Đổi thay trên quê hương Đại tướng Chu Huy Mân

Là vùng quê ven đô, những năm gần đây xã Hưng Hòa (TP. Vinh) đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế – xã hội. Bằng nội lực và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống mọi mặt của người dân Hưng Hòa đang từng bước được nâng cao, kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến xứng đáng là quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân.

Nhiều người lâu ngày trở lại xã Hưng Hòa, đi trên tuyến đường đê Tả Lam, còn gọi là đường sinh thái ven sông Lam đoạn từ cầu Bến Thủy xuôi về Cửa Hội, qua địa bàn xã, không khỏi có cảm giác vừa quen, vừa lạ. Quen, vì vẫn là những lũy tre, rặng bần, cánh đồng và đầm tôm là những thứ gắn bó với vùng quê này từ bao đời. Lạ, vì xóm làng nay như “bừng sáng”, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, những tuyến đường rộng và thẳng vừa hoàn thành, nhiều công trình đang hối hả thi công.

Hưng Hòa xưa có tên gọi là xã Yên Lưu, thuộc tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên. Dịp này về đây, chúng tôi được nghe bà con kể những câu chuyện về Đại tướng Chu Huy Mân với niềm tự hào khôn xiết khi quê hương sinh ra một vị tướng có công lao rất lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh).
Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng Hòa (TP. Vinh).

Người dân Hưng Hòa kể rằng, xưa kia cuộc sống người dân đói nghèo, cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, luôn bị bọn lý trưởng, chánh tổng và tay sai ức hiếp, dọa nạt. Cũng như bao gia đình khác, cuộc sống của vợ chồng ông Chu Văn Quý – bà Trần Thị Xân (song thân phụ mẫu của Đại tướng Chu Huy Mân) luôn trong cảnh túng bấn. Ông Quý có lúc phải đi làm phu xe kiếm sống và qua đời sớm vì lao lực khi con trai út là Chu Văn Điều (tức Chu Huy Mân) mới 14 tháng tuổi. Trong cơn bĩ cực ấy, bà Trần Thị Xân đã phải dứt ruột bán đi 2 người con gái để các con vừa có cơ hội được sống, vừa có tiền nuôi 6 người con ở nhà. Và người mẹ ấy đã mất trong nạn đói năm Ất Dậu (1945), trước khi chính quyền về tay cách mạng.

Nhà nghèo, nhưng người con trai út Chu Văn Điều (sinh năm 1913) của ông bà Chu Văn Quý – Trần Thị Xân được tạo điều kiện đến lớp học hành, sớm giác ngộ cách mạng và quyết tâm theo con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và đã trở thành hạt nhân của phong trào cách mạng ở địa phương.

Người dân xã Hưng Hòa mưu sinh trên dòng sông Lam.
Người dân xã Hưng Hòa mưu sinh trên dòng sông Lam.

Thuở xưa trước ấy, nằm ở hạ nguồn sông Lam, ở Yên Lưu vào cuối Thu, đầu Đông, khi thủy triều rút, dọc bãi sông rươi nổi rất nhiều, bà con cùng nhau ra vớt. Được ví là “lộc trời”, loài rươi đã giúp người dân xoa dịu phần nào “cơn đói” và sự thiếu thốn trong những năm đen tối nhất dưới ách phong kiến, thực dân. Năm 1929, rươi nổi nhiều, người ra vớt rất đông, chàng thanh niên Chu Văn Điều đã hòa vào dòng người ra bãi sông vớt rươi để tuyên truyền đường lối đấu tranh cách mạng.

Những người nông dân vốn chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” luôn nghĩ cuộc sống tăm tối, khổ cực là do số phận, qua những lời trao đổi của người thanh niên có học thức ấy, họ đã hiểu ra nỗi khổ nhục bao đời xuất phát từ chế độ thực dân – phong kiến. Và muốn cởi bỏ gông xiềng nô lệ, chỉ có con đường duy nhất là vùng lên tranh đấu dưới sự lãnh đạo của tổ chức cách mạng, có tư tưởng vì dân, vì nước. Đến cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, người dân Yên Lưu cùng bà con khắp nơi đã vùng lên đấu tranh khiến bọn cường hào, lý trưởng một phen kinh hồn, bạt vía. Người thanh niên Chu Văn Điều được cử làm Đội phó Đội Tự vệ đỏ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 11/1930. Từ đó, chiến sĩ cộng sản Chu Văn Điều – Chu Huy Mân bền bỉ trên con đường cách mạng, dù có những lúc bị giam cầm, tù đày nhưng vẫn kiên gan, bền chí và sau này trở thành vị tướng lẫy lừng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Một góc xã Hưng Hòa hôm nay.
Một góc xã Hưng Hòa hôm nay.

Xuất phát từ vị trí ở hạ nguồn sông Lam, địa hình lại thấp trũng nên Hưng Hòa xưa nay là “chiếc túi” chứa nước, khiến vùng đất này luôn trong tình trạng ngập úng và bị nhiễm mặn. Cũng vì thế mà cuộc mưu sinh của những con người nơi đây khó khăn hơn, hạt lúa, củ khoai cũng chứa nặng hơn phần gian nan, khó nhọc. Với sự cần cù, chịu khó, người dân Hưng Hòa luôn tìm cách để thích nghi, biến những bất lợi, khó khăn trở thành lợi thế, thành phương cách để mưu sinh.

Những vùng ít ngập úng và không bị nhiễm mặn được quy hoạch thành đồng ruộng tốt tươi, mùa nào lúa cũng bời bời trổ bông, đơm hạt. Còn những vùng không thể cấy lúa được quy hoạch thành đồng cói làm nguyên liệu cho nghề dệt chiếu; có vùng hình thành những điểm chăn nuôi vịt, rồi đầm nuôi tôm. Phía trước, bên kia đê là sông Lam, ngày ngày có những con thuyền ngược xuôi quăng chài, buông lưới.

Đầm nuôi tôm ở Hưng Hòa.
Đầm nuôi tôm ở Hưng Hòa.
Rừng bần - tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của xã Hưng Hòa.
Rừng bần - tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của xã Hưng Hòa.

Cách nội thành không xa, nhưng một thời có cảm giác như Hưng Hòa nằm tách biệt với thành phố, bởi vùng đất này vẫn đẫm chất thôn quê. Vẫn là cánh đồng tít tắp, đầm tôm mênh mông, rặng bần xanh mượt, con đường nhỏ quanh co, nhà cửa thấp bé. Nhưng nhiều năm gần đây, Hưng Hòa đã “bừng tỉnh” một phần nhờ sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, phần khác nhờ vào địa thế và nội lực.

Giao thông được xem là “mạch máu” kinh tế – xã hội của địa phương, gần đây xã Hưng Hòa được đầu tư xây dựng một số tuyến đường trọng điểm, tạo điều kiện để thay đổi bộ mặt đời sống. Ngoài tuyến đường đê Tả Lam đi qua địa bàn có thể kể đến tuyến đường 35m, đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài và đường trung tâm xã. Những tuyến đường này tạo điều kiện để việc đi lại, giao thương thuận tiện và kết nối với vùng nội thành Vinh và phố biển Cửa Lò để thúc đẩy quá trình phát triển và đô thị hóa.

Các tuyến đường đang được đầu tư xây dựng ở Hưng Hòa sẽ mở rộng sự kết nối với vùng nội thành Vinh và các vùng lân cận.
Các tuyến đường đang được đầu tư xây dựng ở Hưng Hòa sẽ mở rộng sự kết nối với vùng nội thành Vinh và các vùng lân cận.

Cùng với quá trình đô thị hóa là sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành, nghề khác. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của Hưng Hòa đạt 305,1 tỷ đồng (đạt 102,1% kế hoạch năm). Điều đáng nói là cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi rõ rệt khi tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 45,3%; dịch vụ – thương mại chiếm 36,2% và tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp chỉ chiếm 18,5%.

Hiện nay, Hưng Hòa có dự án bất động sản lớn đang triển khai là Khu đô thị Eco Central Park của Nhà sáng lập Ecopark với tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD gồm nhà ở biệt thự, nhà phố kinh doanh, nhà ở liền kề, chung cư căn hộ cao cấp. Những dự án này hứa hẹn sẽ tiếp tục làm thay đổi bộ mặt Hưng Hòa trong tương lai gần, góp phần phát triển thương mại – dịch vụ, nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nhân dân.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Hòa – bà Nguyễn Thị Diệu Linh cho biết: “Những năm gần đây, đời sống mọi mặt của người dân Hưng Hòa đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ – thương mại tăng nhanh, thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, thu hút được nhiều dự án lớn, thu nhập đang dần được nâng cao. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hưng Hòa đang phát huy nội lực quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xứng đáng là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân”.

Xã Hưng Hòa gần đây đã thu hút được nhiều dự án lớn, hứa hẹn sẽ làm đổi thay diện mạo đời sống của quê hương Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: CSCC
Xã Hưng Hòa gần đây đã thu hút được nhiều dự án lớn, hứa hẹn sẽ làm đổi thay diện mạo đời sống của quê hương Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: CSCC