Đổi tiền lẻ, tiền mới ở Nghệ An: Ngân hàng khan hiếm, 'chợ đen' sôi động

(Baonghean.vn) - Dịp Tết, nhu cầu đổi các loại tiền mệnh giá nhỏ, tiền mới để mừng tuổi, đi đền chùa tăng cao. Hiện hỏi các ngân hàng thì đều báo là không có tiền lẻ, tiền mới, tuy nhiên, trên các trang facebook cá nhân, dịch vụ này khá sôi động… dù đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra công khai, rầm rộ thu hút nhiều người giao dịch. Ảnh: Thanh Phúc
Trên các trang mạng xã hội, các hội nhóm dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra công khai, rầm rộ thu hút nhiều người giao dịch. Ảnh: Thanh Phúc

Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều khách hàng khi đến giao dịch tại các ngân hàng đều có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới, song hầu hết các ngân hàng đều từ chối với lý do “cạn nguồn”.

Theo khảo sát của Báo Nghệ An, trong khi các ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh đều báo không có tiền mới, không đổi tiền lẻ thì thị trường này lại rất sôi động trên facebook và các điểm đổi tiền ở tiệm vàng mã, cạnh các đền, chùa.
Mức phí giao dịch đổi tiền lẻ, tiền mới dao động từ 10-30% (tùy mệnh giá). Ảnh: Thanh Phúc
Mức phí giao dịch đổi tiền lẻ, tiền mới dao động từ 10-30% (tùy mệnh giá). Ảnh: Thanh Phúc

Những điểm đổi tiền này cam kết, bao nhiêu cũng có đồng thời khẳng định luôn có tiền mới, tiền nguyên sê-ri.

Theo tìm hiểu, với tờ mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng phí đổi ở mức 20 - 30% (tức đổi 1 triệu mất 200.000 đồng - 300.000 đồng tiền phí); tờ mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng mức phí từ 10-15% (tức đổi 1 triệu đồng thì mất 100.000 - 150.000 tiền phí). Phía dưới mỗi thông báo đổi tiền lẻ là hàng trăm bình luận giao dịch. Liên hệ với một tài khoản Facebook cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, chị V.H cho biết: “Càng sát Tết thì dịch vụ này càng “nóng”, tờ tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí càng lớn. Đặc biệt là tờ 5.000 đồng, hiện rất khan hiếm. 

Ngoài ra, ở đền ông Hoàng Mười, các ki-ốt quanh đền đều cấp dịch vụ đổi tiền lẻ với mệnh giá từ 1.000 -10.000 đồng (bao gồm cả tiền cũ và tiền mới) với phí trung bình 20%. Đối tượng khách hàng mà các chủ ki-ốt hướng đến là người đi đền, đi chùa, bỏ hòm công đức, tiền lộc, tiền cúng dường.

Khách đến các tiệm vàng đổi ngoại tệ, chủ yếu là tờ 2 USD và mua vàng thần tài hình chuột khá đông. Ảnh: Thanh Phúc
Khách đến các tiệm vàng đổi ngoại tệ, chủ yếu là tờ 2 USD và mua vàng thần tài hình chuột. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện, các tiệm vàng cũng tung ra dịch vụ đổi ngoại tệ với mệnh giá 2 USD, theo quan niệm của nhiều người là tờ tiền mang lại nhiều may mắn. Tuy nhiên, số lượng người đến giao dịch không nhiều, phí đổi cũng nằm quanh mức 15-20%.

Theo quy định, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, ăn phí là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014 có nêu rõ, mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần. 

Tin mới