Xử lý nghiêm vi phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm

(Baonghean) - Tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng mức xử phạt cho các đối tượng này được cho là chưa tương xứng với hành vi phạm tội. 

Diến biến phức tạp

Vào hồi 14h ngày 28/1, tại khu vực ngã ba Yên Lý (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu), Phòng cảnh sát môi trường (PC49) phá thành công chuyên án 125L, bắt quả tang đối tượng Vũ Trường Thi (SN 1975, trú xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) đang dùng xe Camry 4 chỗ mang biển số 37A 04663 chở số lượng lớn tê tê, rùa và ba ba. Tổng tang vật gồm 5 cá thể tê tê thuộc nhóm 1B (nguy cấp quý hiếm cần phải bảo vệ) với trọng lượng 15kg; 12 cá thể rùa với trọng lượng 12,5kg và 2 cá thể ba ba nặng 3kg.

Phòng cảnh sát môi trường bắt được vụ vận chuyển 30,5 kg động vật hoang dã vào ngày 28/1
Phòng cảnh sát môi trường bắt được vụ vận chuyển 30,5 kg động vật hoang dã vào ngày 28/1.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Vũ Trường Thi cho biết, số hàng trên có nguồn gốc từ Lào. Thi đã gửi xe khách chạy tuyến Lào – Nghệ An, hàng về tới địa phận Nghệ An thì được  Thi chuyển qua xe Camry đi tiêu thụ. Thiếu tá Trần Văn Hùng, đội trưởng đội 2, PC49 cho biết: “Với hành vi vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Hiện Vũ Trường Thi đã bị khởi tố và vụ việc đang được cơ quan điều tra Công an huyện Diễn Châu tiếp tục điều tra, làm rõ”.

Thực tế, trong thời gian gần đây, việc tiêu thụ, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, quý, hiếm tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Mặc dù chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ  nhưng vì lợi nhuận cao nhiều người dân vẫn trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi  săn bắt, mua bán một số loài động vật hoang dã để kiếm lời. Hàng chủ yếu được tập kết từ Lào về thông qua các con đường tiểu ngạch biên giới và sau đó đưa vào nội địa tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp đến các thị trường khác, có thể sang cả Trung Quốc.

Tang vật cơ quan chức năng thu giữ.
Tang vật cơ quan chức năng thu giữ.

Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế (Chi cục Kiểm Lâm tỉnh) cho biết: Trước diễn biến phức tạp trong năm 2015, Chi cục đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt đối với các nhà hàng, cơ sở nuôi nhốt, truy cứu thông tin trên mạng để kịp thời phát hiện và xử lý. Bên cạnh công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát thì việc nắm bắt, theo dõi hoạt động này ở dưới cơ sở cũng được các lực lượng chức năng tăng cường mạnh mẽ. Vì thế mà nhiều vụ việc đã bị phát hiện và kịp thời ngăn chặn.

Tuy nhiên, theo  các cơ quan chức năng, hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm ngày càng tinh vi. Nếu vận chuyển với số lượng ít, tội phạm thường đựng trong bao bì, cặp số, vận chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Nếu là hàng quý hiếm với số lượng lớn thì hàng được chia ra nhiều cung đoạn, nhiều phương tiện vận chuyển. Đối với xe ôtô chở khách mang biển kiểm soát Lào thường là loại xe 54 chỗ ngồi, đối tượng chế tạo thêm các hầm bí mật, ẩn giấu sau thùng xăng, trên nóc xe…

Trong quá trình vận chuyển, đối tượng thường có thái độ liều lĩnh, manh động, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, nếu gặp lực lượng chức năng kiểm tra, đối tượng  chống đối bằng cách dừng xe nhưng khoá cửa xe, không xuống xe, không hợp tác. Nếu có cơ hội thì sẽ tìm cách bỏ chạy, có thể lao thẳng xe vào vật cản, vào lực lượng truy bắt…

Kết quả phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm xâm hại động vật hoang dã, quý hiếm của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và lực lượng Kiểm lâm trong năm 2015.
Kết quả phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm xâm hại động vật hoang dã, quý hiếm của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và lực lượng Kiểm lâm trong năm 2015.

Xử lý chưa nghiêm

Hiện, tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại, đe dọa các loài động vật trong "sách đỏ" vẫn chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng. Theo điều 190 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất cho tội phạm về động vật hoang dã là 7 năm tù. Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng phòng PC49: Nhiều đối tượng sau khi bắt giữ đã bị khởi tố và đưa ra xét xử. Nhưng đến nay chưa có một trường hợp nào bị tù giam liên quan đến hành vi vi phạm xâm hại, đe dọa các loài động vật hoang dã, quý hiếm.  Điều này làm giảm tính răn đe của pháp luật đối với người phạm tội.

Tê Tê là loại động vật thuộc danh mục động vật quý hiếm cần phải bảo vệ.
Tê Tê là loại động vật thuộc danh mục động vật quý hiếm cần phải bảo vệ.

Thực tế, việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm đang tạo ra một mức lợi nhuận khổng lồ. Trong khi nếu có bị bắt nhiều khi cũng chỉ bị xử lý hành chính nên nhiều người vẫn bất chấp. Bên cạnh đó, Điều 190 của Bộ Luật hình sự đã quy định việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến các loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không cần phải có căn cứ về định giá trị, khối lượng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng đã áp dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính. Việc áp dụng xử lý hành chính không trái luật nhưng rõ ràng, mức phạt trên chưa đủ tính răn đe.

Ví dụ như trường hợp của Chu Văn Cường và Lê Bá Thuận (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai). Sau khi đăng ảnh giết khỉ lên Facebook, Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai đã đến kiểm tra và tiến hành xử phạt Chu Văn Cường 5,25 triệu đồng về hành vi nuôi động vật hoang dã trái phép. Còn đối với hành vi “mua động vật hoang dã trái phép” và “giết động vật hoang dã trái phép”, ông Lê Bá Thuận bị xử phạt hành chính với số tiền 12,7 triệu đồng.

Sau khi đăng ảnh giết khỉ trên mạng xã hội, Chu Văn Cường bị phát hiện nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính 5,25 triệu đồng. (ảnh trên Facebook của Cường)
Sau khi đăng ảnh giết khỉ trên mạng xã hội, Chu Văn Cường bị phát hiện nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính 5,25 triệu đồng. (ảnh trên Facebook của Cường)

Có thể nói, việc xử phạt nghiêm minh là biện pháp ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm. Nhưng đây vẫn được xem là giải pháp phần ngọn, bởi cái gốc của vấn đề chính là nhận thức của người dân và đặc biệt là đối với cán bộ, cơ quan nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Hiện chiều sâu nhận thức và tầm nhìn về tính nguy cấp trong việc bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn hạn chế. Nhiều người không hiểu được rằng, bảo vệ động vật chính là bảo vệ cân bằng sinh thái nhằm xây dựng một môi trường sống cho chính các loài động vật và con người.

Vì vậy, trong thời gian  tới, việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức phải là biện pháp đi đầu và thường xuyên bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động trái phép này.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới