Lâm tặc "sát hại" Sa mu: Hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng

(Baonghean.vn) - Theo Khoản 2, Điều 175, tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng được quy định tại Bộ luật Hình sự, các hành vi của các đối tượng đã khai thác trái phép gỗ sa mu là đặc biệt nghiêm trọng - theo cáo trạng của VKSND huyện Quế Phong.

Sau khi chủ tọa phiên tòa thực hiện các bước theo quy định tố tụng, đại diện VKSND huyện đọc bản cáo trạng. Theo đó, cuối tháng 4/2015, Lương Văn Tâm, Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình và Lữ Văn Hùng (cùng trú tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ) rủ nhau sang làm thuê cưa xẻ gỗ cho người dân ở bản Nậm Bống, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Tâm, Hoài, Bình, Hùng góp chung tiền mua 1 máy tời dùng để tời kéo gỗ và 1 ba-răng-xích dùng để nâng, lật gỗ. Sau khi hoàn thành việc cửa xẻ gỗ thuê ở Lào, Tâm, Hoài, Bình, Hùng đem máy tời, ba-răng-xích và 01 lam cưa (của Lương Văn Tâm) cất dấu trong rừng với ý định lần sau sang Lào thuê cưa xẻ gỗ sẽ lấy cho tiện, đỡ công vận chuyển, xong cả bốn người đi về nhà.

Hội đồng xét xử phiên tòa
Hội đồng xét xử phiên tòa - Thẩm phán Võ Thạch Hùng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quế Phong làm chủ tọa
Bên bị hại là BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Bên bị hại là BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Luật sư Nguyễn Thái Quỳnh (Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An) - người sẽ thực hiện bào chữa tại phiên tòa cho các bị cáo
Luật sư Nguyễn Thái Quỳnh (Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An) - người thực hiện bào chữa tại phiên tòa cho các bị cáo

Do biết khu vực rừng giáp ranh biên giới Việt - Lào có nhiều gỗ quý, sáng ngày 23/6/2015, Lương Văn Tâm liền rủ Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình, Lữ Văn Dương và Cao Minh Quyết đi khai thác gỗ trái phép, cưa xẻ làm phản rồi kéo sang bên Lào bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Hoài, Bình, Dương, Quyết đã đồng ý. Các đối tượng thống nhất mỗi người đóng góp 500.000 đồng để mua thức ăn, vật dụng phục vụ cho việc cưa xẻ gỗ và thỏa thuận cứ mỗi bộ phản (gồm 02 tấm gỗ) sau khi bán được Tâm sẽ được hưởng 500.000 đồng vì Tâm là thợ cưa chính, còn Hoài sẽ được hưởng 100.000 đồng vì Hoài có máy cưa, số tiền còn lại sau khi trừ chi phí sẽ chia đều cho cả hội.

Đại diện VKSND huyện, ông Lữ Văn Sơn đọc bản cáo trạng
Đại diện VKSND huyện, ông Lữ Văn Sơn, Phó viện trưởng đọc bản cáo trạng
4 bị cáo bị đưa ra xét xử
4 bị cáo bị đưa ra xét xử

 Sáng ngày 27/6/2015, các đối tượng đi xe máy mang theo máy cưa xăng (của Vi Văn Hoài), vật dụng, thức ăn lên cửa khẩu Thông Thụ làm thủ tục sang Lào. Khi đến bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ (Lào) thì 30 lít xăng, 10 lít dầu thải phục vụ cho việc khai thác gỗ rồi đi tiếp đến bản Nậm Bống thì dừng lại cất dấu xe máy trong rừng rồi đi bộ theo đường rừng ngược trở lại địa phận đất Việt Nam để tìm gỗ khai thác trái phép.

Đến 13h ngày 03/7/2015, các đối tượng bị Tổ tuần tra liên ngành gồm: Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Công an và xã đội Hạnh Dịch, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra tuyến biên giới Việt - Lào phát hiện bắt quả tang.

Tổ công tác thu giữ: 1 máy cưa xăng hiệu Husavama 366 có cả lam cưa dài 80cm và xích cưa; 1 động cơ xe máy hiệu Honda; 01 ba-răng xích hiệu Yamaha (gồm cả móc và xích); 1 lam máy cưa hàn nối 3 mối dài dài 150cm; 4 giấy thông hành thông hành biên giới Việt Nam - Lào mang tên Lương Văn Tâm, Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình, Cao Minh Quyết và 01 giấy xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam- Lào mang tên Lữ Văn Dương.

N
Người dân chăm chú theo dõi phiên tòa

Ngày 5/7/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong đã thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường. Kết quả khám nghiệm xác định hiện trường nơi xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép là khu rừng nằm giữa cột mốc 369 và 370, cách biên giới về phía Việt Nam khoảng 1.500m, thuộc Khoảnh 11, Tiểu khu 59, là vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thuộc địa phận xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.

Hiện trường để lại 03 cây gỗ sa mu bị khai thác trái phép: Cây thứ nhất đường kính gốc 2,7m, chiều cao khoảng 35m, xung quanh gốc cây đã bị cưa 02 vết hở mạch đối diện nhau, cây chưa bị đổ; Cây thứ 2 đường kính gốc 2,3m, đường kính ngọn (dưới cành) là 1,38m, dài 35m. Cây đã bị cưa đổ xuống đất và cắt khúc, cưa xẻ thành ván phản. Cây thứ 3 đường kính gốc 1,8m, đường kính ngọn (dưới cành) là 1,08m, dài 32m. Cây đã bị cưa đổ xuống đất nhưng còn nguyên vẹn, chưa bị cưa xẻ.

Trưng cầu giám định 3 mẫu gỗ từ 03 cây gỗ bị khai thác trái phép, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) kết luận, 3 mẫu gỗ giám định cùng một loại gỗ; có tên là Sa mu dầu. Cây Sa mu dầu được xếp trong "Bảng IIA. Thực vật rừng", Thuộc Nhóm II. Thực vật rừng, động vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại được quy định rõ tại "Danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm" ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ. Cây Sa mu dầu cũng được xếp trong "Phụ lục I. Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Căn cứ vào bản "Lý lịch gỗ tròn" do  Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lập ngày 05/7/2015, tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 235,240 m3. Hội đồng khám nghiệm hiện trường đã lập biên bản giao trách nhiệm cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt bảo quản số gỗ nói trên.

Người dân ngồi tràn ra cả phía ngoài sân nắng
Người dân ngồi tràn ra cả phía ngoài sân để theo dõi phiên tòa

Từ các chứng cứ và tình tiết nêu trên, kết luận các bị can Lương Văn Tâm, Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình, Lữ Văn Dương, Cao Minh Quyết đã có hành vi khai trái phép 235,240m3 gỗ sa mu dầu (03 cây), thuộc "Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Đủ căn cứ để xác định đã phạm tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Bởi các lẽ  trên, quyết định: Truy tố ra trước Toà án nhân dân huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An để xét xử đối với các bị can Lương Văn Tâm, Vi Văn Hoài, Vi Văn Bình, Cao Minh Quyết về tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng" theo quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS.

Điều 175 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;

b) Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 154 của Bộ luật này.

2. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm".

Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin phiên tòa đến bạn đọc.

Nhật Lân - Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới