Kỳ 1: 'Điểm nóng' ở Quỳ Châu

(Baonghean) - LTS: Giữa tháng 7/2016, UBND tỉnh thông báo trên địa bàn diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng, qua đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, có biện pháp ngăn chặn. Việc đi sâu tìm hiểu thực tế ở các địa phương cơ sở, thông tin đúng thực trạng, nguyên nhân... là hết sức cần thiết.

Lực lượng Biên phòng và Kiểm lâm tuần trabảo vệ rừng.
Lực lượng Biên phòng và Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

“Nóng” từ năm kia...

Gọi Quỳ Châu là “điểm nóng” bởi từ cuối năm 2014, Báo Nghệ An từng điều tra, phát hiện tình trạng mua bán, chuyển nhượng "chui", sử dụng trái mục đích đất rừng ở địa phương này; và dù gần 2 năm trôi qua, nạn phá rừng vẫn tiềm ẩn phức tạp, trong khi diện tích đất rừng bị mua bán, chuyển nhượng “chui” lên đến trên 3.400 ha.   

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng "chui", chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng xảy ra ở Quỳ Châu được phát hiện ở địa bàn các bản Pà Cọ, Kẻ Nính, Định Tiến, Tà Cọ của xã Châu Hạnh. Những bản, làng này phần đa là đồng bào dân tộc Thái. Các ông, bà Hà Văn Linh, Lim Thị Tường, Bùi Văn Yến, Vi Thị Luyến (là trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín của hai bản Pà Cọ, bản Kẻ Nính) khi đó trao đổi rằng, thực hiện rà soát, lập danh sách những gia đình chưa có đất lâm nghiệp để chính quyền huyện, xã tiến hành giao đất lâm nghiệp thì mới vỡ lở ra sự việc này. Và họ đã thống kê có rất nhiều hộ gia đình được giao đất rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ từ những năm 2003 - 2004 đã bán cho một doanh nghiệp với giá rẻ mạt từ những năm 2010, 2011.

Theo Trưởng bản Kẻ Nính - ông Bùi Văn Yến thì, ở bản ông có khoảng 25 hộ và "không chỉ ở Pà Cọ, Kẻ Nính mà các bản lân cận Định Tiến, Tà Cọ cũng chung tình trạng này”. Còn Trưởng bản Pà Cọ, ông Hà Văn Linh: "Pà Cọ có khoảng 45 hộ đã bán giấy chứng nhận QSD đất rừng. Đây là số thống kê được, còn thực tế thì có thể cao hơn...".

Qua trao đổi với nhiều người dân ở các bản, làng Kẻ Nính, Pà Cọ, thu thập đầy đủ những căn cứ về việc mua bán đất rừng; và câu hỏi đặt ra: Người ta thu gom đất rừng của dân để làm gì? Người dân cho biết: Sau khi thu gom được giấy chứng nhận QSD đất rừng, doanh nghiệp (là Công ty CP Nghệ An Xanh) đưa máy móc, thiết bị mở đường vào các vùng rừng phát rừng để trồng keo. “Họ thuê hàng chục nhân công phát quang rất nhiều diện tích rừng, dựng nhà, trồng keo lên đó...” - nhiều người dân ở Kẻ Nính cho hay.

Cùng với công an viên của bản, chúng tôi luồn sâu trong vùng rừng của xã Châu Hạnh, vào đến khu vực khe Nhôm, nơi Công ty CP Nghệ An Xanh thuê người phát rừng, làm nhà, trồng keo. Hoang vu một vùng rừng tái sinh phục hồi. Xen lẫn những vạt rừng nứa lùng, cây thân gỗ có đường kính 15 – 30 cm là những mảng đồi đã bị xẻ phát trắng trơn. Một số vùng sau khi xẻ phát đã được trồng keo cao chừng 1m. Tại khu vực này, có một ngôi nhà sàn rộng 4 gian được dựng lên cho nhân công, bảo vệ ở.

Khu vực Công ty CP Nghệ An Xanh thực hiện xẻ phát và trồng keo thuộc Tiểu khu 175, địa bàn xã Châu Hạnh. (ảnh chụp tháng 12/2014)
Khu vực Công ty CP Nghệ An Xanh thực hiện xẻ phát và trồng keo thuộc Tiểu khu 175, địa bàn xã Châu Hạnh. (ảnh chụp tháng 12/2014)

Tìm hiểu được biết, hầu hết cả khu vực này đã thuộc quyền sở hữu của ông Phan Bá Giang - Giám đốc Công ty CP Nghệ An Xanh, người ở xã Châu Bình (Quỳ Châu). "Anh Giang mua lại đất rừng của dân được Nhà nước cấp cho. Không biết chính xác bao nhiêu nhưng nhiều lắm, hàng mấy trăm ha, kéo dài cho tới sát xã Châu Thuận. Anh ấy thuê máy mở đường vào đây cũng hết nhiều tiền lắm. Khi có đường mới đưa nhân công vào sẻ phát, trồng keo" – một người xưng là em vợ của ông Phan Bá Giang nói như vậy. 

