Đổi mới, nhân rộng các mô hình dân vận khéo

(Baonghean) - Thời gian qua, việc gây dựng và nhân rộng hiệu quả các mô hình “dân vận khéo” (DVK) từ tỉnh đến cơ sở đã thực sự góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, củng cố khối đoàn kết trong nhân dân...

Dân vận khéo gắn với thực tiễn 

Xã Diễn Phong là một trong số các địa phương đầu tiên của huyện Diễn Châu về đích nông thôn mới năm 2015. Thành công đó một phần nhờ thông qua xây dựng các mô hình “dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, đã thực sự tác động tích cực đến việc hoàn thành các chỉ tiêu.

Khởi điểm trong 2 năm 2014 - 2015, xã tập trung chỉ đạo các mô hình DVK như vận động nhân dân đóng góp làm đường bê tông, kênh mương, xây dựng nhà văn hóa; làng văn hóa; đảm bảo an ninh trật tự, các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập...

Sau khi về đích nông thôn mới, để nâng cao các tiêu chí, xã triển khai tiếp 3 mô hình DVK, mỗi mô hình gắn với trách nhiệm của các đoàn thể để đảm bảo hiệu quả như công tác vệ sinh môi trường do Hội Phụ nữ đảm nhận; việc xây dựng cánh đồng thu nhập cao do Hội Nông dân chủ trì; công tác đảm bảo an ninh trật tự do Hội Cựu chiến binh đảm nhận...

Vận động nhân dân xây dựng cánh đồng thu nhập cao ở Diễn Phong (Diễn Châu). Ảnh: Minh Chi
Vận động nhân dân xây dựng cánh đồng thu nhập cao ở Diễn Phong (Diễn Châu). Ảnh: Minh Chi

Bên cạnh đó, ở mỗi Chi bộ, tổ dân vận các xóm đều gây dựng mô hình DVK phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra ở từng khu dân cư. Ví như các xóm Dương Đông, Dương Đoài, Đông Tác triển khai mô hình DVK về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn và đồng ruộng; 2 xóm Tây Hồ, Đậu Vinh nằm ở 2 đầu giáp ranh với các xã khác thực hiện mô hình DVK về đảm bảo an ninh trật tự; xóm Nga Nghi, Dương Tiên thực hiện DVK trong xây dựng cánh đồng thu nhập cao...

Đồng chí Dương Bình Chân - quyền Bí thư Đảng ủy xã Diễn Phong khẳng định: Các mô hình DVK được triển khai thời gian qua đều xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như những khó khăn, yếu kém ở từng địa bàn khu dân cư. Bởi vậy, hầu hết mô hình đều được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. 

Nhiều địa phương lựa chon mô hình DVK, vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM. Ảnh: Minh Chi
Nhiều địa phương lựa chọn mô hình DVK, vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM. Ảnh: Minh Chi

Ở xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên), từ DVK trong vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập đã huy động sự đóng góp trong dân đầu tư trở lại cho NTM. Đến nay những vùng sản xuất lúa thấp trũng trở thành vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh; vùng đất cao cưỡng được quy hoạch làm trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp với 30 trang, gia trại. Các diện tích sản xuất lúa thuận lợi được xây dựng thành các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng thu nhập cao, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm. 

Sau khi có Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 06 về đẩy mạnh phong trào “dân vận khéo” và thành lập ban chỉ đạo phong trào DVK ở mỗi cấp.

Từ sự thay đổi trong nhận thức và hành động, phong trào này được triển khai bài bản và rộng khắp từ tỉnh đến khối, xóm, bản, mang tính toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Căn cứ từ thực tiễn, từng huyện, xã, khối, xóm, bản tự lựa chọn mô hình phù hợp thực tế địa phương.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 3.000 mô hình DVK, bình quân mỗi cấp huyện, xã có 2 - 3 mô hình DVK và khoảng 50% số xóm, bản có mô hình DVK. Các mô hình DVK thực sự đã mang lại hiệu quả, không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững trật tự an ninh tại địa bàn mà còn góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, gắn với cải cách hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, công tác điều hành quản lý của chính quyền và chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, góp phần củng cố hệ thống chính trị các cấp, nhất là vùng khó khăn, vùng đặc thù.

Nhân rộng và nâng cao chất lượng mô hình 

Bên cạnh hiệu quả và tác động tích cực từ các mô hình DVK, quá trình triển khai phong trào này ở các cấp hiện vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Bốn - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu cho rằng: “Quan điểm chỉ đạo phong trào DVK là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng thực tiễn đang “nặng” về các mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội mà ít gây dựng mô hình trong khối hành chính sự nghiệp và quốc phòng - an ninh.

Chẳng hạn, việc thực hiện cải cách hành chính là vấn đề lớn và đáng lẽ ra phải triển khai phong trào thi đua rộng khắp từ cấp huyện đến cấp xã, nhưng lại chưa được chỉ đạo quyết liệt và sắc nét. Mặt khác, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, công tác hòa giải..., chưa được lựa chọn để triển khai DVK”. 

Vận động nhân dân xây dựng cánh đồng thu nhập cao ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Minh Chi
Vận động nhân dân xây dựng cánh đồng thu nhập cao ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Minh Chi

Quá trình tìm hiểu thực tiễn, cũng cho thấy một số địa phương đăng ký xây dựng mô hình DVK nhưng chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt, dẫn đến đăng ký, nhưng số lượng đạt các tiêu chí sau khi thẩm định thấp. Nhiều mô hình DVK được triển khai, công nhận nhưng chưa được thẩm định lại.

Một số mô hình DVK tính hiệu quả và bền vững không cao, nhất là công tác vệ sinh môi trường, việc vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mô hình xóm, bản không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xóm, bản không có người sinh con thứ 3...

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình DVK, gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân. Chú trọng đổi mới công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước và các lực lượng vũ trang trong xây dựng mô hình, điển hình DVK để tạo sức lan tỏa sâu, rộng, bền vững... 

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới