Đội đặc nhiệm nhà tầng Quang Trung

(Baonghean.vn) - Những thập niên 70, 80, truyện 'Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt' của tác giả Phạm Thắng viết về một tổ chức thiếu niên thuộc Công an Quận 6 - Công an Tp Hà Nội giai đoạn 1946-1948 rất nổi tiếng. Khi ấy, khu Quang Trung cũng có một đội thiếu niên mang tên...Bát Nhựa.

Những đứa trẻ nhà tầng Quang Trung bây giờ. Ảnh: Thành Cường
Những đứa trẻ nhà tầng Quang Trung bây giờ. Ảnh: Thành Cường

Tôi còn nhớ, một buổi chiều bác tổ trưởng dân phố báo cho lũ trẻ chúng tôi, tối nay sẽ có chú công an đến giao nhiệm vụ cho nhóm “đặc nhiệm Quang Trung”. Địa điểm họp chính là chiếc cầu trượt ở giữa khu A Quang Trung (chắc là để khỏi lộ bí mật ?!!). Gần 40 năm về sau, tôi vẫn nhớ như in chú Trinh công an, có nốt ruồi giống diễn viên Thương Tín, bận chiếc áo cảnh phục màu vàng, đầu đội chiếc mũ cối cũng màu vàng nốt. 

- Hôm nay, chú mời các cháu đến để thành lập đội “đặc nhiệm thiếu nhi” Quang Trung. Chú bắt đầu câu chuyện.

Tôi nhìn quanh, ngoài những thằng bạn Quang “đại”, Dũng “Quang”, Hoàng “đen”, Nghĩa “cừu” còn có bọn Ngọc “Đa”, Thắng “béo” bên nhà A2, chừng đâu hơn chục đứa trạc tuổi nhau. Đứa nào cũng sướng rơn khi được các chú công an mời tham gia “đội đặc nhiệm” với những nhiệm vụ vô cùng vẻ vang: xem chừng kẻ gian vào các khu nhà A5, A6 sắp hoàn thiện ăn cắp thiết bị, tìm kẻ nghi vấn ăn trộm xe đạp dưới tầng trệt, chống mất cắp xi măng, sắt thép các khu nhà B1, B2 đang xây… Chú Trinh phát cho mỗi đứa một chiếc băng đỏ, có dòng chữ “Thiếu niên xung kích Quang Trung”, oách phải biết.

Bức ảnh tư liệu
Bức ảnh tư liệu "quý giá" có mặt một số thành viên của "đội đặc nhiệm Bát nhựa". Ảnh: N@T

Tôi thỏ thẻ:

- Chúng cháu xin chú cho đặt tên đội là “Đội thiếu niên Bát Nhựa” được không ạ?

- Tại sao lại là “Bát Nhựa”? Chú ngạc nhiên hỏi.

Tôi mới kể cho chú nghe về đội thiếu niên tình báo Bát Sắt - một tổ chức thiếu niên thuộc Công an Quận 6 - Công an Tp Hà Nội giai đoạn 1946-1948 (sau này đội được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). "Ngày xưa, các bạn ấy dùng bát sắt, còn chúng cháu nhà toàn bát nhựa, nên lấy cái tên này cho tiện". Chú nghe xong vui vẻ đồng ý, chỉ dặn là phải bí mật, không được để lộ cho bất cứ ai nhiệm vụ này, kể cả người thân. Chúng tôi đứa nào đứa nấy sướng ngất ngây.

Nhớ đến lời dặn này nên phải gần 40 năm sau, khi thời hiệu bảo mật đã hết, tôi mới có dịp công bố “chuyện mật động trời” về một đội “đặc nhiệm thiếu niên” được thành lập bằng “quyết định miệng” thời ấy.

Hàng tuần, chú Trinh gặp chúng tôi một lượt để nghe báo cáo tình hình. Có lần sau khi báo cáo tình trạng công nhân ăn trộm thép khi xây nhà B1, cả đội được thưởng 6 vé xem phim rại Rạp 12-9. Thỉnh thoảng, khi rảnh rỗi đêm trăng, chú kéo cả đội ra sân Cầu trượt tập võ, chúng tôi háo hức hàng tuần liền và trông chờ được gặp "chỉ huy".

Sau này, tôi được giao nhiệm vụ tổng hợp tin tức, chép vào một mảnh giấy kê dưới viên đá, đặt vào “hộp thư chết” dưới cái cầu trượt. Mật thư được viết dạng: tuần này, đầu hồi A2 có một nhóm đêm nào cũng tụ tập khuya, nhà A6 bị tháo 5 cái chuông điện, có người nước ngoài hay đến phòng xyz...Chú Trinh đi ngang qua sẽ đến điểm quy ước để nhận “mật thư” và để lại “chỉ thị mật” cho đội, khỏi phải leo các tầng tìm gặp bọn tôi.

Mải làm nhiệm vụ, có đội viên để em ở nhà khóc khản cả cổ nên bị mẹ đánh đòn. Ảnh minh hoạ: Thành Cường
Mải làm nhiệm vụ, có đội viên để em ở nhà khóc khản cả cổ nên bị mẹ đánh đòn. Ảnh minh hoạ: Thành Cường

Có đợt, để chống cháy vào mùa hanh khô, thành phố ban hành lệnh cấm các gia đình nấu ăn buổi trưa. Đội “đặc nhiệm Bát Nhựa” dưới sự chỉ đạo của chú Trinh, tay đeo băng đỏ, đi vào từng nhà kiểm tra, nhắc nhở. Khi đó, mặt chúng tôi vênh hơn chiếc bánh đa. Có bận, mải theo đội đi kiểm tra, tôi khoá cửa ngoài bỏ 2 đứa em ở nhà khóc khản cả cổ, mẹ về phát hiện đánh cho tôi quắn cả đít.

Quang Trung, với muôn sắc màu như thế đã theo tôi cùng năm tháng. Mong sao, có một lần những đội viên đội “đặc nhiệm Bát Nhựa” ngày ấy có dịp ngồi lại bên nhau, ôn cổ tri tân. Được thế, vui phải biết!

N@T

TIN LIÊN QUAN

Tin mới