Độc đáo nuôi vịt chạy đồng

(Baonghean.vn) - Nuôi vịt chạy đồng sau khi thu hoạch lúa dã trở thành nghề của nhiều nông dân Nghi Lộc. Nghề tuy vất vả song lợi nhuận khá cao.

Ông Chu Văn Tiến ở xóm 4, xã Nghi Phương mở trang trại nuôi vịt quanh năm. Ngoài nuôi vịt nhốt, mỗi năm cứ đến kỳ lúa xuân, lúa hè thu mùa gần thu hoạch, ông lại chuẩn bị vài ngàn con vịt giống để nuôi vịt chạy đồng. Ông Tiến cho biết: Nuôi vịt chạy đồng tuy tốn công hơn nhưng bù lại, vịt sẽ tự kiếm thức ăn, tiết giảm chi phí đầu vào và có lãi cao.

 Khi lúa xuân được thu hoạch xong và nước được bơm vào ruộng phục vụ làm đất cho vụ lúa tiếp theo, ông Tiến cho vịt rời trại, bắt đầu giai đoạn nuôi vịt chạy đồng.
Khi lúa xuân được thu hoạch xong và nước được bơm vào ruộng phục vụ làm đất cho vụ lúa tiếp theo, ông Tiến cho vịt rời trại, bắt đầu nuôi vịt chạy đồng.

Không những ông Tiến mà bất kỳ ai đã chăn nuôi vịt đàn đều không bỏ lỡ cơ hội này. Ở các xã vùng lúa của Nghi Lộc, địa phương nào cũng có mươi lăm hộ dân nuôi vịt chạy đồng. Tùy khả năng từng nhà, mỗi đàn vịt chạy đồng có quy mô từ năm trăm đến vài ngàn con. Khi cây lúa vào giai đoạn làm đòng, các hộ gia đình mua vịt giống một ngày tuổi về nuôi. 

Để có đàn vịt khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp, bà con thường đặt mua vịt giống đã được kiểm dịch tại các cơ sở có uy tín. Giai đoạn đầu, vịt được nuôi nhốt, cho ăn bằng cám tổng hợp để vịt lớn nhanh. Đến khi chuẩn bị thả đồng, vịt được cho ăn lúa, ngô, được phòng các bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng. Trước khi thả đồng, vịt được chăm sóc tốt, có sức khỏe để tìm kiếm được nhiều thức ăn và di chuyển qua các cánh đồng với quãng đường có khi dài tới năm sáu cây số.

Vịt lớn nhanh khi được thả ăn trên đồng lúa sau gặt.
Vịt lớn nhanh khi được thả ăn trên đồng lúa sau gặt.

Tập tính của vịt là phải có môi trường nước. Do vậy, về mùa này nước ruộng bơm đến đâu, vịt được thả đến đó. Thức ăn chủ yếu của vịt là lúa rơi vãi. Ruộng nào gặt bằng máy cơ giới thì thức ăn này càng nhiều.

Anh Nguyễn Đình Thái – Cán bộ khuyến nông xã Nghi Phương cho biết: Nhờ có vịt chạy đồng, lúa rơi vãi được dọn sạch. Nếu không, số lúa này sẽ nảy mầm và phát triển rất tốt mà không có bông, chen lấn làm ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như năng suất lúa vụ sau. Các động vật gây hại cho lúa như cua, ốc bươu vàng, cào cào, bọ rầy cũng được vịt chạy đồng tận diệt.

Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc.  Trong đó, bún vịt là món hấp dẫn đối với nhiều người trong những ngày nắng nóng.
Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Trong đó, bún vịt là món hấp dẫn đối với nhiều người trong những ngày nắng nóng.

Trong một tháng được thả trên đồng, vịt hoàn toàn tự kiếm thức ăn mà người nuôi không phải bổ sung thêm thức ăn khác. Do vịt được ăn hoàn toàn bằng thóc rơi và các động vật trên ruộng nên thịt săn và ngọt, chất lượng hơn hẳn so với vịt nuôi bằng cám tổng hợp. Bởi vậy, vịt chạy đồng được người tiêu dùng ưa chuộng. Cuối vụ nuôi, phần lớn số vịt này được thương lái đến mua tại ruộng về nhập cho các nhà hàng.

Theo bà con nông dân, với giá vịt thịt 38.000 đồng/kg thì 1.000 con vịt chạy đồng, sau hai tháng nuôi, trừ hao hụt, tiền giống, thức ăn giai đoạn đầu, người nuôi thu lãi xấp xỉ 40 triệu đồng. Đây con số khá hấp dẫn đối với bà con nông dân.

                                                                               Nhật Tuấn

                                                                               Đài Nghi Lộc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới