Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành: Ván bài ngã ngũ

(Baonghean.vn) - Theo thông báo từ phía Nga, hôm nay, dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ hoàn thành những km cuối cùng, sẵn sàng cho việc bơm khí đốt từ Nga, qua biển Baltic và cập bến châu Âu tại Đức.

Dòng chảy phương Bắc 2 được ví như một “ván bài năng lượng” với hai người chơi chính là Nga và Đức, trong đó, ý chí chính trị của Đức có vai trò đặc biệt quan trọng giúp dự án này vượt qua rất nhiều tranh cãi, phản đối, thậm chí là các đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành những km cuối cùng. Ảnh: Russia Energy
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành những km cuối cùng. Ảnh: Russia Energy

Sự lựa chọn của nước Đức

Trong một tuyên bố của Điện Kremlin thông báo về tiến độ của Dòng chảy phương Bắc 2, Đức đã được nhắc đến một cách rất trân trọng: “Tổng thống Nga đánh giá cao sự kiên định của phía Đức trong việc hoàn thành dự án này - dự án nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Đức”. Nhưng dù không có những lời ca ngợi của Nga, dư luận đều có thể nhận thấy rất rõ vai trò quan trọng đặc biệt của Đức trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Trong đó, không thể không nhắc đến những nỗ lực đáng kể của Thủ tướng Angela Merkel cho tới những tháng tại nhiệm cuối cùng khi bà tới Washington và nhận được cái gật đầu của Tổng thống Joe Biden về việc hoàn thành dự án đường ống dẫn khí đốt này.

Mọi người đã nói rất nhiều về “sự lôi kéo thần bí” của Nga đối với tầng lớp tinh hoa của Đức - còn được gọi là Russlandversteher. Bà Angela Merkel cũng không phải là ngoại lệ, bất chấp những bất đồng liên quan đến vấn đề Ukraine hay ảnh hưởng của Nga tại Đông Âu. Nhưng bà Angela Merkel đặc biệt tin tưởng về vai trò của nguồn khí đốt do Nga cung cấp đối với an ninh năng lượng Đức, bởi thế Đức đã có sự lựa chọn rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Giống như Dòng chảy phương Bắc 1 (hoàn thành vào năm 2011), dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ cung cấp khí đốt qua 1.200km đường ống dưới biển Baltics, với điểm khởi đầu tại St. Petersburg và cập bờ tại vùng biển phía Bắc của Đức. Với tổng công suất hàng năm khoảng 110 tỷ m3, Dòng chảy phương Bắc 2 cho phép Nga không cần đưa khí đốt qua tuyến đường qua Ukraine. Bác bỏ những nghi ngại về việc dự án này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của cả Đức và châu Âu và khí đốt của Nga, làm suy giảm khả năng răn đe của châu Âu với Nga trong các vấn đề khu vực như Crimea, Đức cho rằng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 hay 2 không có gì khác biệt.

Nhưng rõ ràng, lựa chọn của Đức dựa trên những tính toán về việc tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ, đáng tin cậy, và về mặt này, Dòng chảy phương Bắc 2 vượt trội so với hệ thống đường ống đi qua Ukraine. Nhiều người ví von, so sánh Dòng chảy phương Bắc 2 so với hệ thống đường ống qua Ukraine giống như so sánh cáp quang với cáp đồng! Sau 5 thập kỷ sử dụng, đường ống đi qua Ukraine đã bị rò rỉ tới mức các chuyên gia tính toán cần tới 6 tỷ Euro để sửa chữa. Bên cạnh đó, nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga có thể chuyển khí đốt đến Đức với chi phí thấp hơn, ít phức tạp hơn, loại bỏ khoản chi phí trung chuyển 3 tỷ USD/năm cho Ukraine.

Thủ tướng Angela Merkel quyết liệt bảo vệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Angela Merkel quyết liệt bảo vệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Reuters

Sự lựa chọn của nước Đức là rất thực tế trong điều kiện phát triển của ngành năng lượng trong nước. Năm sau, Đức sẽ đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng, và theo kế hoạch sẽ chấm dứt sản xuất điện bằng than đá vào năm 2038. Mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện của Đức đang dần tăng lên, những đến nay vẫn chưa đạt 50%. Điều đó có nghĩa nguồn cung năng lượng của Đức sẽ có lỗ hổng lớn, và khí đốt là một phần chiến lược để lấp đầy lỗ hổng này. Hiện khí đốt cũng là nguồn năng lượng để sưởi ấm cho khoảng 45% hộ gia đình ở Đức.

Những người phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 từng lập luận rằng, Đức có thể nhận khí đốt qua tuyến đường phía Đông hiện nay qua Ukraine, hoặc qua Belarus và Ba Lan, hoặc nhận khí hóa lỏng từ Mỹ qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu khác. Nhưng trong đánh giá của giới lãnh đạo Đức, không có lựa chọn nào trong số đó hứa hẹn sự đơn giản và đáng tin cậy như Dòng chảy phương Bắc 2.

Tương lai bấp bênh của Ukraine

Trong ván bài kinh tế - chính trị mang tên “Dòng chảy phương Bắc 2”, bên thua thiệt nhất chính là Ukraine, và sự thua thiệt đó cũng thể hiện rõ trên cả hai khía cạnh kinh tế và chính trị. Là hệ thống đường ống dẫn khí đốt hiện đại, công suất lớn, Dòng chảy phương Bắc 2 chạy thẳng từ Nga đến Đức sẽ làm suy yếu vai trò của Ukraine với tư cách một trung tâm khí đốt trong khu vực. Việc Nga giảm khối lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine dự kiến sẽ khiến Ukraine đánh mất khoản doanh thu lên tới 3 tỷ USD/năm.

Không những vậy, Ukraine còn đánh mất luôn một vũ khí chính trị quan trọng để có thể tự vệ trước những động thái của Nga ở sườn phía Đông. Chính bởi vậy, trước thời điểm Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, Tổng thống Ukraine Zelenski đã tuyên bố rằng đây là một “vũ khí chính trị nguy hiểm”, đe dọa Ukraine và cả châu Âu. Cuối tuần vừa qua, trong chuyến thăm Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Ukraine trước khi bà Merkel tới Nga, Tổng thống Ukraine Zelenski đã yêu cầu bà Merkel gây sức ép với Nga để Nga tiếp tục gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Ukraine thêm 10 năm sau khi hợp đồng này hết hạn vào năm 2024.

Để trấn an Ukraine, Đức đã cam kết sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga nếu nước này sử dụng năng lượng như một vũ khí để thực hiện các hành động gây hấn trong tương lai chống lại Ukraine. Tuy nhiên, đúng như lo ngại của Tổng thống Zelenski, lời cam kết này là khá chung chung. Bên cạnh đó, đề xuất Nga gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Ukraine sau khi hợp đồng này hết hạn vào năm 2024 vẫn còn để ngỏ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trấn an Tổng thống Ukraine Zelenski trong chuyến thăm cuối tuần qua. Ảnh: France 24
Thủ tướng Đức Angela Merkel trấn an Tổng thống Ukraine Zelenski trong chuyến thăm cuối tuần qua. Ảnh: France 24

Mặc dù hai nhà lãnh đạo Angela Merkel và Vladimir Putin đã thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này, song ông Vladimir Putin đã sử dụng nước cờ “hoãn binh” khi cho biết Nga cần phải đánh giá quy mô nhu cầu đối với nhiên liệu của châu Âu với Nga trước, bởi Nga không thể ký hợp đồng trung chuyển nếu không có hợp đồng cung cấp với người tiêu dùng ở các nước châu Âu.

Theo giới phân tích, dù được Mỹ và phương Tây đánh giá là một nhân tố quan trọng ở sườn phía Đông trong thế trận ứng phó với Nga, nhưng Ukraine lại chưa thực sự đủ sức nặng để các “tay chơi lớn” chấp nhận hy sinh những tính toán thiệt hơn về địa chính trị. Có một chi tiết vẫn được nhắc đến, đó là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận sẽ thảo luận về vấn đề Ukraine trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ đã từ chối lời đề nghị gặp Tổng thống Ukraine trước cuộc họp.

Dòng chảy phương Bắc 2 được cho đã thi công được 95% khối lượng.
Dòng chảy phương Bắc 2 được cho đã thi công được 95% khối lượng.

Về phía Nga, Tổng thống Putin cũng không thể hiện sự hứng thú đối với việc gặp gỡ ông Zelenski. Bởi thế, dù Thủ tướng Angela cam kết sẽ nỗ lực đảm bảo an ninh cho Ukraine đến những giờ phút cuối cùng trước khi rời nhiệm sở, nhưng Ukraine vẫn rất lo ngại về tương lai bấp bênh của quốc gia này sau khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, lấy đi của quốc gia này một vũ khí kinh tế - chính trị quan trọng.

Nhưng dù Ukraine có lo ngại thế nào, ván bài Dòng chảy phương Bắc 2 đến thời điểm này đã ngã ngũ, và không quá khi nói rằng đó là một thắng lợi lớn với Nga. Ngay cả Mỹ sau nhiều năm tháng phản đối, trừng phạt cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng không có cách nào ngăn cản dự án này. Tất cả các bên - dù muốn hay không - buộc phải đặt cược vào lời cam kết của Nga về việc sẽ vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 như một dự án kinh tế, chứ không phải một vũ khí kinh tế - chính trị với châu Âu và với chính Ukraine.

Tin mới