Đón Xuân trên chốt của những người lính biên phòng

(Baonghean.vn) - Tết đến, Xuân về là dịp để gia đình đoàn viên, sum họp, còn những người lính biên phòng vẫn tìm mọi cách để chống đỡ với giá lạnh và tuần tra, canh gác phòng, chống người nhập cảnh trái phép.
Từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, BĐBP tỉnh đã chủ trì phối hợp với các lực lượng thành lập 67 tổ chốt cố định và cơ động trên biên giới để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Ảnh:
Những người lính biên phòng còn phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện địa hình, miền núi hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Anh Bách
Những ngày cuối năm âm lịch tại các chốt phòng dịch trên tuyến biên giới Tây Nghệ An, khi nhà nhà đang hân hoan chuẩn bị đón mùa Xuân mới thì trong không gian khá chật hẹp tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ biên phòng thực hiện nhiệm vụ trên các chốt phòng, chống Covid-19 đều phải lấy máu, xét nghiệm nhanh để kiểm tra sức khỏe. Âm tính. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Vậy là cả năm qua, khi phải tiếp xúc với nhiều người lạ từ biên giới về, các anh vẫn đảm bảo được an toàn.
Cán bộ chốt số 4 , đồn Biên phòng CKQT Nậm Cắn chăm sóc rau. Ảnh: Anh Bách
Cán bộ chốt số 4 , đồn Biên phòng CKQT Nậm Cắn chăm sóc rau. Ảnh: Anh Bách

Không chỉ đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh từ những người nhập cảnh trái phép, những người lính biên phòng còn phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện địa hình, miền núi hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt.

Những ngày cuối Đông, thời tiết ở vùng miền núi phía Tây càng trở nên lạnh giá. Thế nên, bên cạnh những thiếu thốn về mặt tinh thần, những người lính biên phòng còn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Đơn giản như việc tăng gia sản xuất ở chốt phòng, chống Covid-19 số 4 của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, mặc dù thời tiết ẩm ướt, nhưng cán bộ, chiến sỹ vẫn phải thay phiên nhau tưới rau thường xuyên, để rửa sạch sương muối; rồi việc nghiên cứu để lựa chọn giống rau như thế nào để trồng cho phù hợp với khí hậu nhằm đảm bảo rau xanh cho những bữa ăn hàng ngày cũng được các anh quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả.

Cùng với việc tăng gia sản xuất để đảm bảo thực phẩm, rau xanh tại chỗ thì có một số thực phẩm không thể thiếu tại các chốt phòng dịch Covid – 19 là cá khô và lạc khô. Đây là những loại thực phẩm mà tại các tổ chốt Biên phòng đều phải dự trữ thường xuyên để phục vụ cho những ngày thời tiết xấu, đơn vị không thể cử người tiếp phẩm cho các tổ chốt. Đại úy Ngô Quang Hiếu - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: “Anh em xác định tốt tư tưởng, quyết tâm vượt qua khó khăn và quyết tâm bám chốt. Nhiều đồng chí đã xung phong tình nguyện trực Tết và trực chốt cho đến hết dịch để đảm bảo làm sao an toàn cho người dân đón một cái Tết yên vui và làm tốt công tác phòng, chống dịch trên biên giới”.

Niềm vui của các cán bộ tổ chốt sau giờ tuần tra. Ảnh: Anh Bách
Niềm vui của các cán bộ tổ chốt sau giờ tuần tra. Ảnh: Anh Bách

Bên cạnh đó, có những điểm chốt cách xa đơn vị, địa bàn dân cư, việc đảm bảo thực phẩm của cán bộ, chiến sỹ chủ yếu bằng mang vác bộ, hành quân đường rừng. Thiếu tá Nguyễn Bá Quyền - Chốt trưởng chốt Huồi Cọ, Đồn Biên phòng Nhôn Mai chia sẻ: “Có nhiều hôm mưa 2 tuần liền anh em phải đi bế gạo về và bị trượt ngã, thậm chí gạo bị ướt, về phải nhen lửa để hong gạo cho khô. Đến khi nấu ăn cứ nghe mùi khói”.

