Donald Trump sẽ làm gì đầu tiên nếu lãnh đạo Nhà Trắng

Lên phác thảo bức tường ngăn cách Mexico hay nhanh chóng hiện thực hóa kế hoạch cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ là những việc tỷ phú Donald Trump có thể sẽ làm đầu tiên.

Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump. Ảnh: Reuters

Với việc thống đốc bang Ohio John Kasich, đối thủ duy nhất còn lại của Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa, rời cuộc đua vào Nhà Trắng, nhà tài phiệt New York sẽ nghiễm nhiên trở thành ứng viên đại diện đảng tranh cử tổng thống Mỹ. Rất nhiều người Mỹ lúc này mới dần cảm nhận được sự hồi hộp xen lẫn hoang mang trước viễn cảnh Donald Trump ngạo nghễ ngồi giữa Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, theo New York Times.

Dựa vào những cuộc phỏng vấn mà tỷ phú Trump thực hiện gần đây, giới quan sát vẽ nên bức tranh giả định về nước Mỹ cũng như phác thảo một số chính sách mà ông có thể sẽ thực hiện trong ba tháng đầu làm tổng thống.

Chiến lược và quyết sách

Không lâu sau khi kết thục cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 8/11, tổng thống mới đắc cử Donald Trump và phó tổng thống sẽ bắt đầu phỏng vấn các ứng viên cho vị trí còn trống trong Tòa án Tối cao, đồng thời nhanh chóng ấn định một ứng cử viên sở hữu những phẩm chất tốt đẹp tương tự thẩm phán tối cao Antonin Scalia, người vừa qua đời hồi tháng hai.

Tổng thống Trump cũng sẽ bắt tay vào "xây dựng bộ máy chính quyền dựa trên các mối quan hệ", có lẽ khởi động bằng việc mời các lãnh đạo đảng Cộng hòa Paul D. Ryan và Mitch McConnell rời xa cái lạnh giá của mùa thu ở Washington để đến thả mình thư giãn tại biệt thự nghỉ dưỡng siêu sang Mar-a-Lago, Florida, do ông làm chủ.

Vào ngày tuyên thệ nhậm chức, ông đến dự một hoặc hai buổi dạ tiệc "đẹp đẽ" nào đó rồi sau đó sẽ tập trung chủ yếu vào việc hủy các mệnh lệnh đã được chính phủ thông qua của người tiền nhiệm Barack Obama về vấn đề nhập cư, và gọi điện thoại cho giám đốc điều hành những tập đoàn lớn để cảnh báo về các biện pháp trừng phạt họ phải nhận nếu đưa việc làm ra khỏi nước Mỹ.

Vào ngày cuối cùng trong ba tháng đầu tiên ông đảm nhận cương vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, bản thiết kế bức tường ngăn cách Mexico sẽ hoàn tất, lệnh cấm người Hồi giáo chuẩn bị có hiệu lực, công tác kiểm toán Cục Dự trữ Liên bang đang trong quá trình thực hiện và các kế hoạch bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng (Affordable Care Act) cũng sẽ đi vào hoạt động.

"Tôi hiểu rằng, ngay lúc này, người ta không thể biết một tổng thống Trump sẽ như thế nào", ông nói. "Song mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thỏa. Tôi không tranh cử tổng thống chỉ để khiến đất nước trở nên bất ổn".

Tờ New York Times đã phỏng vấn tỷ phú Trump tổng cộng ba lần trong hai tháng qua. Tại những buổi nói chuyện này, ông thường xuyên nhắc đến việc biến Phòng Bầu dục thành một nơi họp mặt của những lãnh đạo cấp cao, hay đề cập tới chuyện trao nhiều quyền lực vào tay các lãnh đạo quân sự hơn là những chuyên gia đối ngoại trong các phiên thảo luận về an ninh quốc gia. Ông cũng không ít lần bày tỏ thái độ gay gắt hay lên tiếng chỉ trích các đối thủ.

Donald Trump có thể hạn chế chia sẻ trên Twitter nhưng tất cả mọi người đều sẽ biết ông ấy nghĩ gì, bình luận viên Patrick Healy nhận xét.

"Là một tổng thống, tôi sẽ làm việc với phó tổng thống và đội ngũ của mình ngay từ những ngày đầu để đảm bảo rằng nước Mỹ phải thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp lên", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 30/4. "Chúng ta không thể lãng phí thời gian hơn nữa. Tôi muốn phó tổng thống phải hỗ trợ mình để tạo ra những tác động đáng kể trên Capitol Hill (quốc hội Mỹ). Thông điệp mà tôi gửi tới người dân cả ở trong và ngoài nước Mỹ luôn phải rõ ràng rằng chính phủ Mỹ sẽ dùng sức mạnh theo cách hoàn toàn khác".

Bên cạnh đó, Trump cũng ý thức được việc sẽ phải đối mặt với những làn sóng biểu tình lớn và dai dẳng, phản đối ông trở thành tổng thống Mỹ.

Ông Trump từng nói sẽ cố gắng đoàn kết các thành viên đảng Cộng hòa với những người bất mãn thuộc đảng Dân chủ và cả những cử tri độc lập trong vòng 6 tháng tới, trước khi cuộc tổng tuyển cử tháng 11 diễn ra. Sau đó, ông sẽ nỗ lực hết mình nhằm cho người Mỹ thấy ưu tiên hàng đầu của ông luôn là đấu tranh vì quyền lợi cũng như nhu cầu của dân chúng.

Theo tỷ phú Trump, việc ông không phải vận động những nhà tài trợ giàu có để lấy kinh phí hoạt động cho chiến dịch tranh cử có thể sẽ là yếu tố thu hút một lượng lớn cử tri ủng hộ bởi qua đó, họ sẽ thấy ông không phải là người "bị mua chuộc".

"Tôi biết nhiều người không ưa gì những việc tôi làm nhưng tôi không tranh cử để trở thành một tổng thống mà ai nấy đều yêu quý", ông Trump cho hay. "Quốc gia này đang vấp phải những sai lầm nghiêm trọng. Người dân đang bị tổn thương, các ngành nghề kinh doanh đang bị tổn thương. Tôi làm tổng thống để nhanh chóng tạo ra những thay đổi lớn lao".

Một số người bạn và đồng minh của Trump cho biết, "đàm phán" là từ mà ông sử dụng nhiều nhất khi nói về những dự định trong 100 ngày đầu tiên điều hành văn phòng tổng thống. Ông muốn đưa những người có ý chí mạnh mẽ, như giám đốc doanh nghiệp hay tướng lĩnh, vào các cơ quan nội các hay đề bạt họ vào hàng ngũ cố vấn cao cấp của mình. Từ đó, ông sẽ điều hành họ tham gia quá trình đàm phán hay lên kế hoạch hành động với những lãnh đạo quốc hội và quan chức nhà nước, cũng như công ty bảo hiểm hoặc các thành phần khác trong khu vực tư nhân.

"Ông ấy sẽ không xa rời những chương trình nghị sự đã đề ra", Roger Stone, cố vấn chính trị cho chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump, cho hay. "Từng hàng nghìn lần tuyên bố 'Tôi sẽ xây tường chắn', thế nên ông ấy chắc chắn phải xây tường chắn".

Tuy nhiên, ông Trump sẽ phải trải qua một chặng đường vô cùng khó khăn nếu muốn hoàn thành tất cả những gì từng hứa.

"Trump cho rằng ông ấy có thể thực hiện mọi điều đã nêu ra nhưng lượng công việc mà ông phải giải quyết sẽ là vô cùng lớn, bên cạnh đó quyền lực mà ông nắm trong tay cũng sẽ bị hạn chế bởi những tiền lệ, bởi sự quan liêu hay bởi chính Hiến pháp", nhà sử học Robert Dallek nhận định. "Ngay cả trong vấn đề thương mại và nhập cư, lĩnh vực mà ông Trump khẳng định sẽ tạo nên một bước chuyển đổi mang tính cách mạng, quốc hội cũng có tiếng nói của riêng mình. Rất nhiều bên sẽ vào cuộc. Tổng thống không phải một vị vua".

Thế nhưng, Trump từng nói sẽ giữ lời hứa đến cùng, ngay cả khi chúng có thể gây rắc rối cho ông hay thậm chí tạo nên một cơn thịnh nộ trong công chúng.

Nhà tài phiệt cho biết, trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng, ông sẽ gặp các quan chức An ninh Nội địa, tướng lĩnh quân đội cùng những chính trị gia khác để bàn biện pháp thắt chặt biên giới phía nam, đồng thời điều động thêm nhân viên an ninh canh gác tại đây.

Ông cũng sẽ gọi cho người đứng đầu các công ty như Pfizer, Carrier Corporation, Ford hay Nabisco để cảnh báo rằng sản phẩm của họ có khả năng phải đối mặt với mức thuế 35 % bởi họ đang chuyển công ăn việc làm ra khỏi nước Mỹ.

"Các cuộc đối thoại song phương với phía Mexico về vấn đề dựng tường chắn sẽ nhanh chóng được khởi động và tôi sẽ sớm triệu tập các giám đốc điều hành tới Phòng Bầu dục", ông nói. "Phòng Bầu dục là một nơi tuyệt vời để đàm phán. Nó sẽ khiến đối phương phải hành xử tôn trọng và lập tức hiểu ra những ưu tiên của quốc gia là gì".

Khi được hỏi về việc ông sẽ gọi cho lãnh đạo nước ngoài nào trước tiên với cương vị tổng thống Mỹ, Trump nhấn mạnh "họ không cần thiết phải là một ưu tiên hàng đầu".

"Chúng ta cần có quan điểm cứng rắn hơn với các nước khác", ông nói. "Chúng ta lúc này như cảnh sát toàn cầu vậy. Vì thế, tôi sẽ không gọi cho họ ngay lập tức".

"100 ngày đầu tiên của ông ấy sẽ gây nhiều chú ý", Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí của tổng thống George W. Bush, bình luận. Câu hỏi đặt ra là liệu Donald Trump có đủ khả năng để xây dựng một bộ máy chính quyền thực sự hiệu quả hay không, xuất phát từ những tuyên bố hùng hồn trong chiến dịch tranh cử, ông Fleischer đánh giá.

Theo Vnexpres

TIN LIÊN QUAN

Tin mới