Độc đáo nghề nấu rượu siêu men của đồng bào Thái ở Con Cuông

(Baonghean.vn)- Đối với đồng bào Thái ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông nghề nấu rượu siêu men lá không biết đã có từ bao giờ, nhưng đến nay vẫn giữ được những bí quyết riêng để tạo nên hương vị đặc biệt.

Bà Lang Thị Thân, bản Phục, xã Đôn Phục chặt các loại cây rừng để làm men rượu
Bà Lang Thị Thân, bản Phục, xã Đôn Phục chặt các loại cây rừng để làm men rượu

Để siêu được một nồi rượu men lá, nguyên liệu đầu tiên quan trọng nhất trong tất cả các nguyên liệu để tạo nên hương vị đặc trưng của rượu đó là men rượu.

Men để nấu rượu của người Thái nơi đây được chế biến từ các loại cây rừng như: sa nhân, cao khỉ, mẫu thán, trinh nữ… Kỹ thuật làm men cũng đòi hỏi nhiều công phu. Theo Bà Bà Lang Thị Thân ở bản Phục, xã Đôn Phục, người có thâm niên trong nấu riệu siêu men lá thì mỗi loại lá rừng để làm men đều là những vị thuốc với các công dụng như: giải độc, giải nhiệt.

Men rượu sau 5-7 ngày  đã khô thành từng viên.
Men rượu đượt vắt thanh viên phơi khô 

Các loại lá rừng sau khi lấy về sẽ được tách phần lá và phần thân cây riêng ra. Phần lá sẽ được phơi khô giã nhỏ trộn với bột nếp, vỏ trấu hông chín. Còn phần thân cây được chặt nhỏ, phơi khô rồi đem chưng cất, lấy nước trộn với hỗn hợp trên rồi vắt thành từng viên men, sau 5-7 ngày khi viên men đã khô, nhẹ thì dùng được.

Gạo nấu cơm rượu và ủ men được chọn nấu rượu là gạo nếp, được đem vò sạch rồi cho vào hông, sau khi hông chín, để nguội, trộn với men, cho vào chum ủ từ 7-10 ngày. Sau đó cho vào hông rồi chưng cất thành rượu.

Với quy trình nấu phải trải qua một thời gian dài và công phu nên rượu siêu của đồng bào Thái Đôn Phục khi uống có hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương lá rừng nên rất dịu, êm ái, không gây đau đầu sau khi uống. 

Siêu rượu của đồng bào Thái ở bản Phục, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông
Siêu rượu của đồng bào Thái ở bản Phục, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông

Để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, hiện nay ở Đôn Phục đã thành lập 3 tổ nấu rượu siêu. Mỗi tổ có 4 thành viên do bà Lang Thị Thân làm tổ trưởng. Bà Thân cho biết, với 10 kg gạo nếp sẽ “siêu” được 13 lít rượu. Bình quân, mỗi tháng, mỗi thành viên trong tổ nấu được 1,5 tạ gạo, chi phí tiền men, gạo mất gần 3 triệu đồng. Với giá bán trung bình 40.000 đồng/lít thì hàng tháng mỗi hội viên trong tổ cũng có nguồn thu trên 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều bà Thân cũng như các thành viên ở đây mong muốn là chính quyền địa phương quan tâm để duy trì và phát triển nghề nấu rượu truyền thống của đồng bào Thái nơi đây.

Minh Hạnh 

(Đài Con Cuông)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới