Xót lắm, Sa mu...

(Baonghean) - Sa mu đỏ, loại cây có hàng trăm năm tuổi, cao 30 - 40m, đường kính từ 2 - 5m, chu vi gốc cả chục người ôm không xuể được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (hiện chỉ có ở phía Tây Nghệ An). Thế nhưng, từ cuối tháng 6/2015, tại Khoảnh 11, Tiểu khu 59 - vùng rừng giàu nguyên sinh cần phải bảo vệ nghiêm nghặt - Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đã có 3 cây sa mu đỏ bị lâm tặc đốn hạ. Phóng viên Báo Nghệ An cùng các lực lượng chức năng đã đến khu vực rừng bị chặt, cảm nhận về nỗi đau khi tài nguyên rừng quý giá bị phá hoại.
Cây sa mu bị lâm tặc dùng cưa xăng cắt gốc.
Cây sa mu bị lâm tặc dùng cưa xăng cắt gốc.
Thảm cảnh giữa đại ngàn
Thông tin vụ việc lâm tặc đốn hạ 3 cây sa mu đỏ tại Khoảnh 11, Tiểu khu 59 đến với chúng tôi cuối ngày 5/7. Liên lạc với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt để được vào hiện trường, cán bộ nơi đây cho biết sẽ sẵn sàng, tuy nhiên trời liên tục có mưa chiều, trong khi đường vào xa xôi, nhiều khe, suối, đèo dốc đứng, rất khó vào được vùng rừng có 3 cây sa mu đã bị chặt phá.
Rạng sáng 13/7, đoàn chúng tôi gồm cán bộ, kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 517 và Huyện đội Quế Phong lên đường vào Tiểu khu 59. Qua khoảng 25 km, trong đó có trên 14 km đường vành đai biên giới đang thi công lởm chởm đá núi thì đến được bìa rừng. Anh Lê Phùng Diệu, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nhắc mọi người đi xà cạp (một loại tất lớn, dài may bằng vải bố cứng), bôi nước điếu và thuốc muỗi vào áo quần. "Chuẩn bị kỹ vào. Trời xập xìu thế này, rừng nhiều vắt xanh nếu bị đốt không chịu nổi đâu" - anh Diệu nói. 
Hiện trường các cây sa mu bị lâm tặc đốn hạ, cắt xẻ...
Hiện trường các cây sa mu bị lâm tặc đốn hạ, cắt xẻ...
Đường vào Khoảnh 11, Tiểu khu 59 qua liên tiếp nhiều vùng rừng nguyên sinh, có mật độ cây lớn nhỏ dày đặc. Và phải qua nhiều con khe lớn nhỏ, nhiều đèo dốc, có những dốc dựng đứng, trơn trượt và nhiều sên vắt. Dù đã trang bị mọi thứ để chống vắt nhưng không ít người trong đoàn, chốc chốc lại phải dừng chân vì vắt tấn công dưới tóc, hoặc luồn qua khe áo đến tứa máu. Xuất phát ở bìa rừng lúc 7h30, lội suối, trèo núi ròng rã đến 4 giờ đồng hồ, khoảng 11h30, khi ai nấy đều thở dốc thì Lê Văn Nghĩa, cán bộ khoa học Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nói: "Gần đến nơi rồi. Mùi nhựa sa mu thơm nồng lên đấy...".
Thêm khoảng 15 phút vượt dốc, rừng sa mu hiện ra trước mắt chúng tôi thật là kỳ vỹ. Có những cụm 5 cây sa mu, chu vi lớn dăm bảy người ôm, tán rộng, thân vươn thẳng vượt hẳn những loài cây khác tạo nên một ưu thế gần như tuyệt đối trong quần thể thực vật xung quanh. Và chính vì được chứng kiến sự kỳ vỹ đó nên khi đến với cây sa mu đầu tiên bị lâm tặc dùng cưa xăng cắt toang phần gốc thì ai nấy đều hết sức đau lòng.  Cây sa mu này cao khoảng 35 - 40m, đường kính 2,7m, chu vi cả chục người ôm mới xuể. Vì độ dốc cao, thân cây lớn, để hạ cây sa mu, lâm tặc đã dựng lên một giàn giáo xung quanh gốc cây. Đứng trên giáo, chúng sử dụng cưa xăng cỡ lớn phá xung quanh gốc, tạo thành những hốc lớn chui lọt người. Ở các vết cắt, nhựa sa mu trắng tứa ra, vón cục. Anh Lê Phùng Diệu bần thần: "Chỉ ít hôm nữa thôi là cây sẽ chết vì hết nhựa. Đau quá". 
Vượt dốc thêm 20m, chúng tôi đến được điểm 2 cây sa mu khác đã bị đốn hạ. Nhìn cảnh tượng này, mới xót xa thay cho đại ngàn Pù Hoạt. Gốc, thân, cành, dăm gỗ, mạn cưa ngổn ngang rải cả một vùng rộng lớn. Một cây sa mu đã bị lâm tặc cắt lìa làm 4 khoanh lớn. 2 khoanh đã bị chúng xẻ dở dang, có 7 tấm gỗ rộng tới 1,1m, dài 3,3m, dày 0,15m. Chứng kiến khung cảnh này, các thành viên trong đoàn đều chia sẻ sự tức giận đối với những kẻ thủ ác với rừng. 
Xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm
5 đối tượng đốn hạ Sa mu đã bị các lực lượng chức năng phối hợp bắt giữ vào hồi 13h ngày 3/7/2015, gồm: Lữ Văn Đương (SN 1976), Vi Văn Hoài (SN 1979), Vi Văn Bình (SN 1994), Lương Văn Tâm (SN 1975) cùng trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ (Quế Phong); và Cao Minh Quyết (SN 1986), trú tại bản Mường Ham, xã Châu Cường (Quỳ Hợp). Theo anh Mạnh Danh Ngọc, cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Hạnh Dịch (thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt), người trực tiếp tham gia cuộc vây bắt lâm tặc cho biết, từ tháng 8/2014, trạm đã tổ chức tuần tra và phát hiện một đối tượng đang đốn hạ 1 cây sa mu ở Tiểu khu 60. Đối tượng sau đó vứt bỏ cưa xăng trốn thoát nhưng dân quân xã Hạnh Dịnh xác định đó là người Mông (Lào).
Cho đến đầu năm 2015, từ nguồn tin trong nhân dân, trạm nắm được thông tin có nhóm lâm tặc vào vùng rừng nguyên sinh của Hạnh Dịch để chặt sa mu. Cũng từ thời điểm đó cho đến đầu tháng 6/2015, Trạm Bảo vệ rừng xã Hạnh Dịch đã cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 517 (đóng tại xã Hạnh Dịch) thực hiện 12 cuộc tuần tra. Đầu tháng 7, nhận được thông tin từ quần chúng: Tiểu khu 59 đã có lâm tặc xâm nhập! Trạm đã báo cáo với lãnh đạo, sau đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã lên kế hoạch phối hợp với Đồn Biên phòng 517, UBND xã Hạnh Dịch tổ chức truy quét, qua đó đã bắt giữ được 5 kẻ thủ ác sát hại những cây sa mu quý hiếm.
Anh Ngọc kể lại: "Hạnh Dịch có tới 16km đường biên, việc tuần tra hết sức gian khổ. Vì vậy, để phát hiện ra điểm lâm tặc đốn hạ Sa mu không đơn giản. Khi tìm đến được nơi này, chúng tôi xác định, đây là một nhóm có tổ chức quy mô, thể nào chúng cũng dựng lán trại để nghỉ. Bí mật tìm kiếm thì phát hiện ra lán ở trên núi cao cách nơi chúng đốn hạ sa mu gần 200m. Chờ đến giờ chúng cơm nước nghỉ trưa, đoàn công tác gồm 13 người đã bủa vây. Đến hơn 13h thì ập vào bắt giữ được cả ổ nhóm cùng những vật chứng là cưa xăng, động cơ xe máy phân khối lớn và ba lăng xích...".
 
Chỗ lâm tặc dựng lán, có một số cây gỗ lớn đã bị chúng đốn hạ, cắt xẻ lấy ván để ghép chỗ nằm. Nhìn cách thức lâm tặc dựng lán trại, nhìn những cây sa mu bị đốn hạ và  những tấm ván lớn được xẻ giữa rừng, chúng tôi nhận định, đây là những tên lâm tặc chuyên nghiệp, và có tổ chức, có đường dây tiêu thụ. Đồn Biên phòng 517 và Kiểm lâm Pù Hoạt đã bàn giao cả 5 đối tượng cùng tang vật, hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đã khởi tố vụ án; khởi tố bị can và tạm giam các đối tượng. 
Địa điểm những cây sa mu bị đốn hạ sát với đường biên giới Việt - Lào. Ở khu vực này, là vùng rừng giàu nguyên sinh được quy định là bảo vệ nghiêm ngặt, cách xa các bản làng Việt Nam, nhưng gần khu vực dân cư, đường dân sinh nước bạn Lào (khoảng 1.000m). Làm sao những tên lâm tặc ở Mường Phú, Thông Thụ lại dám liều lĩnh như vậy? Nghi vấn đặt ra là đằng sau chúng còn có những đối tượng khác giúp sức. 5 tên lâm tặc chắc chắn sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật, nhưng dư luận mong chờ, các cơ quan chức năng sớm phát hiện những kẻ đứng sau đó và xử lý nghiêm minh, góp phần bảo vệ màu xanh phía đại ngàn miền Tây.
**Xem cận cảnh hiện trường rừng Sa mu bị lâm tặc đốn hạ**
Nhật Lân - Việt Long

Tin mới