Đôi điều về ý thức 'chung tay'

(Baonghean.vn) - Ở quê, sau bão người dân tự giác dọn dẹp, mọi thứ đều sạch sẽ, gọn gàng. Ở phố, có nơi người dân chung tay thì công nhân môi trường bớt mệt, có nơi họ coi đó là việc của người khác.

Công nhân tranh thủ lúc dọn vệ sinh Khối lượng công việc lớn, nhân viên dọn cây xanh sau bõa số 10 ở đường Lê Mao, TP Vinh chỉ kịp
Khối lượng công việc lớn, nhân viên dọn cây xanh sau bão số 10 ở đường Lê Mao, TP Vinh chỉ kịp "điểm tâm" ngay tại nơi làm việc để kịp trả lại đường thông hè thoáng. Ảnh: Mai Hoàng

Chiều đi ngang phố, đưa cho đứa em bát cơm vừa nấu vì mấy ngày rồi nó ko được ăn cơm. Nó là công nhân công ty môi trường, nên những ngày sau bão, cây ngổn ngang, nó dọn cả ngày đến đêm, ăn ko kịp nhai, nước  cũng tu vội, để làm cho nhanh, cho kịp.

Nó bảo: nhiều chỗ dân ý thức, họ giúp thì mình còn đỡ, nhiều chỗ không ý thức bọn em dọn lâu xong lắm. Nó cười trong veo, những giọt mồ hôi lấm tấm trán, nói cười khanh khách: mệt nhưng vui chị ạ. Rồi mình hỏi: thế đi như này con gửi ai? Giọng nó chùng lại: Dạ, gửi khắp từ ông bà đến hàng xóm, hôm nào về con cũng ngủ, sáng đi thì nó ôm cổ khóc. Gió mưa người ta được bên con, bảo vệ con. Em thì lại phải xa con thương lắm...! Mắt nó ngân ngấn nước, nên mình lại lãng ra chuyện khác.

Những nơi người dân không chung tay tham gia dọn dẹp sau bão, công việc của nhân viên môi trường trở nên hết sức nặng nề. Ảnh: Mai Hoàng
Những nơi người dân không chung tay tham gia dọn dẹp sau bão, công việc của nhân viên môi trường trở nên hết sức nặng nề. Ảnh: Mai Hoàng

Đồng ý là mỗi người một nghề, một nghiệp, phải gánh vác công việc mình chọn và có trách nhiệm với nó. Song, giữ gìn môi trường sống cũng là việc không của riêng ai. Nhiều khi, chúng ta cứ mải mê chăm sóc cái tôi to đùng của mình và rạch ròi quyền lợi, mà quên mất rằng, sự sẽ chia và tự giác giúp đỡ nhau cũng là điều rất cần thiết. Sự tự giác sẽ tốt đẹp hơn, tròn trịa hơn khi làm việc đó, ta tâm niệm như làm cho chính ta.

Nghĩ như vậy, tôi chạy vội về dọn cái mương sát nhà, chặt dọn cây xoan đang rũ xuống, bó thành từng bó gọn ghẽ. Không bao giờ giám tự hào về điều mình nghĩ, hay việc mình làm. Biết tự chăm sóc, tự vun vén, tự lo lắng cho chính những gì đang tồn tại quanh chúng ta, không mong chờ vào ai, cái gì, tổ chức gì,…thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng, nhân văn hơn.

Chỉ nói về phạm vi những ngày bão nổi, nếu chúng ta tự giác với môi trường xung quanh mình sống, ắt sẽ chia sẻ được rất nhiều cho những công nhân công ty môi trường. Cùng với đó là giảm thiểu được các nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường, giảm ùn tắc giao thông. Đó cũng chính là tiết kiệm được rất nhiều công sức lẫn tiền bạc, sức khỏe cho nhiều người, cho chính quê hương mình.

Chị bạn tôi, chỉ vì yêu thích cung đường chị đi thể dục, dù nó ở khá xa nhà mình, chị vẫn xắn quần bê dọn hết những đống cành cây gãy nát sau bão. Chị bảo: làm được là làm, làm nhanh để phục vụ mình, cho công nhân môi trường họ dọn chỗ khác phức tạp hơn. Bởi ngày bão, họ vẫn phải dọn rác sinh hoạt của chúng ta như thường lại còn phải dọn rác sau bão, nhưng lượng nhân công vẫn thế. Và thực tế, trên địa bàn thành phố, có rất nhiều góc phố dân cư rất ý thực về điều đó, song cũng không ít con phố vẫn có ý ỷ lại, chờ cơ quan chức năng đến dọn dẹp, vì họ nghĩ, đó không phải việc của mình.

Bất giác, tôi nhớ về người dân quê tôi, vùng quê, chưa một lần biết đến công ty vệ sinh môi trường, chưa từng chờ chính quyền thúc dục dọn dẹp. Ừ tôi quê Nghệ An, vùng đất luôn là tâm điểm của bão lụt, vùng “năm Nam” (Nam Đàn) biêng biếc những xanh của nương ngô dọc dãi phù sa chạy dọc theo sông Lam, chưa mưa đã ngập, chưa gió đã tả tơi rau, lúa.

Cũng chính vì vậy, cứ hết rằm tháng 7, dân cư vùng năm Nam chúng tôi đã tự lo trước. Đó là, chặt phát hết các cây có nguy cơ đổ gãy, rồi hong chúng lên thành củi. Mọi người tự ý thức khu vực vườn nhà mình, không chờ đợi ai thúc dục. Sau mưa bão, trước cung đường nhà ai, nhà ấy tự dọn sạch, những lát chổi sền sệt trên nền đất cứng hay sục soạc trên vũng bùn nước nhão. Lá rụng được rải ra theo vùng, chờ khô để đốt, cây cành được chặt nhỏ, phơi làm củi.

Tôi cảm thấy, dân tôi luôn tự tin và có chút “thảnh thơi” khi đón bão. Bởi một điều hết sức giản dị, người quê tôi ý thức được môi trường sống công cộng cũng chính là môi trường sống của từng cá nhân, của chính mình.

Mai Hoàng

TIN LIÊN QUAN