Vi phạm trong mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất rừng (kỳ cuối): Hướng giải quyết từ đòi hỏi thực tiễn

(Baonghean) - Đã có những địa phương, ngành có liên quan đề ra giải pháp để chấn chỉnh vấn nạn mua bán, chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái mục đích đất rừng. Từ thực tế cơ sở, chúng tôi cũng có những kiến giải riêng về nội dung này…

Vướng… trong xử lý

Đến nay, hầu hết các địa phương có rừng và sở, ngành có tên tại Công văn 5037 đều đã vào cuộc, tuy nhiên còn gặp rất nhiều khó khăn. Các huyện tích cực như Quỳ Châu, Con Cuông, Quế Phong… đã có sự thống nhất chỉ đạo các đơn vị, các phòng, kiểm lâm, chính quyền cấp xã có sự phối hợp và đề ra những biện pháp để thực hiện rà soát mua bán, chuyển nhượng trái phép, sử dụng sai mục đích. Nhưng những con số đã thống kê được vẫn chưa thực sự đảm bảo chính xác.

Cán bộ xã Đôn Phục và Kiểm lâmhuyện Con Cuông trình bày những bất cập trong việc giao đất rừng cho doanh nghiệp.
Cán bộ xã Đôn Phục và Kiểm lâm huyện Con Cuông trình bày những bất cập trong việc
giao đất rừng cho doanh nghiệp.

Lý do là bởi, nhiều hộ dân còn e ngại vì đã thực hiện mua bán, chuyển nhượng “chui” nên có ý che dấu, không tự giác phối hợp cơ quan chức năng; hoặc không nhận đã bán, chuyển nhượng mà chỉ nhận là “phối hợp” làm kinh tế rừng, “cầm, cắm” giấy chứng nhận QSD đất rừng cho các đối tượng đầu nậu…

Nhiều cán bộ có trách nhiệm ở địa phương tỏ ra băn khoăn, đề nghị cần được hướng dẫn trong xử lý việc chuyển nhượng đất lâm nghiệp, đất rừng. Cụ thể như tại huyện Quế Phong, khi xảy ra vụ việc người dân xã Nậm Giải chuyển nhượng giấy chứng nhận QSD đất cho doanh nghiệp Phong Vân đã có những luồng ý kiến khác nhau trong giải quyết. Nguyên nhân là bởi theo quy định của Luật Đất đai, người dân được phép chuyển nhượng QSD đất đối với diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận; trong khi theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng cùng các văn bản hướng dẫn luật này thì không được phép chuyển nhượng.

Về nội dung này Sở Tư pháp đã có Văn bản số 784/STP-XDVB ngày 28/6/2016 phân tích rõ quy định của hai luật nêu trên, khẳng định việc tự ý chuyển nhượng đất lâm nghiệp là không phù hợp với quy định của pháp luật; đề nghị UBND huyện Quế Phong yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng thực hiện việc trả lại đất theo quyết định giao đất cho cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, vì đây mới chỉ là ý kiến của Sở Tư pháp, nên UBND huyện Quế Phong vẫn tiếp tục phải có văn bản xin ý kiến của các sở liên quan như TN&MT, NN&PTNT để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

Nhiều cán bộ có trách nhiệm nhận thấy, để đảm bảo chính xác số liệu các hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng “chui” đất lâm nghiệp, đất rừng và làm rõ được các hành vi, mức độ vi phạm pháp luật thì cần phải có thêm thời gian. Như với hạn định được nêu ở Công văn 5037 của UBND tỉnh (cuối tháng 8/2016) là quá khó khăn.

Quỳ Châu là huyện có thống kê tương đối rõ ràng về cả việc mua bán, chuyển nhượng trái phép và các vụ việc phá rừng. Tuy nhiên để xử lý những hành vi mua bán chuyển nhượng trái phép và sử dụng trái mục đích đất rừng, các cán bộ ở đây vẫn rất băn khoăn vì rằng, những căn cứ mang tính pháp lý vẫn chưa được đảm bảo. Vậy nên cần phải thực hiện soát xét đến từng hộ, từng đối tượng có liên quan, đồng thời phải đến từng vùng đất rừng các hộ được giao để đối chiếu với hiện trạng nêu trên giấy chứng nhận QSD đất rừng thì mới có thể chứng minh được…

