"Nóng" chuyện cháy nổ

(Baonghean) - Tình hình cháy nổ từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp gia tăng cả số vụ và số thiệt hại. Liên tiếp trong các tháng 2 và 3, nhiều vụ cháy lớn xảy ra ở nhiều địa phương, không chỉ ở các cơ sở chợ, nhà dân mà ngay cả các tàu cá cũng cháy, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và điều quan trọng là việc nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân cần được quan tâm, chú trọng...

Gần đây, tại một số địa phương xảy ra liên tiếp như: TP Vinh 3 vụ, Quỳnh Lưu 5 vụ, TX Hoàng Mai 3 vụ, Nghĩa Đàn 3 vụ. Trong số 5 vụ cháy xảy ra ở Quỳnh Lưu có 2 vụ cháy tàu cá của ngư dân xảy ra vào các ngày mồng 8 và mồng 10/3. Dù công tác chữa cháy và cứu hộ đã được thực hiện khẩn trương và không có thiệt hại nào về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Ảnh hưởng lớn nhất có thể kể đến vụ cháy chợ Hiếu trên địa bàn thị xã Thái Hòa, thiệt hại ước tính khoảng 2,450 tỷ đồng.

Ngôi nhà 2 tầng gia đình anh Nguyễn Đình Tráng ,xóm Thị tứ xã Thịnh Thành huyện Yên Thành bị cháy rụi hoàn toàn
Ngôi nhà 2 tầng gia đình anh Nguyễn Đình Tráng, xã Thịnh Thành huyện Yên Thành bị cháy rụi hoàn toàn trong vụ cháy vào chiều 13/3 (Ảnh: Thái Hồng)

Theo đánh giá của cảnh sát PCCC thì nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ trên phần lớn là do người dân chủ quan, ý thức PCCC còn nhiều hạn chế; không thực hiện đúng các quy định về PCCC. Trong đó, số vụ xuất phát từ sự cố điện và thiết bị điện, sự bất cẩn của người dân trong việc sử dụng lửa, xăng chiếm tỉ lệ lớn.

Đặc biệt, trong số vụ cháy từ đầu năm 2016 đến nay thì có khoảng 50% nguyên nhân các vụ cháy là do chập điện. Ví dụ như 2 vụ cháy tàu cá trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu thì nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập máy phát diện dẫn đến ngọn lửa bùng phát, lan rộng khắp tàu cá, cháy sang các vật liệu khác.

Ông Bùi Văn Tam, thôn Hòa Bình, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu NA 90531 bị cháy vào đêm 8/3 cho biết, trong lúc các thuyền viên đang buông lưới để đánh bắt mẻ cá cơm thì nghe một tiếng nổ nhỏ phía dưới khoang tàu phát ra. Xuống kiểm tra thì thấy dưới khoang tàu khói nghi ngút bốc ra từ hệ thống máy phát điện nên các thuyền viên trên tàu lao vào dập lửa, đồng thời hô hoán để mọi người đến ứng cứu.

Không chỉ ý thức về PCCC của người dân còn hạn chế mà ngay cả một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ, các biện pháp, cách thức PCCC.

Thường khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ lúng túng trong thao tác, không sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy ban đầu, phương án chữa cháy chuẩn bị thiếu bài bản, dẫn đếm đám cháy phát triển lớn dẫn đến công tác cứu chữa gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế các vụ cháy cho thấy, công tác tổ chức tuyên truyền, diễn tập phương án PCCC tại một số cơ quan, đơn vị, nhà máy, các cơ sớ sản xuất và tại các khu dân cư... còn mang nặng tính hình thức, theo kiểu "đánh trống ghi tên".

 Không ít cơ sở vi phạm an toàn cháy nổ như: Không có nội quy về PCCC, không có hệ thống điện, thiếu các phương tiện PCCC tại chỗ. Thậm chí có nơi mặc dù đã trang bị bình chữa cháy song lại để ở những nơi che khuất tầm nhìn, không đúng quy định. Tại các chợ, lượng hàng gửi qua đêm lớn nhưng ý thức của nhân viên quản lý các chợ còn hạn chế nên luôn tiềm ẩn nguy cơ chập điện dẫn đến cháy.

Trong công tác PCCC thì ý thức và trách nhiệm của người dân đóng vai trò quan trọng. Trong ảnh:
Trong công tác PCCC thì ý thức và trách nhiệm của người dân đóng vai trò quan trọng. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát PCCC diễn tập phương án PCCC.

Hiện nay, cháy nổ đang diễn biến phức tạp. Nhất là cháy nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao  tầng, chợ, khu công nghiệp, phương tiện giao thông... Do vậy để ngăn ngừa các tai nạn về cháy nổ, thì phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phòng cháy, chữa cháy. Công tác này phải được tổ chức thường xuyên, dưới nhiều hình thức để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thận trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị tiêu thụ điện, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC của địa phương, đơn vị. 

Biểu đồ số liệu số vụ cháy, số người chết và số người bị thương (Quý I/2015 và Quý I/2016):

Biểu đồ Tổng giá trị thiệt hại (Quý I/2015 và Quý I/2016):

Đối với các chợ, trung tâm thương mại, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, đôn đốc, nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán và khách hàng chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC, nhất là vào thời điểm mở và đóng cửa chợ, chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi xảy ra cháy.

Các đơn vị, doanh nghiệp, người dân phải thấy rõ việc thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ mình và tự giác thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Bên cạnh đó, công tác phòng chống cháy nổ cũng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. gắn với xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ và các thiệt hại do máy nổ gây ra. 

Nguyên Hưng - Lâm Tùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới