Độc đáo trò chơi gọi nàng tiên trăng của đồng bào Thái xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - 3 nàng tiên là chị em trong một gia đình trên cung trăng thay phiên nhau xuống hạ giới  rong chơi suốt 3 đêm liền, là nội dung trong một trò chơi dân gian của người Thái. 

Xem người dân bản Bón chơi trò nàng tiên trăng:

Bản Bón, xã Yên Na (huyện Tương Dương) vào một đêm tháng 5, trời có trăng, dân bản tổ chức trò chơi dân gian gọi là “Tạ nang xòng” (gọi nàng tiên trăng). Từ chiều người ta đã truyền tin cho nhau nên trai gái, già trẻ rủ nhau đi xem, chẳng khác nào khi bản có hội diễn văn nghệ. Thật hiếm có một trò chơi dân gian nào lại cuốn hút đến vậy. 

Bản Bón là một cộng đồng người Thái có gần trăm nóc nhà. Cư dân nơi đây sinh sống lâu đời bên dòng suối Chà Hạ chảy từ xã Yên Tĩnh qua các xã Yên Na và Yên Hòa (huyện Tương Dương). Cư dân nơi đây từ lâu đã biết canh tác lúa nước và đãi vàng dọc suối. Những ngôi nhà sàn được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Mỗi nhà đều có một khoảng vườn liền kề nhỏ để trồng cây lưu niên và thả gia cầm, gia súc. Tối đến, những căn nhà sàn ẩn mình dưới rặng cây nom vừa gần gũi vừa huyền bí dưới ánh trăng. Trò chơi Gọi nàng trăng diễn ra trong không gian như thế.

Xong bữa tối cũng là lúc trăng lên, khoảng 40 người dự khán và nhóm tổ chức trò chơi đã tề tựu về nơi đã định. Trên khoảng sân rộng rãi nhất bản cũng là nơi đặt địa điểm nhà văn hóa cộng đồng và sân bóng chuyền thường chỉ nhộn nhịp vào buổi chiều tối, nhưng đêm nay chợt đông vui, náo nhiệt lạ thường. Mọi người đứng vây quanh một tốp phụ nữ gồm 6 người ngồi quây quần với nhau. Họ cùng nhau nâng trên cả hai tay một chiếc hình nộm đang lắc lư không ngớt. Chiếc hình nộm được gọi là “nàng tiên trăng”.

Hình tượng nàng tiên trăng ngồi giữa, xung quanh là những người chơi. Trò chơi này thường được bà con bản Bón tổ chức vào những đêm trăng sáng. Ảnh: Hữu Vi
Hình tượng nàng tiên trăng ngồi giữa, xung quanh là những người chơi. Trò chơi này thường được bà con bản Bón tổ chức vào những đêm trăng sáng. Ảnh: Hữu Vi

Từ xa, cách đó hàng trăm mét người ta đã có thể nghe thấy tiếng hát gọi nàng trăng. Lời hát rằng: Này này nàng tiên Trăng/Nàng tiên sáng nàng tiên trong/ Múa trong tà áo mềm mại/ Mẹ của nàng múa trên chòi rẫy người kìa/ Mẹ của nàng múa trên chòi canh ruộng người đó/ Con trai mong nàng lắm/ Con gái mơ thấy hằng đêm/ Đêm nay đêm sáng tỏ/ Đêm mai đêm sáng trong/ Trắng như trái trứng bóc/ Trắng như gạo vừa giã...

Lời hát được nhóm chơi xướng lên sau đó đám trai gái lặp lại. Đôi khi các nhóm trai gái dự khán thay phiên nhau tiếp nối lời xướng. Một lúc sau hình nộm nàng tiên bắt đầu nhảy múa trên tay của tốp người điều khiển. “Nàng” gõ cánh tay được làm bằng một chiếc gậy tre xuống hai bên mỗi lúc một nhanh. Các “mế” bảo nhau: Vậy là nàng trăng đã xuống chơi cùng dân bản. Một người trong nhóm chơi hỏi : “Nàng ơi, tôi hỏi cái nào. Nàng đến từ đâu ạ?” Sau một hồi lâu lưỡng lự, chiếc hình nộm quay một cánh tay hướng về phía mặt trăng. Mọi người cùng reo hò: Ồ, vậy đúng là nàng tiên Trăng rồi. Một người khác trong nhóm  chơi lại hỏi : Cô là ai? Nếu là nàng Cả gõ một cái, nàng Hai thi 2 cái, nàng Út thì 3 cái nhé.” Nàng tiên liền ngiêng người gõ cánh tay xuống đất 3 cái. Sau đó “nàng” lại nhảy múa và tiếp tục gõ cộp cộp hai cánh tay xuống mặt sân. Có người trêu đùa: “Đúng là nàng Út, còn trẻ, múa nhiệt tình quá.”

Một người khác trong nhóm điều khiển cuộc chơi chợt bảo: “Này, múa vừa thôi, đứng lại tôi hỏi cái này? Trong nhóm chúng tôi cô thương ai nhất thì cụng đầu với người ấy nhé.”  Nàng tiên Trăng lập tức thể hiện tình cảm bằng cách cụng đầu với một bà cụ khả kính nhất hội chơi.

Những cuộc hỏi đáp cứ thế diễn ra cho đến gần nửa đêm. Có người hỏi xem năm nay mẹ mình có khỏi bệnh không? Người lại hỏi bao giờ thì mình lập gia đình? Năm nay làng bản có được yên vui không?... Nàng tiên Trăng trả lời bằng cách đứng yên nghĩa là người mẹ sẽ chưa thể khỏi bệnh hoặc gõ một cái xuống mặt sân nghĩa là: “Cụ nhà sẽ tai qua nạn khỏi thôi.” Hoặc là: Bản mình năm nay sẽ được mùa.” Cứ thế người ta có thể suy đoán câu trả lời của nàng tiên Trăng qua số lần gõ xuống mặt sân. Có anh chàng tinh nghịch nọ còn yêu câu nàng tiên trăng ngừng nhảy múa để “thơm” vào trán một cái.

Cuộc chơi cứ vậy kéo dài cho đến lúc nàng tiên trăng diễn hết các trò và người dự khán  cũng vãn dần, nhóm tổ chức hát bài tiễn nàng trăng về trời. Lời hát như sau: "Nàng đến cùng sương thì đi cùng sương nhé/ Nàng đến cùng mưa thì về với mưa gió rì rào/ Về với mây và gió núi/ Đừng đem theo hồn vía người về đồi cát/ Đừng gọi vía người theo gấu áo/ Đừng gọi vía cả bản cùng nàng về nhé"… Ngừng lời hát, nàng tiên trăng ngừng nhảy múa rồi chỉ lắc lư một lúc thì nín bặt. Người chơi bảo: Vậy là nàng đã về trời rồi.

Bà mế Vi Thị Giang, một trong 6 người cầm trịch trò chơi chia sẻ rằng: Trò chơi này thường chỉ tổ chức vào những dịp trăng sáng nhất trong năm, thường là từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Trò chơi một khi đã tổ chức là phải liên tục 3 ngày liền. “Hôm nay gọi nàng Út thì 2 ngày sau phải gọi hết lần lượt từng nàng tiên trăng. Cách tổ chức và các bài hát xướng thì nội dung như nhau.

Cuộc vui đã tàn nhưng ai nấy đều háo hức chờ những đêm sau. Đêm trăng thực sự tuyệt diệu khi có nàng tiên đến từ mường trời. Ai cũng biết rằng đó chỉ là một trò chơi nhưng chính vì những điều lý thú và gần gũi với tập quán sinh hoạt của cộng đồng nên vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Hữu Vi – Lô May Hằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới