Đồng bào Đan Lai lần đầu tiên biết đào ao thả cá, trồng rau nuôi gà ở quê mới

(Baonghean.vn)- Sau 2 tháng đến nơi ở mới tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) cuộc sống người dân Đan Lai đã có những đổi mới, đặc biệt có sự chuyển biến rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm.
Trở lại khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự thay đổi của cảnh vật và con người nơi đây.
Khu Tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh: Xuân Hoàng
Khu Tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông La Văn Thái, chủ căn nhà số 19 niềm nở: "Ra nơi ở mới, gia đình sinh sống trong ngôi nhà sàn bằng bê tông rộng rãi, nên rất yên tâm. Sau khi nhập trạch được 1 tuần, vợ chồng ta vào rừng lấy cây nứa về rào mảnh vườn, sau đó mua mấy chục mét lưới hết 1 triệu đồng để vây xung quanh. Làm như vậy, mình trồng cây rau không sợ đàn gà chui vào phá hoại...".

Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên vào giúp đồng bào trồng rau. Ảnh: TTCC.
Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên vào giúp đồng bào trồng rau. Ảnh: TTCC. 

Sau khi khoanh vườn, vợ chồng ông Thái đã mua cuốc, vẹt mới để trồng cây rau màu. Cách đây 3 ngày, đoàn thanh niên xã Thạch Ngàn vào hướng dẫn gia đình cách làm đất, lên luống và trồng mẫu 1 luống rau khoai và 1 luống hành. “Tới đây gia đình sẽ trồng rau cải và một số loại rau khác trên mảnh đất vườn này để chủ động rau xanh hàng ngày, không phải vào rừng kiếm thức ăn như trước” - ông La Văn Thái bộc bạch.


Vợ chồng ông La Văn Thái, số nhà 19 tích cực tăng gia sản xuất, gieo trồng rau màu. Ảnh: Quang An
Vợ chồng ông La Văn Thái, số nhà 19 tích cực tăng gia sản xuất, gieo trồng rau màu. Ảnh: Quang An

Đến căn nhà số nhà 21, chúng tôi ngạc nhiên hơn, bởi gia đình này không những rào được vườn đẹp mà còn thuê được máy múc đào được ao thả cá sau nhà.

Ông Nguyễn Văn Long, chồng bà La Thị Mơ dẫn chúng tôi ra khu vực ao cá cho hay: "Tận dụng con khe nhỏ, gia đình vay mượn tiền, thuê máy múc về đào liên tục mười mấy ngày, được 3 cái ao, diện tích khoảng 3 sào mặt nước. Mới rồi gia đình mua 30 kg cá giống về thả. Hàng ngày vợ chồng đi hái lá sắn về thái nhỏ cho cá ăn".

Một số hộ dân đã đào được ao nuôi cá phía sau nhà. Ảnh: Xuân Hoàng
Một số hộ dân đã đào được ao nuôi cá phía sau nhà. Ảnh: Xuân Hoàng

Bà La Thị Mơ chia sẻ: "Tre, nứa và dây rừng nhiều vô kể, mình chịu khó lên rừng lấy về rào vườn, làm chuồng gà để sản xuất chăn nuôi, phải tự làm tự ăn thôi chứ không trông chờ nhà nước mãi được...".

Theo ghi nhận của P.V, hầu hết 22 hộ dân Đan Lai đều đã rào được vườn và triển khai làm chuồng nuôi gia cầm. Có được như vậy, trước hết là do sự thay đổi tích cực trong tư tưởng của bà con, sau đó là có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Người dân duy trì tập quán chăn nuôi gia cầm ở dưới những căn nhà sàn. Ảnh: Quang An
Người dân duy trì tập quán chăn nuôi gia cầm ở dưới những căn nhà sàn. Ảnh: Quang An

Theo ông Lô Văn Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết: Sau khi các hộ dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao cho 4 đoàn thể phân công trách nhiệm hướng dẫn cụ thể từng gia đình cách làm vườn, làm ruộng. Theo đó mỗi đoàn thể: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, CCB phân công nhận trách nhiệm hướng dẫn 5 - 6 hộ biết cách trồng trọt, chăn nuôi.

Tại nơi ở mới, bà con Đan Lai có nguồn nước sinh hoạt tại chỗ, không phải vào khe suối lấy nước. Ảnh: Quang An
Tại nơi ở mới, bà con Đan Lai có nguồn nước sinh hoạt tại chỗ, không phải vào khe suối lấy nước. Ảnh: Quang An

Điều mong mỏi của người dân Đan Lai thời điểm này là mong muốn nhà nước sớm bàn giao đất sản xuất, hỗ trợ cây con giống và sửa chữa một số căn nhà đã có biểu hiện xuống cấp do đã xây dựng lâu năm. 

Theo quy hoạch của dự án, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chia cho 35 hộ này là 9,7 ha và 80 ha đất lâm nghiệp. Nhưng do hiện nay mới có 22/35 hộ ra ở, nên huyện chưa  chia đất cho bà con. Dự kiến đến tháng 10, huyện sẽ vận động đủ 35 hộ ra ở, khi đó huyện sẽ chia đất cho bà con theo định mức của nhân khẩu. 

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban quản lý dự án huyện Con Cuông

Đồ họa: Quang An
Đồ họa: Quang An

Đối với vấn đề nhà hư hỏng phần mái, huyện Con Cuông đã nắm bắt tình hình cụ thể của từng hộ, kế hoạch trong tháng 9 này sẽ khắc phục cho bà con ở.

Hiện, huyện đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn của dự án 500 triệu đồng để hỗ trợ bà con khai hoang, làm đất sản xuất nông nghiệp; cây con giống, theo sự đăng ký của từng hộ.

Đồ họa: Quang An
Đồ họa: Quang An

Tin mới