Hướng giải quyết

Dĩ nhiên những băn khoăn của các chính quyền địa phương có rừng rồi đây sẽ được tỉnh giải đáp. Vấn đề là, qua những gì tìm hiểu ở các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Quế Phong, Quỳnh Lưu… thì tình trạng mua bán, chuyển nhượng “chui”, sử dụng trái mục đích đất rừng thực sự đang là một vấn nạn. Mức độ vi phạm là rất lớn, vượt xa con số 5.542 ha mà UBND tỉnh công bố tại Công văn 5037. Bởi vậy, chúng tôi cũng chuyển tải yêu cầu từ thực tế cơ sở đối với UBND tỉnh như sau:

Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra khu vực quy hoạch trồng rừng của người dân.
Lãnh đạo huyện Quế Phong kiểm tra khu vực quy hoạch trồng rừng của người dân.

Thứ nhất, cần xác định đây là một nội dung phức tạp, có ảnh hưởng rất xấu đến đến KT-XH của tỉnh nói chung, công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng để tiếp tục có sự chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng và các sở, ngành có liên quan vào cuộc quyết liệt kiểm tra, rà soát, thống kê chính xác về số hộ gia đình, cá nhân đã chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất rừng, và hiện trạng các diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng đã giao. Để làm được điều này, sự phối hợp của ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm lâm của các địa phương có rừng và chính quyền cấp xã, cán bộ thôn, xóm, bản là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần nhất quán chỉ đạo các sở ngành có liên quan, các địa phương có rừng về phương pháp thực hiện. 

Thứ hai, cần chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật điều tra, thu thập chứng cứ để phát hiện làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân đã có hành vi mua, nhận chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái mục đích sử dụng đất rừng; qua đó, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở dĩ đề cập đến vấn đề này là bởi trong số rất nhiều những vụ việc phá rừng đã bị khởi tố hay xử phạt hành chính, hầu như đối tượng bị xử lý đều là người dân. Ai cũng hiểu người dân vi phạm vì hoàn cảnh khó khăn, vì thiếu hiểu biết nên bị các đối tượng “đầu nậu” lợi dụng. Vậy nên bỏ sót đối tượng “đầu nậu” tức là chưa giải quyết được vấn đề tận gốc.

Thứ ba, là dấu hiệu vi phạm của cán bộ nhà nước. Ví như vụ việc phá rừng xảy ra tại lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 248 để tiến hành san ủi đất làm móng nhà ở xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn; vụ việc chặt phá gần 2ha rừng trạng thái 1c tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 197 (khe Đoọng, Nậm Bông, xã Châu Hạnh) để trồng cây keo…  Vì vậy, cần phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi mua bán, chuyển nhượng “chui”, sử dụng trái mục đích sử dụng đất rừng. Để qua đó, làm gương cho cán bộ, đảng viên, đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Thứ tư, cần xem xét đánh giá lại việc giao đất lâm nghiệp, đất rừng đã quy hoạch giao cho các doanh nghiệp trồng rừng. Việc đánh giá phải đảm bảo sát đúng với hiện trạng vùng rừng được giao; bên cạnh đó là tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp. Sở dĩ cần thực hiện điều này là bởi, có nhiều ý kiến từ cơ sở khẳng định một số doanh nghiệp được Nhà nước giao đất lâm nghiệp để trồng rừng, nhưng từ nhiều năm qua không thực hiện, trong khi người dân thiếu đất; và có nhiều ý kiến khẳng định việc quy hoạch giao đất rừng ở một số khu vực còn chưa sát thực tế. Có những vùng rừng đầu nguồn, nếu tác động sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, đến môi trường… nhưng vẫn được quy hoạch để giao cho doanh nghiệp trồng rừng…

Thứ năm, cần chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan đánh giá lại chính xác hiện trạng đất rừng đã giao cho dân để xác định đâu là khu vực rừng tự nhiên khoanh nuôi bảo vệ; đâu là đất rừng trồng, đất trống đồi trọc quy hoạch trồng cây lâm nghiệp hoặc vùng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Qua đó, tạo điều kiện để người dân có nhận thức đúng về vùng đất rừng được giao để phát triển kinh tế hộ, và nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.

Cuối cùng, công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Sau vụ việc phá rừng xảy ra ở Quảng Nam trong thời gian vừa qua, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể để các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành trên toàn quốc thực hiện. Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn hàng đầu của cả nước, công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được đẩy mạnh đã nhiều năm. Mà trong đó, là thực hiện nghiêm túc chính sách giao đất lâm nghiệp, đất rừng cho nhân dân.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới