Lời giải nào cho vi phạm hành lang an toàn giao thông?

(Baonghean) - Tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông hiện nay diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, xuất hiện và tồn tại hầu hết trên địa bàn các huyện, thành thị. Đến nay, theo số liệu tổng hợp của Sở GTVT, tổng số vi phạm khoảng 10.535 trường hợp. 

Tràn lan vi phạm

Cùng anh Hồ Sỹ Hà - nhân viên tuần đường Hạt giao thông Hưng Nghi - Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông thủy bộ kiểm tra dọc tuyến đường tỉnh lộ 542C, từ Km0+00 đến Km7+500 không khó bắt gặp công trình lấn chiếm hành lang giao thông. Cả tuyến đường dài 5km người dân dựng nhà, ốt quán san sát để kinh doanh buôn bán.

Chỉ vào cửa hàng quần áo mới dựng bằng tôn thép ngay sát lề đường, anh Hà cho biết: “Đây là ki-ốt bán quần áo của ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm 7, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên). Ốt này dựng năm 2015, mặc dù chúng tôi đã kiểm tra, lập biên bản nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý. Đây không phải là trường hợp duy nhất, ngay dọc tuyến đường 542 C này, người dân, chính quyền địa phương mặc nhiên với sự tồn tại của vi phạm, nhà ốt ngang nhiên được dựng ngay trên kênh 12/9, vi phạm hành lang ATGT và công trình thuỷ lợi”.

Dãy quán hàng ở xóm 7, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) lấn chiếm hành langan toàn giao thông đường Tỉnh lộ 542C.
Dãy quán hàng ở xóm 7, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường Tỉnh lộ 542C.

Không chỉ ốt quán kinh doanh, rác thải, còn có tình trạng xây dựng nhà ở kiên cố trên hành lang. Điển hình như ở Đô Lương, hộ ông Nguyễn Công Bảy ở xóm 7, xã Minh Sơn xây nhà lấn chiếm hành lang 61m2. Hạt Quản lý đường bộ 7B đã kiểm tra, báo cáo chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra lập biên bản ngừng thi công. Tình trạng cá nhân xây nhà ở kiên cố trong hành lang ATGT diễn ra đặc biệt nhiều ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Hợp...

Rời Hưng Thông, chúng tôi vòng lên chợ Liệu thuộc địa bàn xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên). Chợ nằm ngay cạnh đường ven sông Lam, và bà con tiểu thương, dân cư sống gần đó “vô tư” tấp rác ngay bên đường, buổi trưa, rác tràn ra cả con đường đê cản trở giao thông, bốc mùi hôi thối. Chưa hết, dọc tuyến đường này, ngay bên chân cầu Vạng, rác cũng được chất đống ngay ta luy, che khuất cọc tiêu. 

Anh Lê Thanh Bình - Phó phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho hay, tình trạng vi phạm phổ biến và tồn tại nhiều năm nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Đối với các tuyến đường ngoài đô thị, vi phạm chủ yếu là san lấp mặt bằng trái phép, xây dựng ki-ốt, hàng rào, tập kết vật liệu xây dựng, bãi rửa xe... Với các tuyến đô thị, vi phạm chủ yếu là việc sử dụng lòng đường, hè phố để họp chợ, kinh doanh buôn bán, đỗ xe trái phép, tập kết rác thải xây dựng... diễn ra hầu hết trên địa bàn 21 huyện, thành thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn. 

Không chỉ đường bộ, tình hình lấn chiếm hành lang xảy ra khá phổ biến đối với đường sắt. Theo tổng hợp từ Công ty TNHH Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tồn tại 37 điểm nhà ở vi phạm bảo vệ công trình đường sắt với 960m2; 89 điểm công trình phụ vi phạm với 6021.5m2; 36 điểm lều quán vi phạm với 1.900m2 và 46 điểm tường rào vi phạm với 3.613m. Các điểm vi phạm chủ yếu do lịch sử để lại chưa được giải tỏa. Địa phương đang có nhiều vi phạm là xã Nghi Kim (thành phố Vinh) và thị xã Thái Hòa. 

Đâu là nguyên nhân?

Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, hè phố để sử dụng cho mục đích không vì giao thông, mở đường ngang trái phép đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động an toàn giao thông trên địa bàn, gây bức xúc cho toàn xã hội.

Ông Nguyễn Quế Sự - Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng giao thông xây dựng chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý mốc giới, mốc đất của đường bộ chưa bố trí đủ theo đúng quy định, mốc GPMB...

