Vạch trần những chiêu trò của bọn buôn người ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng buôn bán người sử dụng đủ chiêu trò hết sức tinh vi; nhiều nạn nhân sau khi được giải thoát quay trở lại dụ dỗ, lôi kéo người khác.

Ở huyện Quế Phong và Tương Dương có tình trạng buôn bán người phức tạp nhất tỉnh Nghệ An. Theo bà Trương Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, sau nhiều đấu tranh của lực lượng chức năng, tội phạm buôn bán người vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, có thể tội phạm xảy ra với các phương thức thủ đoạn mới. 

Lương Thị Yến bị bắt khi đang dẫn theo ba cô gái ra Móng Cái bán sang Trung Quốc.
Lương Thị Yến bị bắt khi đang dẫn theo ba cô gái ra Móng Cái bán sang Trung Quốc.

“Để củng cố lòng tin ở người bị hại và gia đình, các đối tượng một mặt dùng thư từ, ảnh giới thiệu những người đã làm ăn và trở nên giàu có, khá giả. Mặt khác bọn chúng sẵn sàng hào phóng ứng trước tiền tàu xe hay tiền lương cho nạn nhân… Trước những thủ đoạn này, người bị hại bị lóa mắt trước viễn cảnh tương lai sáng sủa nên đã rơi vào cạm bẫy”, bà Mai cho biết.

Tính đến thời điểm này, Tương Dương có hơn 2.300 người lao động ở nước ngoài bất hợp pháp, trong đó có hơn 1.200 phụ nữ. Hiện huyện đang làm rõ con số 1.200 phụ nữ đó có bao nhiều người là nạn nhân của buôn người. 
Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 xã là Nga My và Tam Quang là điểm nóng của tình trạng mua bán người. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng phụ nữ ra nước ngoài nhiều cơ bản là do thiếu việc làm, nhận thức xã hội thấp nên đi theo sự lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng buôn người.

Mặc dù tình trạng mua bán người gây ra nhiều hệ lụy phức tạp nhưng để đấu tranh với loại tội phạm này còn có rất nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng cho biết, phần lớn sau khi đối tượng đưa người ra khỏi địa phương sau một thời gian khá lâu thì gia đình mới trình báo cơ quan chức năng nên việc điều tra không kịp thời. 

Bên cạnh đó, do sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, tư tưởng thích hưởng thụ, lười lao động của một bộ phận phụ nữ đã vô tình tiếp tay cho nạn buôn người. Một số nạn nhân bị bán sau đó đã trở về địa phương nhưng không trình báo việc mình bị bán, một số thì trở thành đối tượng đi lừa người khác đưa sang nước ngoài bán.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng mua bán người thường hình thành đường dây với tổ chức tương đối chặt chẽ. Giữa chúng thường có sự phân công về vai trò, đối tượng thực hiện mỗi công đoạn trong quá trình gây án dẫn đến bị hại không phát hiện hoặc không biết địa chỉ của đối tượng để khai báo. Các đối tượng phạm tội thường nằm rải rác ở nhiều địa bàn, thậm chí ở nước ngoài, do đó khi phát hiện tội phạm thì việc tổ chức vây bắt, xử lý rất khó thực hiện.

Sùng Thị Súng và Giàng Thị Vế nhận 4 năm tù giam cho tội mua bán người.
Sùng Thị Súng và Giàng Thị Vế nhận 4 năm tù giam cho tội mua bán người.

Để ngăn chặn được tình trạng này, việc đầu tiên là phải tạo được công ăn việc làm cho phụ nữ vùng sâu vùng xa, cần ưu tiên tại các khu công nghiệp để phụ nữ có công ăn việc làm ổn định. Cùng với đó là tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục nhận thức cho phụ nữ trẻ em những địa bàn trọng điểm xảy ra buôn bán người.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ đối với các nạn nhân bị mua bán để họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; Duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như CLB Phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình; phụ nữ với pháp luật. Thực hiện hiệu quả những giải pháp trên mới mong ngăn chặn được vấn nạn này, đảm bảo bình yên cho cuộc sống nhân dân, an ninh biên giới.

Ngô Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới