Độc đáo mâm cỗ Tết của người Thổ

(Baonghean.vn) - Đồng bào dân tộc Thổ khu vực miền Tây Nghệ An có truyền thống ăn tết từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch.
Người Thổ ở huyện Tân Kỳ cúng trong đêm giao thừa. Ảnh: Quốc Phòng
Người Thổ ở huyện Tân Kỳ cúng trong đêm giao thừa. Ảnh: Quốc Phòng
Dân tộc Thổ ở miền Tây Nghệ An được biết đến với lối sống hòa đồng, quan niệm sống khá giản đơn, không cầu kì. Vì vậy, người Thổ bắt nhịp nhanh với cuộc sống mới, có sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng lân cận. Tuy nhiên, ngày tết truyền thống vẫn giữ được những màu sắc văn hóa riêng biệt.
Mâm cúng giao thừa của người Thổ trong ngày tết. Ảnh: Quốc Phòng
Mâm cúng giao thừa của người Thổ trong ngày tết. Ảnh: Quốc Phòng 

Đến vui Tết với người Thổ, ta được sống trong không gian của lễ hội truyền thống, lễ gắn liền với những phong tục thờ cúng tổ tiên và thần thánh, hội gắn với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng mình.

Nói về phong tục thờ cúng của người Thổ, sắc màu văn hóa đặc trưng nhất hiện diện rõ trong mâm cơm cúng giao thừa. Chiều 30 tết, gia chủ làm mâm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về ăn tết, sau đó con cháu quây quần trong nhà chuẩn bị cho mâm cúng vào thời khắc giao thừa.

Trên mâm cơm cúng giao thừa của người Thổ chủ yếu là các loại bánh. Bánh chưng không thể thiếu và có điểm khác biệt với bánh chưng người Kinh là nhỏ hơn nhưng số lượng bánh phải nhiều, mỗi lần cúng nguyên chiếc, sau khi cúng mới cắt bánh cho con cháu cùng thưởng thức.

Người Thổ vui trò đánh đu. Ảnh: Hồ Phương
Người Thổ vui trò đánh đu. Ảnh: Hồ Phương

Ngoài ra, không thể thiếu là các món bánh hoặc chè được chế biến từ mật. Bánh ong là sự hòa quyện giữa chất bùi của lạc, vị dẻo của nếp rẫy, vị cay của gừng già . Bánh ít là sự giao hòa giữa bột nếp, nhân đỗ và mùi thơm lá chuối. Bánh ngào là sự quyện sánh giữa nước mật sền sệt với vị thơm dẻo của nếp, gừng.

Bên cạnh các loại bánh là chè nấu từ mật. Chè đỗ với ước vọng con cháu học hành thi cử thành công, làm ăn phát đạt. Chè bí đỏ với mong ước mọi thành viên trong  gia đình cả năm sức khỏe dồi dào. Chè nếp với mong mỏi một vụ mùa bội thu, no đủ…Tất cả đều mang vị ngọt ngào, đậm đà của mật mía.

Theo ông Lang Văn Liên, một người già bản Nam Sơn, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kì thì mật mía tượng trưng cho tinh hoa của trời đất, giờ khắc giao thừa là giây phút thiêng liêng, việc dâng lên tổ tiên những lễ vật làm từ mật thể hiện lòng thành kính, biết ơn và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới.

Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, người Thổ rất coi trọng các hoạt động vui chơi lành mạnh trong ngày tết. Đêm 30 tết, trai làng gái bản tổ chức đốt lửa trại, hân hoan bên chóe rượu cần. Trước nhà văn hóa mỗi bản, người dân dựng cây đu để trẻ em và thanh niên cùng nhau vui chơi trong những ngày tết.

Một hoạt động văn hóa không thể thiếu là lễ hội cồng chiêng được tổ chức vào ngày mồng 2 tết. Trong nhà văn hóa cộng đồng, người già đánh cồng chiêng nhảy múa, thanh niên thi hát giao duyên trong trang phục truyền thống của đồng bào mình.

Vui cồng chiêng của người đồng bào Thổ ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Hồ Phương
Vui cồng chiêng của đồng bào Thổ ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Hồ Phương
Ngày nay, dưới sự tác động của nhiều luồng văn hóa mới vào cộng đồng, một số phong tục tập quán cũ của người Thổ đã dần phai nhạt theo năm tháng. Nhưng người dân vẫn luôn đề cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Chính những nét riêng biệt trong văn hóa đã làm ấm lòng cho những người con xa xứ khi được về quê ăn tết với bản làng, ông Liên cho biết thêm.

Tin mới