Bất cập trong chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các lưu vực thủy điện

(Baonghean) - Xung quanh việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, một số người dân thông tin đến Báo Nghệ An: Đơn giá chi trả cho đối tượng bảo vệ rừng trong năm 2016 có sự chênh lệch giữa các lưu vực thủy điện, có nơi chỉ đạt 28.000 đồng/ha/năm, dẫn đến tình trạng so bì; tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ rừng.

» Cử tri Tương Dương: Đề nghị tăng chi phí dịch vụ môi trường rừng

Bất cập đơn giá

Theo đơn giá tạm tính mà Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng gửi các địa phương thì lưu vực các thủy điện Bản Cốc, Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt,  Nậm Mô, Nậm Cắn đạt trên 200.000 đồng/ha/năm; phần còn lại gồm các lưu vực thủy điện: Bản Cánh, Nậm Nơn, Khe Bố, Sao Va, Nậm Pông có giá dưới 100.000 đồng/ha/năm. Trong đó cá biệt ở lưu vực thủy điện Nậm Nơn là 46.000 đồng/ha/năm; lưu vực thủy điện Khe Bố là 28.000 đồng/năm. 

Ở huyện 30a Tương Dương, diện tích rừng nằm trong lưu vực các công trình thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn là 148.153ha. Từ năm 2012 đến nay (thời điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện), người dân và các đơn vị, tổ chức tham gia công tác bảo vệ rừng trong lưu vực thủy điện đã được thụ hưởng trên 44.054 triệu đồng.

Theo đánh giá của UBND huyện Tương Dương, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu hút một lực lượng đông đảo người dân tham gia bảo vệ rừng. Qua đó, người dân được tăng thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo; Nhận thức pháp luật và trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của người dân được nâng cao; Công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, tài nguyên rừng phát triển bền vững. Năm 2011, độ che phủ rừng ở Tương Dương chỉ đạt 59,1%, đến năm 2016, đã tăng lên 80,3%. 

Công tác bảo vệ rừng góp phần ổn định nguồn nước cho các nhà máy thủy điện.(Ảnh chụp tại vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ)
Công tác bảo vệ rừng góp phần ổn định nguồn nước cho các nhà máy thủy điện. (Ảnh chụp tại vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ). Ảnh: Nhật Lân

Theo các cán bộ tham gia công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng ở huyện Tương Dương, lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là rất rõ nét; nhưng qua đó cũng có thể thấy các đối tượng tham gia bảo vệ rừng rất trông đợi nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nguồn kinh phí này được chi trả quy định thực hiện 2 lần/năm (vào đầu và cuối năm, là những dịp nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao).

Vậy nhưng, cho đến thời điểm hiện tại khi đã cận kề Tết Nguyên đán 2017, việc chi trả kinh phí năm 2016 mới chỉ được thực hiện ở các vùng thuộc lưu vực thủy điện Bản Vẽ (có đơn giá tạm tính là 229.000 đồng/ha/năm). Còn với các vùng thuộc lưu vực của thủy điện Khe Bố và Nậm Nơn thì tạm thời chưa thực hiện do đơn giá tạm tính chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2016 quá thấp.

Về vấn đề này, ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Căn cứ thông báo đơn giá chi trả tiền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, lưu vực thủy điện Nậm Nơn, Khe Bố có đơn giá bảo vệ rừng tạm tính thấp, chỉ được từ 28.000 - 48.000 đồng/ha/năm. Trong khi đó, số tiền chi trả đợt 1/2016 theo mức tạm ứng lại không quá 50%, vì vậy, phần lớn các hộ, nhóm hộ gia đình nhận bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng ở tại các lưu vực các thủy điện này được nhận số tiền rất ít ỏi.

Nếu thực hiện, sẽ gây khó khăn cho người dân trong quá trình đi lại, cũng như lực lượng chi trả và chính quyền địa phương. Chính vì vậy, huyện Tương Dương đã có ý kiến với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, thống nhất trong tháng 1/2017 chỉ chi trả cho các đối tượng thực hiện bảo vệ rừng thuộc lưu vực thủy điện Bản Vẽ. Còn tại các lưu vực thủy điện Nậm Nơn, Khe Bố sẽ thực hiện chi trả một lần sau khi hoàn thành nghiệm thu cấp quản lý (dự kiến chi trả trong tháng 4/2017), đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét có sự hỗ trợ thêm…”.

Ở huyện Quế Phong, thời điểm hiện tại, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đang được thực hiện đợt 1. Tại địa phương này, cũng có những khu vực có đơn giá rất thấp. Như tại xã Hạnh Dịch, có nhiều người dân thuộc cộng đồng thôn bản tham gia bảo vệ rừng lưu vực thủy điện Sao Va chỉ được nhận vài chục nghìn đồng; cá biệt có người chỉ được vài nghìn đồng... 

Cần có giải pháp bền vững

Về quy định, ở lưu vực nào có nhà máy thủy điện sản xuất điện năng lớn thì ở đó có nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng tương xứng. Thực tế, sự chênh lệch về đơn giá giữa các lưu vực thủy điện cũng không phải là mới chỉ xảy ra trong năm nay, và UBND tỉnh từng đã phải có phương án hỗ trợ bổ sung cho những nơi có đơn giá thấp.

Cụ thể như năm 2015, UBND tỉnh đã quyết định sử dụng nguồn kinh phí thu được từ dịch vụ môi trường rừng các năm 2011, 2012, 2013 (chưa có đối tượng chi cùng thời điểm) để hỗ trợ cho các lưu vực thủy điện Khe Bố, Bản Cánh, Nậm Pông, Sao Va, Nậm Nơn, Yên Thắng, Ca Lôi với kinh phí lên đến trên 17.557 triệu đồng (đảm bảo sự đồng đều về đơn giá chi trả là 200.000 đồng/ha/năm).

Các lực lượng phối hợp kiểm tra bảo vệ rừng.
Các lực lượng phối hợp kiểm tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nhật Lân

Cuối năm 2016, tại cuộc họp Hội đồng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, vấn đề về chênh lệch đơn giá giữa các lưu vực thủy điện tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cũng đã dự báo về những phức tạp sẽ nảy sinh như: Các chủ rừng, đối tượng bảo vệ rừng có sự so bì so sánh; Khó khuyến khích người dân tích cực bảo vệ rừng; Nhận thức của đồng bào tham gia bảo vệ rừng còn hạn chế khó tuyên truyền giải thích về chính sách… Qua đó, kiến nghị các thành viên của Hội đồng xem xét, có phương án trình các sở, ngành có liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ.

Trao đổi với PV, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, ông Nguyễn Khắc Lâm cho hay, mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương, sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ cho các lưu vực có đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp. Về kinh phí hỗ trợ, là từ các nguồn ngân sách nhà nước theo đúng tiêu chí và nguồn kết dư của quỹ còn lại từ các năm trước đây.

Sau khi được UBND tỉnh cho chủ trương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đang thực hiện rà soát lại các lưu vực có đơn giá thấp; căn cứ các nguồn vốn hiện có để xây dựng kế hoạch. Khi kế hoạch được thực hiện xong sẽ trình các sở, ngành có liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt…

Như vậy là, những băn khoăn về chênh lệch đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực thủy điện trong năm 2016 đã được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết; các đối tượng tham gia bảo vệ rừng tại các lưu vực thủy điện có đơn giá thấp sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là sự chênh lệch về đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực thủy điện sẽ còn diễn ra trong các năm tiếp theo.

Nếu không có một bài toán căn cơ để xử lý theo hướng lâu dài thì “đến hẹn”, vấn đề đơn giá thấp trong chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ “lại lên” và nảy sinh phức tạp. Giải pháp căn bản là phải có nguồn kinh phí hợp pháp, đúng tiêu chí và ổn định. Vậy nhưng, theo tìm hiểu, nguồn kết dư từ thu dịch vụ môi trường rừng từ các năm trước đã cạn. Vậy nguồn kinh phí hỗ trợ ổn định cho các lưu vực thủy điện có đơn giá thấp sẽ được lấy từ đâu? Đây là vấn đề cần được Hội đồng và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng quan tâm, nghiên cứu.

Theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ,  rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý; Diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý được hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm.

Theo Điều 9 của Nghị định 75, ngân sách nhà nước đảm bảo các khoản chi quy định tại Nghị định này và được bố trí hàng năm trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phân bổ như sau: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; Ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí đối với địa phương có tỷ lệ điều tiết nguồn thu về Trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% nhu cầu kinh phí…

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới