Dồi dào nguồn cung thịt lợn "đặc sản" phục vụ tết

(Baonghean.vn) - Càng gần tết Nguyên đán,  nhu cầu mua lợn rừng, lợn nít càng tăng cao. Nhiều trang trại, gia trại và người dân trên địa bàn tỉnh đang chăm sóc đàn lợn “đặc sản” để cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng.

Lợn rừng giống Malaixi
Lợn rừng giống Malaysia của trang trại chị Nguyễn Thị Kim Tiến, Phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa chuẩn bị bán phục vụ thị trường Tết.

Đến thời điểm này trang trại của chị Nguyễn Thị Kim Tiến là trang trại nuôi lợn rừng quy mô nhất của cả tuyến đường miền tây Bắc xứ Nghệ. Chị Tiến đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua lưới thép b40 rào trên 1.500 m2, đầu tư hệ thống chuồng trại để nuôi lợn rừng. Trang trại có 30 con lợn nái, mỗi năm sinh sinh sản trên 650 con/2 lứa. Giai đoạn từ tháng 10 dương lịch đến tết nguyên đán là chị Tiến đã chuẩn bị được lợn đặc sản để xuất bán.

dđ
Lợn rừng tại trang trại của chị Nguyễn Thị Kim Tiến được cho ăn rau, cỏ tự nhiên nên chất lượng thịt ngon.

Hiện tại chị vừa bán được 150 con lợn, mỗi con nặng từ 12-15 kg, bán với giá 120.000 đ/kg, chủ yếu các tư thương ở Thanh Hóa vào thu mua. Chị Tiến cho biết thêm: Từ nay đến tết Nguyên đán hiện còn trên 220 con lợn nhưng cũng đã có khách đặt mua hết. Chỉ từ chăn nuôi loại lợn đặc sản trên mà hàng năm mang lại cho chị Nguyễn Thị Kim Tiến doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Được biết cả thị xã Thái Hòa chỉ có duy nhất trang trại lợn rừng của chị Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo chị Tiến thì đầu ra cho lợn dễ tiêu thụ nhưng khó khăn đặt ra hiện nay là trang trại cũng chưa có cơ chế chính sách của Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, chị Tiến đang rất cần vốn vay ưu đãi để nâng cấp chuồng trại.

dd
Ông Nguyễn Như Phúc ở Vĩnh Thành, Đồng Văn, Tân Kỳ chăm sóc đàn lợn rừng giống Thái Lan 

Tại trang trại lợn rừng của ông Nguyễn Như Phúc ở xóm Vĩnh Thành, Đồng Văn, Tân Kỳ, là trang trại đầu tiên nuôi giống lợn rừng Thái Lan. Năm 2010 ông Phúc đã bắt đầu nuôi lợn rừng, thấy đây là nghề hiệu quả nên chúng tôi đã mở rộng, lợi nhuận ban đầu đạt từ 35-40 triệu đồng/năm, so với làm ruộng là thu nhập cao rồi.

Tuy nhiên xem trên các phương tiện thông tin đại chúng giống lợn rừng Thái Lan đạt hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã vào tận TP.Hồ Chí Minh để học hỏi và năm 2013 mua về 8 con lợn rừng trong đó 7 nái, 1 đực đều giống Thái Lan. Mỗi năm 7 lợn nái cho trên 100 con/2 lứa, để phục vụ thị trường tết thì ông Phúc phải “điều chỉnh” các lứa con giống sinh sản sớm hơn.

Dịp này ông Phúc có gần 100 con lợn rừng để phục vụ tết, khoảng từ 15-17 kg/con với giá bình quân 170.000đ/kg, chưa kể là có khoảng trên 20 con lợn nít giống bản địa, tổng thu nhập cả năm đạt trên 300 triệu đồng. Địa bàn Tân Kỳ hiện có trên 25 hộ nuôi theo lợn rừng. Đa số nuôi theo phong trào tự phát, huyện cũng chỉ mới hỗ trợ kinh phí để tập huấn quy trình chăm sóc.

Đàn lợn rừng gia đình ông Tống Văn Chiến ở bản bãi Sở-Tam Quang, Tương Dương đã sắp xuất bán được.
Đàn lợn rừng gia đình ông Tống Văn Chiến ở bản bãi Sở -Tam Quang, Tương Dương sắp xuất bán.

Vào thăm hộ gia đình ông Hồ Viết Minh ở bản Bãi Sở xã Tam Quang, Tương Dương, ông Minh đang cho đàn lợn rừng ăn vui vẻ cho hay: Hiện tại gia đình có 10 lợn mạ, chúng tôi thường “lái” thời gian sinh sản để phục vụ thị trường tết được khoảng trên 50 con lợn. Số lượng lợn phục vụ tết thì khách dưới xuôi đã “đặt hàng” cả tháng nay rồi. Lợn rừng phục vụ cho tết trọng lượng đã đạt trên 12 kg/con, nuôi gần đến tết Nguyên đán đạt 15-16 kg/con. Giá ngày thường thì 120.000 đ/kg, giá giáp tết 150.000 đ/kg. Để có được số lượng đàn lợn trên thì chúng tôi đã phải mất công sức để chọn và phối giống, chăm sóc đúng với kỹ thuật để đàn lợn có chất lượng thịt ngon nhất.

Gg
Lợn rừng đạt trọng lượng khoảng từ 12-15 kg/con là xuất bán.

Nghề nuôi lợn rừng ở Tương Dương phát triển từ những năm 2008, ban đầu chỉ có 2-3 mô hình ở Yên Na, Yên Hòa, đến thời điểm này toàn huyện có trên 40 hộ nuôi lợn rừng quy mô từ 20-80 con. Từ năm 2009 huyện Tương Dương đều có cơ chế chính sách hỗ trợ con giống, chuồng trại lồng ghép từ các nguồn vốn của các dự án như 135, chương trình 30A, tổng mức 350-400 triệu đồng/năm.

Đdđ
Anh Nguyễn Sĩ Hoàn ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai chăm đàn lợn rừng

Có thể nói nuôi lợn rừng là nghề hấp dẫn, lợn dễ nuôi, ít dịch bệnh và thị trường tiêu thụ rộng mở. Việc phát triển nghề chăn nuôi lợn rừng, lợn nít, lợn đen ở các địa phương đang góp phần tạo nên thương hiệu thịt lợn đặc sản của Nghệ An.

Văn Trường

Tin mới