Một số chốt còn phải có các phương án để tránh thú dữ tấn công. Như ở điểm chốt thuộc Đồn Biên phòng Phúc Sơn, cán bộ, chiến sỹ ở đây đã phải dùng những chai nhựa, cho đá vào và căng dây treo lên xung quanh chốt để cảnh báo, phòng, chống voi rừng tấn công chốt. Những vật dụng này sẽ phát ra tiếng kêu khi đàn voi chạm vào các sợi dây, qua đó anh em phát hiện và chủ động để phòng tránh.

Đoàn thanh niên, phụ nữ BĐBP tỉnh gói bánh, muối dưa hành tặng các tổ chốt. Ảnh: Anh Bách
Đoàn thanh niên, phụ nữ BĐBP tỉnh gói bánh, muối dưa hành tặng các tổ chốt. Ảnh: Anh Bách

Mặc dù đã quen với điều kiện địa hình và thời tiết vùng miền núi, tuy nhiên, trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, những chuyến tuần tra dày đặc ít nhiều đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Trong những khó khăn chồng chất ấy, lại càng thấu hiểu những hy sinh, mất mát mà người lính mang quân hàm xanh gánh chịu. Không ít cán bộ, chiến sỹ đã gác lại việc riêng để tham gia trực chốt phòng, chống dịch như hoãn cưới, vợ sinh con, bố mẹ, vợ con ốm đau đi viện nhưng không thể về… Bình yên của bà con nhân dân được đánh đổi bằng những vất vả, gian nan của bộ đội biên phòng, nhưng đó cũng chính là động lực để cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng quyết tâm nêu cao khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Hàng trăm đối tượng vượt biên trái phép được bắt giữ kịp thời, xử lý theo quy định của pháp luật. Cho tới nay, tỉnh Nghệ An vẫn được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả những thành quả đó, có đóng góp không nhỏ của những người lính biên phòng từ cao điểm thép ở chốn biên cương rừng sâu.

Chốt Huồi Cọ chuẩn bị bánh chưng Tết. Ảnh: Anh Bách
Chốt Huồi Cọ chuẩn bị bánh chưng Tết. Ảnh: Anh Bách

Thấu hiểu với những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thủ trưởng cấp trên, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ ở các điểm chốt. Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ BĐBP tỉnh cũng đã tổ chức gói bánh chưng, muối dưa hành để gửi đến các tổ chốt, với mong muốn gửi tình cảm, sẻ chia của tuyến sau đối với những người lính đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên biên giới.

Đặc biệt, đồng bào các dân tộc vùng biên cũng dành nhiều tình cảm cho cán bộ, chiến sỹ ở điểm chốt. Như ở chốt Huồi Cọ, Đồn Biên phòng Nhôn Mai, người dân đã mang những sản vật của địa phương như sắn, gừng, gạo, lá dong… đến tặng cho tổ chốt. Những lúc bà con lên thăm là những lúc tổ chốt có thêm tiếng nói cười. Anh Và Khua Đớ - Trưởng bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai chia sẻ: “Thương các chú bộ đội, ngày Tết không được về quê mà vẫn tuần tra để cho bà con yên tâm đón Tết. Mong sau Tết dịch bệnh được khống chế để cho các chú về thăm vợ con …”. Sự quan tâm đó là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với cán bộ, chiến sỹ, nhất là trong mùa giá lạnh ở miền núi cao.

Để giữ an toàn cho nhân dân, những người lính biên phòng phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh từ những người nhập cảnh trái phép. Ảnh: Anh Bách
Để giữ an toàn cho nhân dân, những người lính biên phòng phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh từ những người nhập cảnh trái phép. Ảnh: Anh Bách

Những cành đào nơi núi rừng biên cương đã bắt đầu đâm chồi, nảy lộc. Thời gian những người lính biên phòng đóng quân trên các chốt phòng, chống Covid-19 cũng đã tính bằng năm. Ở các anh, câu khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” đến từ trong tâm tưởng, trong trách nhiệm của người lính với Đảng, với Nhân dân. Bởi thế, những chiếc bánh chưng ngày Tết, dẫu không đủ đầy thịt mỡ, dưa hành, cũng sẽ cùng họ viết nên khúc quân hành trong những ngày vui lễ cổ truyền của cả dân tộc.

Tin mới