Đổi mới giáo dục, trọng trách đặt trên vai các thầy giáo, cô giáo

(Baonghean.vn) - Đề xuất các hoạt động, giải pháp nhằm góp phần giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra tại Hội thảo khoa học Phát triển giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Hội thảo do UBND tỉnh tổ chức vào sáng 27/11, tại thành phố Vinh.

Tham dự hội thảo, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế Xã hội; Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục - Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông cùng đại diện các Vụ, viện, ngành thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo, Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đại biểu đại diện cho các trường đại học, cao đẳng, các sở, ban, ngành và các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh.

 
Hội thảo phát triển giáo dục phổ thông là một dịp để nhìn lại toàn diện về giáo dục Nghệ An và đề ra những giải pháp. Ảnh: Mỹ Hà
Hội thảo phát triển giáo dục phổ thông là dịp để nhìn lại toàn diện về giáo dục Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng miền

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông đã khái quát về những kết quả mà Giáo dục Nghệ An đã đạt được trong những năm qua. Tính đến tháng 5/2018, cả ba cấp học phổ thông trong toàn tỉnh có 710 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 69,8%.

Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Công tác phổ cập giáo dục thu được những thành quả nhất định: Đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS bền vững. Các trường chuyên biệt được quan tâm đầu tư xây dựng và ngày càng hoàn thiện hơn; chất lượng đại trà, mũi nhọn, học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có sự tăng trưởng bền vững, liên tục xếp ở tốp đầu cả nước về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Yên Tĩnh (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, do những đặc thù riêng nên việc phát triển giáo dục ở Nghệ An không đồng đều và còn nhiều khó khăn; quy mô trường lớp còn nhỏ lẻ; chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền; cơ sở vật chất, diện tích, khuôn viên của một số trường chưa đạt so với quy định, trang thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đổi mới giáo dục; năng lực của một số cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế; đội ngũ giáo viên vẫn thừa, thiếu cục bộ, chưa cân đối và đồng bộ về cơ cấu; năng lực đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế.

Giáo dục Nghệ An còn thiếu mô hình trường phổ thông trọng điểm để làm nòng cốt cho việc tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng đổi mới; một số cơ chế chính sách đầu tư công còn dàn trải... Đây cũng là những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở Nghệ An.

Giáo dục phải được ưu tiên đi trước 

Năm học 2018 - 2019 là năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để định hướng chiến lược cho phát triển giáo dục phổ thông ở Nghệ An trong thời gian tới, tại hội thảo lần này, nhiều ý kiến đã được đưa ra. Trong đó, tập trung vào những vấn đề như chiến lược phát triển giáo dục của Nghệ An, về thực hiện chương trình giáo dục mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Qua các tham luận, các tác giả cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những thuận lợi và thách thức của giáo dục Nghệ An hiện nay. Nhiều tác giả đề xuất những giải pháp hay cho công tác quản lý, quản trị nhà trường, đổi mới hình thức, cách thức dạy học và giáo dục học sinh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đặt ra đối với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay.

Giờ học Âm nhạc của học sinh Trường THCS Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học âm nhạc của học sinh Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục Nghệ An trong những năm qua. Đồng chí cho biết, đổi mới giáo dục phổ thông là một xu hướng tất yếu hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải lưu ý nhiều vấn đề, đó là phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, phải ưu tiên đi trước và phải nhận được sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương. Chương trình giáo dục mới chuyển tư duy từ phát triển quy mô sang chú trọng chất lượng. Vì vậy, làm sao để “học tử tế”, không chỉ học mà còn được hoạt động, trải nghiệm.

Chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định, trọng trách lớn nhất đặt lên vai các thầy giáo, cô giáo và đây là nhân tố quan trọng nhất để thành công. Ngoài ra, cần phải bổ sung danh mục thiết bị tối thiểu, muốn có chất lượng phải có điều kiện đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, giáo dục cũng chuyển tư duy từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động. Muốn vậy cần phải đổi mới cách học, đổi mới cách đánh giá, tư duy. Bên cạnh đó, phải xây dựng chương trình địa phương nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh công tác truyền thông.

Trước mắt, đồng chí yêu cầu các trường học trên địa bàn giáo dục Nghệ An cần đổi mới trên chương trình giáo dục hiện hành, đổi mới phương pháp dạy học.

Kết luận hội thảo, đồng chí Lê Minh Thông cũng khẳng định: Phát triển giáo dục phổ thông ở Nghệ An là yêu cầu cấp thiết đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và là tiền đề để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong bối cảnh hiện nay.

Tỉnh cũng đã đưa ra  các nhóm giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo các cấp, đẩy mạnh công tác chuyên môn, công tác quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng các trường phổ thông trọng điểm nhằm từng bước thực hiện các mục tiêu đã đề ra./.

Tin mới