Ngôi nhà Công ty CP Nghệ An Xanh dựng lên trong Tiểu khu 175 để phá rừng trồng keo. (ảnh chụp tháng 12/2014)
Ngôi nhà Công ty CP Nghệ An Xanh dựng lên trong Tiểu khu 175 để phá rừng trồng keo. (ảnh chụp tháng 12/2014)

Từ trước năm 2014, vùng đất Quỳ Châu luôn là điểm nóng của tỉnh về các vấn đề liên quan đến đất rừng, thế nên những người có trách nhiệm ở đây nhanh chóng tiếp nhận thông tin và đề nghị báo có sự phối hợp để làm rõ. Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu thời kỳ đó, ông Phan Đức Đồng cũng xác định Công ty CP Nghệ An Xanh có những dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên trao đổi:

“Báo chí cứ thông tin những việc đã điều tra, xác minh. Về phần huyện, theo quy định của pháp luật, bên cạnh việc thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất rừng, hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp cho nhân dân thì chính quyền hai cấp có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng.

UBND huyện sẽ giao Hạt Kiểm lâm xuống các địa bàn này để kiểm tra làm rõ, tiến hành gọi hỏi đối tượng, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật. Không thể để tồn tại việc mua bán, chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp và tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng đất rừng...".

Báo Nghệ An sau đó đã có bài điều tra “Chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng "chui", chuyển đổi trái phép đất rừng”.

... đến tận bây giờ

Cuối năm 2014, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu đã thực hiện kiểm tra hiện trường, xác định khu vực Công ty CP Nghệ An Xanh mở đường, thực hiện xẻ phát và trồng keo thuộc Tiểu khu 175; và có sự việc người dân ở Châu Hạnh chuyển nhượng “chui” đất rừng. Thời điểm chuyển nhượng “chui” từ khoảng năm 2008 đến 2011, với hai hình thức “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với thời gian 50 năm”; giá chuyển nhượng từ 380.000 đến 6 triệu đồng.

Sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, các hộ dân nhận tiền, còn Công ty CP Nghệ An Xanh nắm giữ Giấy chứng nhận QSD đất. Và ở hai bản Pà Cọ, Kẻ Nính có 37 hộ gia đình đã chuyển nhượng “chui” đất rừng với tổng diện tích là 465 ha.

Bằng chứng Công ty CP Nghệ An Xanh nhận chuyển nhượng “chui” đất rừng của người dân.
Bằng chứng Công ty CP Nghệ An Xanh nhận chuyển nhượng “chui” đất rừng của người dân.

Từ đó đến nay, việc rà soát nắm bắt thông tin về việc chuyển nhượng “chui” đất rừng ở Quỳ Châu tiếp tục được thực hiện và khẳng định 11/12 xã trên địa bàn có tình trạng này với 486 hộ/3.433 ha (có Giấy chứng nhận QSD đất và kể cả đất rừng tạm giao). Và theo cách diễn đạt của Kiểm lâm Quỳ Châu thì đó là “thông tin điều tra nắm bắt được. Khả năng thực tế còn lớn hơn vì có nhiều hộ gia đình có biểu hiện che dấu hành vi chuyển nhượng trái phép đất rừng”.

Ngoài Công ty CP Nghệ An Xanh của ông Phan Bá Giang, thì những diện tích đất rừng người dân chuyển nhượng “chui” ở Quỳ Châu cho đối tượng nào? Tìm hiểu thì được biết “lọt” vào tay và một số cá nhân, trong đó, có cả những người đang là cán bộ Nhà nước. Và những tổ chức, cá nhân này, sau khi nhận chuyển nhượng “chui” đều đã làm nghèo rừng, sau đó thực hiện mục tiêu trồng keo để kiếm tìm lợi ích kinh tế cá nhân.

“Đã có nhiều vùng đất rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép. Và trong thời gian qua, có rất nhiều vụ việc mà huyện, công an, kiểm lâm và chính quyền cấp xã đã xử lý…” - một cán bộ ở huyện Quỳ Châu khẳng định. 

Đốn hạ cây gỗ nhỏ làm nghèo rừng từ đó thay đổi mục đích sử dụng rừng là cách các đầu nậu thu gom đất rừng thường sử dụng.
Đốn hạ cây gỗ nhỏ làm nghèo rừng từ đó thay đổi mục đích sử dụng rừng là cách các đầu nậu thu gom đất rừng thường sử dụng.

Theo số liệu thống kê chúng tôi có được, từ đầu năm 2016 đến nay, Quỳ Châu đã xử lý 116 vụ việc xâm hại đến rừng; trong đó, có 3 vụ Công an huyện đang tiếp nhận hồ sơ để điều tra; một vụ đã đưa ra xét xử lưu động (2 đối tượng liên quan bị tuyên phạt bồi thường cho ngân sách Nhà nước 150 triệu đồng và thụ án 15 năm tù). Chưa hết, chính quyền xã Châu Hạnh mới bị UBND huyện “trả hồ sơ” vụ việc chặt phá gần 2ha rừng trạng thái 1c tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 197 (khe Đoọng, Nậm Bông, xã Châu Hạnh). Lý do là để tiếp tục điều tra làm rõ vì có những dấu hiệu cho thấy liên quan đến cán bộ đương nhiệm đứng đằng sau vụ việc này… 

Đất lâm nghiệp, đất rừng trong nhiều năm qua được quy hoạch, trao cho người dân nhằm 2 mục tiêu chính yếu: là tư liệu sản xuất để ổn định cuộc sống mang tính lâu dài bền vững; góp phần cùng Nhà nước quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng “chui”, sử dụng trái mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng đã đi ngược lại những mục đích tốt đẹp đó; và những hành vi này là vi phạm pháp luật.

(còn nữa)

Bài, ảnh: Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới