Tang thương bản nghèo biên giới Nghệ An sau vụ ngạt khí vàng Quảng Nam

(Baonghean.vn) - Hôm nay ( 13/4) người dân bản Xao Va, xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi nhận được tin 3 anh em ruột là: Cụt Văn Sơn (1982), Cụt Văn Hiệu ( còn gọi là Cụt Phò Pheng (1989) và Cụt Văn Nam ( còn gọi là Cụt Văn Ngọ (1997) cùng  tử nạn do ngạt khí khi đang khai thác vàng ở Quảng Nam. Khi chúng tôi tìm đến, bao trùm cả gia đình ông Cụt Phò Quyên (bố các nạn nhân ) là không khí xót đau, u ám.

Ngôi nhà của gia đình ông Cụt Phò Quyên
Ngôi nhà của gia đình ông Cụt Phò Quyên ở bản Xao Va.

Ông Cụt Phò Quyên và vợ là bà Cụt Mẹ Quyên có 8 người con (5 trai, 3 gái). Trong tiếng nấc, ông Quyên cho biết, từ sau Tết Nguyên đán vừa qua, 4 trong số 5 người con trai của ông đã nghe theo lời rủ rê của một số đối tượng tuyển lao động bất hợp pháp vào tỉnh Quảng Nam tham gia đào vàng.

Trong thời gian đó, rất hiếm khi các con ông liên lạc về cho gia đình, bản thân bố mẹ nạn nhân chỉ biết các con “làm” vàng ở Quảng Nam còn địa chỉ cụ thể thì chịu. “Cũng vì nghèo khổ quá mà chúng phải đi kiếm cái ăn. Trời ơi! Biết làm răng bây giờ…” – ông Quyên thốt lên bất lực.

Bà con trong bản đến động viên chia sẻ với gia đình nạn nhân
Bà con trong bản đến động viên chia sẻ với gia đình nạn nhân
Ông Cụt Phò Quyên dỗ đứa cháu nội là con trai của anh Cụt Văn Sơn
Ông Cụt Phò Quyên và đứa cháu nội là con trai của anh Cụt Văn Sơn không dấu được nỗi đau.

Trong số 3 người con tử nạn do ngạt khí hầm vàng, có 2 người là Cụt Văn Sơn và Cụt Văn Hiệu đã lấy vợ và lập gia đình riêng. Trong đó anh Cụt Văn Sơn và vợ là Cụt Mẹ Hải có 6 người con. Còn anh Cụt Văn Hiệu có vợ là Cụt Mẹ Pheng có 4 người con. Gia đình ông Cụt Phò Quyên thuộc diện nghèo nhất bản thuộc xã biên giới này.

Những tài sản quý nhất trong gia đình ông Cụt Phò Sơn
Những tài sản "quý nhất" trong ngôi nhà ông Cụt Phò Sơn

Được biết bản Xao Va, có 74 hộ, với 417 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Khơ mú, tỷ lệ hộ và cận nghèo chiếm trên 85%. Ông Ốc Phò Thắng - Trưởng Công an xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) cho biết, hiện nay toàn xã có 36 người trong bản Xao Va rời địa phương đi lao động bất hợp pháp với độ tuổi trung bình từ 15 đến 40 tuổi. Cá biệt có cả các em học sinh cấp 2 cũng rời địa phương vào tỉnh Quảng Nam tham gia hoạt động khai thác vàng trái phép hoặc làm thuê bốc vác, cửu vạn tại các tỉnh biên giới phía Bắc như lạng Sơn, Quảng Ninh. 

Đặc biệt, theo thống kê của UBND xã Bảo Thắng, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ người dân đi lao động chui ở ngoại tỉnh gặp rủy ro, tai nạn lao động, trong đó có 5 người chết, 1 người bị thương nặng.

Bản Xao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn phần lớn là đồng bào dân tộc Khơ mú, gần 90% hộ nghèo
Bản Xao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn phần lớn là đồng bào dân tộc Khơ mú, gần 90% hộ nghèo

Trước đó, như Báo Nghệ An đã tin vào hồi 17h30 phút ngày 12/4/2016 tại hầm vàng khe Rộm, thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xảy ra 1 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 4 người, bị thương 1 người. Theo các nhân chứng sống sót cho hay, vào thời điểm trên có 7 người cùng chui vào hầm khai thác vàng và 6/7 người quê ở Kỳ Sơn (Nghệ An). Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xác định là do ngạt khí. Hiện nay cơ quan điều tra đang tiếp điều tra tục rõ.

Danh tính các nạn nhân tử vong do vụ ngạt khí:

1. Cụt Văn Sơn (1982) - Bảo Thắng - Kỳ Sơn - Nghệ An

2. Cụt Văn Hiệu còn gọi là Cụt Phò Pheng (1989)

3. Cụt Văn Nam, còn gọi là Cụt Văn Ngọ (1997)

4. Nguyễn Kim Vui - Thị trấn Thạnh Mỹ - Nam Giang - Quảng Nam
Liên quan đến vụ ngạt khí trong hầm vàng khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 người Nghệ An, chiều ngày 13/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sự việc nghiêm trọng này.
Theo đó, ông Thu yêu cầu UBND huyện Nam Giang có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, thăm hỏi, hỗ trợ việc an táng cho gia đình thân nhân người chết và bị thương. Đồng thời phải kiểm tra toàn bộ các khu vực có biểu hiện khai thác khoáng sản trái phép, truy quét, đẩy đuổi, phá hủy các hầm lò. Đồng thời huy động tối đa phương tiện, nhân lực nhằm đảm bảo phòng ngừa không để xảy ra tai nạn lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND huyện Nam Giang làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân  liên quan  đến việc  quản lý  địa bàn lỏng lẻo, không kịp thời  phát hiện  xử lý việc đào hầm trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vừa như vừa rồi.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh QUảng Nam yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, tăng cường công tác nắm bắt, xử lý kịp thời thông tin cơ sở.  Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam kiểm tra, rà soát việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản để phối hợp với Sở LĐTBXH cùng các địa phương tăng cường kiểm tra hiện trường, giám sát việc khai thác, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động.

Lữ Phú – Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới