ông Bành có thể làm những lễ như cúng, trừ tà ma, đưa linh hồn người chết về cõi Trời…

Những lễ vật các Then sẽ mang về sau khi đã nhận mặt thầy mo mới Ảnh Xuân Thủy
Những lễ vật các Then sẽ mang về sau khi đã nhận mặt thầy mo mới. Ảnh: Xuân Thủy

Lúc này, một mâm lễ khác gồm gà, lợn nguyên con, vải vóc, trầu, cau, rượu được bày ra để cho các then ăn tiệc và mang về trời.

Sau lễ cúng, thầy thường trao cho trò một chiếc khăn làm phép, một cây kiếm. Sau đó một chiếc bàn thờ nghề mo sẽ được đặt cạnh bàn thờ tổ tiên.

Với nghi lễ này, ông Vi Minh Châu phải ngồi cúng từ sáng sớm đến khoảng 3 giờ chiều. Đây cũng là nghi lễ hiếm gặp bởi ngày nay, người theo “nghề” này không còn nhiều. Tuy nhiên, ông Châu chia sẻ bản thân đã làm nghề mo trên 20 năm nay và ông Bành là học trò thứ 14 của mình.

Tin mới