Trong khi đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt, việc triển khai thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Ngay cả khi ngành Giao thông có biên bản đình chỉ thi công thì công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm túc, thiếu kiên quyết và không dứt điểm, sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thiếu đồng bộ. Nhìn chung, công tác quản lý hành lang ATGT của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đơn vị còn chưa chặt chẽ. 

3
2 quán ăn ở xóm Xuân Lam, Nghi Xuân - Nghi Lộc lấn chiếm hành lang ATGT.

Rất nhiều trường hợp, ngành Giao thông đã kiểm tra, lập biên bản nhưng chính quyền địa phương vì nhiều lý do, vẫn không vào cuộc xử lý. Ông Nguyễn Hữu Thọ - tuần đường Hạt giao thông Hưng Nghi cho hay, ngay tại xóm Xuân Lam, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), có 2 trường hợp hộ Nguyễn Ngọc Cẩm và Mai Văn Trang xây quán ăn kiên cố trên hành lang giao thông, chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ thi công, nhưng đến nay công trình đã hoàn thành đi vào hoạt động, chưa thấy địa phương xử lý. Một công trình vi phạm không được xử lý nghiêm thì không thể làm gương, tình trạng vi phạm sẽ tiếp tục tiếp diễn, nhân rộng.

Anh Hoàng Anh Tuấn - Phòng Kế hoạch tổng hợp, Công ty CP Quản lý và xây dựng giao thông thủy bộ lý giải: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng thanh tra giao thông và đơn vị trực tiếp quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt chỉ thực hiện lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, còn việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa, tháo dỡ công trình vi phạm thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Thế nhưng, chính quyền đang tỏ ra bất lực với vi phạm”.

Ngoài ra, cũng thấy rằng, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân còn hạn chế, đặc biệt là các quy định về quản lý và bảo vệ hành lang ATGT. Nhiều vi phạm tồn tại do lịch sử để lại nhưng chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là các trường hợp vướng mắc đền bù GPMB khi thực hiện dự án. Khó khăn về nguồn vốn để thực hiện xây dựng hệ thống đường gom, đấu nối theo quy hoạch đã được duyệt.

Hàng năm, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị về giải tỏa hành lang ATGT, tổ chức nhiều đợt giải tỏa hành lang, chỉnh trang đô thị. Đã chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ tuần tra, phát hiện các vi phạm về hành lang ATGT, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm, chuyển chính quyền địa phương xử lý theo quy định; phối hợp Ban ATGT tỉnh lắp đặt nhiều biển báo có nội dung tuyên truyền quy định về hành lang ATGT trên các tuyến đường bộ nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về quy định của pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt tại các khu dân cư mới, các khu công nghiệp... Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn tồn tại. 

Một bất cập khác là hệ thống mốc lộ giới và chỉ giới xây dựng chủ yếu mới bố trí trên một số quốc lộ, đường tỉnh và một số đường phố quan trọng nhưng chưa đầy đủ theo quy định (từ 50-100m/mốc đối với đường đô thị, 300-500m/mốc đối với đường ngoài đô thị và từ 500 - 1.000m đối với đường miền núi, dân cư thưa thớt). Các tuyến đường khác và toàn bộ hệ thống đường sắt chưa được thực hiện nên đã gây khó khăn lớn cho tổ chức quản lý. Trong số các vi phạm hành lang ATGT, có nhiều công trình nằm trên đất hành lang ATGT nhưng đã được cấp quyền sử dụng đất ghi không rõ ràng, cụ thể (chưa tách biệt phần đất ở và đất vườn...) hoặc do lịch sử để lại vì kinh phí bồi thường GPMB bị hạn chế.

Từ thực trạng về công tác giải tỏa, quản lý và bảo vệ hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đang đề nghị UBND tỉnh cho phép xây dựng Nghị quyết “Quy định một số biện pháp giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020” trình HĐND tỉnh xem xét quyết định. Sở GTVT đã xây dựng đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm; xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT; quản lý, duy trì và bảo vệ hành lang cũng như giải pháp đầu tư kinh phí hợp lý để ưu tiên triển khai các hạng mục công việc nhằm thực hiện nhiệm vụ giải tỏa và quản lý hành lang ATGT có hiệu quả. Dự kiến, kinh phí cho công tác này trong 4 năm từ 2017 - 2020 là trên 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, xã hội hoá và quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh.

Thu Huyền 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới